Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ năm - 29/04/2021 05:30
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược cuối cùng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất đánh thẳng vào tận sào huyệt của địch, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tiếp theo những thắng lợi từ đầu mùa khô 1974 - 1975, nhất là thắng lợi vang dội của chiến dịch Tây Nguyên đập tan toàn bộ quân đoàn 2 của địch, giải phóng toàn bộ quân khu 2 của Ngụy, Bộ Chính trị - Quân ủy trung ương đã họp, kịp thời nhận định và bổ sung quyết tâm mới đó là nắm bắt thời cơ chiến lược, chỉ đạo nhanh chóng tiêu diệt quân địch ở quân khu 1 chủ yếu là ở Huế - Đà Nẵng và bộ phận còn lại quân khu 2 của địch; giải phóng các tỉnh miền Trung, không cho chúng co cụm về Sài Gòn - Gia Định. Đồng thời, ta chỉ đạo kiên quyết và nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung vật chất kỹ thuật của cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh là một sự kiện vĩ đại, là bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự về tạo thời cơ và chớp thời cơ để giành thắng lợi trọn vẹn trong một thời gian ngắn nhất của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Từ sau Nghị quyết 15 (1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng, cách mạng miền Nam đã phát triển mạnh mẽ và lần lượt đánh bại các âm mưu của Mỹ - Ngụy, đặc biệt là các cuộc hành quân lấn chiếm. Liên tiếp những thất bại trên chiến trường miền Nam đã khiến Đế quốc Mỹ điên cuồng hơn, chúng tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng cách huy động lực lượng lớn không quân và hải quân. Miền Bắc lúc này vừa là hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam vừa ra sức đập tan các cuộc “tập kích chiến lược” của Mỹ, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vô cùng oanh liệt buộc Đế quốc Mỹ phải thừa nhận thất bại và ký hiệp định Paris “về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Ngày 29/3/1973, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ phải cuốn cờ, các đơn vị cuối cùng của Mỹ và chư hầu rút hết khỏi miền Nam Việt Nam. Sự kiện này trở thành một thời cơ quan trọng để nhân dân ta thực hiện mong ước “non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà”.

8


Theo hiệp định Paris (27/3/1973), Đế quốc Mỹ buộc phải đơn phương rút quân và chư hầu về nước, tuy vậy chúng vẫn chưa chịu buông tay mà càng tăng cường viện trợ cho Ngụy quyền Sài Gòn cả về hỏa lực và phương tiện chiến tranh, ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Về phía Ngụy, dựa vào sự viện trợ khổng lồ của Đế quốc Mỹ và sự chỉ đạo của các cố vấn quân sự Mỹ, chúng ra sức phá hoại hiệp định Paris thực hiện “bình định”, “lấn chiếm” với kế hoạch quân sự theo kiểu “vết dầu loang” và âm mưu xóa chỗ đứng của ta trong thế “cài răng lược”, nhanh chóng phá bỏ trạng thái “hai vùng chiến lược”.
Hành động của địch buộc nhân dân ta không còn con đường nào khác là phải tiếp tục chiến tranh để giải phóng miền Nam. Tháng 7 năm 1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đưa ra Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết 21 ra đời có ý nghĩa chỉ đạo kịp thời việc ngăn chặn các hoạt động và thu hẹp vùng kiểm soát của địch. Đến đầu năm 1974, cán cân so sánh lực lượng trên chiến trường đã nghiêng về phía ta, cách mạng miền Nam phát triển rõ rệt. Cũng thời điểm này, sau vụ Watergate, nội chính Mỹ rơi vào tình trạng xấu chưa từng có, dẫn đến khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội. Tổng thống Richard Nixon bị lật đổ, Gerald Ford lên thay, là một tổng thống lên cầm quyền không do bầu cử, tổng thống Gerald Ford phải tiếp tục thực hiện việc cắt giảm viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn.
Lúc này, tình hình quốc tế đang diễn ra khá phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Các nước đế quốc cùng với bọn phản động quốc tế đều muốn tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này và kìm chế phong trào cách mạng của ta lại nhưng cũng chưa thỏa hiệp được với nhau và chưa nước nào chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho âm mưu của mình. Thời điểm này rất có lợi cho ta, mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp từ ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975 phân tích tình hình và đưa ra kết luận: Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về chính trị và quân sự, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, giữa lúc phong trào cách mạng ba nước Đông Dương đang trên đà tiến công mạnh mẽ và giành thắng lợi ngày càng to lớn. Trước nhiệm vụ trọng đại, gay go phức tạp nhưng vô cùng vinh quang của dân tộc, Bộ Chính trị quyết định: Động viên lực lượng mọi mặt của cả nước, đoàn kết nhất trí triệu người như một, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, hi sinh, phấn đấu anh dũng tiến lên với tinh thần quyết chiến, quyết thắng rất cao.
Nhằm mục đích thăm dò “thái độ của Mỹ” có khả năng quay lại không; ta mở chiến dịch Phước Long. Chiến dịch Phước Long mang ý nghĩa đòn trinh sát chiến lược, là đòn đánh “vỗ mặt”, đòn thăm dò chiến lược nhằm khẳng định “thái độ chắc chắn” của Mỹ trước khi đưa ra quyết định táo bạo. Sau chiến thắng Phước Long (6/1/1975), Bộ Chính trị khẳng định “Mỹ không có khả năng quay lại”. Lợi dụng thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 - 1976 mà tinh thần là năm 1975 tranh thủ bất ngờ tấn công mở rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngoài kế hoạch nói trên, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương hướng hành động linh hoạt là nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Tây Nguyên được chọn là vị trí chiến lược mở màn cho toàn chiến dịch. Sau gần một tháng liên tục tiến công và nổi dậy, chiến dịch Tây Nguyên; tiếp theo là chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã giành thắng lợi, một cục diện mới lại tiếp tục được mở ra. Ngày 25/3 Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này” do đó cần “năm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”.

5


Với tư tưởng chỉ đạo là thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trước mùa mưa năm 1975; yếu tố bất ngờ lúc này là thời gian “cách mạng cả nước đang phát triển với nhịp độ một ngày bằng 20 năm”. Trên tinh thần đó, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn có kết hợp tiến công và nổi dậy tại sào huyệt cuối cùng của địch. Thực hiện khẩu hiệu: Thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “Thời gian là lực lượng, thời gian là chiến thắng”… cùng khí thế tiến công dũng mãnh đến 11h30,  ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn - Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đầu hàng vô điều kiện - Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi.
3

Với quy mô lớn nhất trên phương diện quân sự trong suốt 30 năm giải phóng dân tộc, chiến dịch Hồ Chí Minh là một thắng lợi vĩ đại. Quân dân ta đã thực hiện tốt lời chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam là độc lập tự chủ đã thành sự thật. Chiến dịch Hồ Chí Minh xứng đáng là đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của nghệ thuật tạo và chớp thời cơ, là kết quả xứng tầm với những nỗ lực bám sát tình hình và chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta./.

Tác giả: Th.S Trần Thị Thúy Hường - Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay11,372
  • Tháng hiện tại280,352
  • Tổng lượt truy cập10,376,934
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây