Vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào bài giảng Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác dân vận
Thứ ba - 20/07/2021 03:55
Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể đã giao cho.
Công tác dân vận có vị trí vai trò rất quan trọng đã được đề cập qua các kỳ đại hội của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới tiếp tục được nhận thức và thực hiện sâu sắc, đầy đủ hơn”(1). Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, thực hiện có hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở.
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. “Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng về công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, tiếp dân theo hướng gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe Nhân dân, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân….Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Phát huy dân chủ đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội(2).
Với chuyên đề công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng và nghiệp vụ công tác dân vận. Chúng ta trang bị những kiến thức cơ bản cho học viên về công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng và nghiệp vụ công tác dân vận. Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và nghiệp vụ công tác dân vận hiện nay. Vận dụng lý luận và nghiệp vụ để giải quyết các vấn đề thực tiễn sôi động của công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác dân vận của Đảng nói riêng, nhất là của tổ chức cơ sở đảng.
Cụ thể khi giảng bài: Mục 1.2: Vai trò của nhân dân và tầm quan trọng của công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng, giảng viên thêm vào quan điểm của Đảng về công tác dân vận của Đại hội XIII: phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” (3)
Mục 1.3: Vận dụng vào phần nội dung công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng:
Những kết quả đạt được: Các chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận được cụ thể hóa sát với tình hình thực tiễn, đáp ứng quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được triển khai thực hiện khá đồng bộ, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác vận động Nhân dân khá chặt chẽ, đồng bộ. Thực hành dân chủ được mở rộng; chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở được nâng lên. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa. Nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 11.500 mô hình trên các lĩnh vực, góp phần tập hợp, huy động sức mạnh to lớn của Nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết kịp thời. Tính đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp 3.043 lượt người, có 55 đoàn đông người; tiếp nhận: 2.068 đơn. Cơ quan hành chính đã giải quyết 192/231 vụ, tỷ lệ 83,1%, xử lý, trả lời 1.119/1.308 đơn kiến nghị phản ánh của công dân, đạt tỷ lệ 85,55%. Nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của công dân trong thực hiện các bước quy trình hiệp thương giới thiệu nhân sự và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, được nhân dân chờ đợi, hưởng ứng tích cực với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao có 851.676/852.890 cử tri đi bỏ phiếu (đạt tỷ lệ 99,86%) (4).
Công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, tạo động lực để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác xây dựng Đảng và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ với Nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Bên canh những kết quả đạt được còn những hạn chế yếu kém: sự phối hợp giữa các tổ chức để vận động Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh ở cơ sở hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận trong đồng bào có đạo ở một số địa phương chưa hiệu quả. Vai trò, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đồng đều; tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên còn khó khăn; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa rõ nét.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng về công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, tiếp dân theo hướng gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe Nhân dân, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp của Nhân dân. Kịp thời thể chế hóa, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn. Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Phát huy dân chủ đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật, phát huy các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo. tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, đồng bào theo đạo hoạt động theo tín ngưỡng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục tạo cơ chế và điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giám sát việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Đa dạng hoá phương thức hoạt động, mở rộng mặt trận thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên; chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để tiếp tục góp phần đưa văn kiện, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, mỗi giảng viên cần tăng cường hơn nữa việc tiếp thu, tìm kiếm, cập nhật kịp thời và chính xác những nội dung mới trong các Nghị quyết của Đảng, chủ động hơn nữa trong việc đưa những nội dung Nghị quyết của Đảng vào trong bài giảng, góp phần tạo sự hứng thú cho học viên trong từng giờ giảng, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của bản thân giảng viên.
Học viên vận dụng những nội dung, nhiệm vụ giải pháp của nghị quyết Đại hội Đảng toàn đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX phù hợp với địa phương, đơn vị mình công tác.
Việc đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào nội dung các bài giảng là một yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa to lớn, thiết thực trong việc tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Tài liệu tham khảo:
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr 201,202 tập 2
(2) Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025)
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr.173, tập 1
(4) Ban Dân vân Tỉnh ủy, Báo cáo kết quả công tác dân vận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.
Tác giả: Th.S Nguyễn Thị Lam - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng