Xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng của Các Mác

Chủ nhật - 09/05/2021 21:11
Trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh đã tiếp thu, phát triển và hiện thực hóa những nguyên tắc và yêu cầu tư tưởng dân chủ của C.Mác trong xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa trong cương lĩnh chính trị, đường lối, Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là hệ thống tư tưởng dân chủ của C.Mác nói riêng và Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung luôn được bổ sung, phát triển và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn sinh động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Dân chủ là tiêu chí quan trọng khi người ta đánh giá về thể chế chính trị. C.Mác (1818 – 1883) với phương pháp duy vật lịch sử và các luận chứng khoa học về lịch sử, kinh tế, chính trị... ông đã chỉ ra cho nhân loại về bản chất của nguồn gốc, đặc điểm và hiện thực của dân chủ tư sản và dân chủ trong điều kiện nhà nước thuộc về giai cấp, tầng lớp hữu sản cầm quyền. Trên cơ sở đó ông đã có quan điểm khoa học và cách mạng nhất, đặt dấu mốc quan trọng “hòn đá tảng” về dân chủ và xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đó được thể hiện trên một số phương diện cơ bản:
- Nhân dân là chủ thể quyết định nền dân chủ, lý do tồn tại của nền dân chủ và chế độ dân chủ là chế độ nhà nước của nhân dân. C.Mác cho rằng: “Chế độ dân chủ là chế độ nhà nước với tính cách là khái niệm loài. Còn chế độ quân chủ chỉ là những giống của nhà nước, mà là một giống tồi. Chế độ dân chủ là nội dung và hình thức. Chế độ quân chủ dường như chỉ là hình thức, nhưng trong thực tế nó xuyên tạc nội dung”[1]. Theo Ông chế độ quân chủ chỉ là xuyên tạc dân chủ để che đậy quyền lực thiểu số của người giàu, thiểu số thế lực nắm quyền bằng nhiều cách khác nhau như thần quyền, tôn giáo, huyết thống... C.Mác chỉ ra quyền lực thực sự của nhà nước, pháp luật đó là của nhân dân, khi thực hiện quyền lực của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong xây dựng và phát triển nhà nước là thực hiện chế độ dân chủ trong xã hội: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa. Cũng giống như tôn giáo không tạo ra con người mà con người tạo ra tôn giáo, ở đây cũng vậy; không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra nhà nước”[2]; “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì pháp luật, mà pháp luật tồn tại vì con người”[3].
- Đứng trên quan điểm duy vật biện chứng C.Mác giải thích về dân chủ trên cơ sở các quy luật vận động, phát triển của xã hội trong đó yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng: “Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... là dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả những sự phát triển đó đều tác động lẫn nhau và cũng tác động đến cơ sở kinh tế”[4]. Theo C.Mác dân chủ là một yếu tố lịch sử xã hội, gắn bó hữu cơ với tính chất các mối quan hệ xã hội loài người, trong đó quan hệ kinh tế là quan trọng nhất: “Không phải là chế độ dân chủ đã làm cho Athen sụp đổ... mà chính là chế độ nô lệ, - tức là cái làm cho lao động của người công dân bị khinh thị, - đã làm cho Athen sụp đổ”[5]. Như vậy, mức độ và tính chất dân chủ trong nhà nước và xã hội phản ánh tính chất, đặc trưng và lý do tồn tại của nhà nước, chế độ chính trị đó.
untitled 23

- Với C. Mác cách thức tổ chức quyền lực của nhân dân phải thông qua việc bầu cử, nhân dân thực hiện quyền chính trị, thể hiện vai trò làm chủ của nhân dân trong chế độ nhà nước dân chủ, Ông viết: “Bầu cử là quan hệ thực sự của xã hội công dân thực sự, với xã hội công dân của quyền lập pháp, với yếu tố đại biểu. Nói cách khác, bầu cử là quan hệ trực tiếp, thẳng, không chỉ có tính chất đại biểu, mà đang thực tế tồn tại, của xã hội công dân với nhà nước chính trị. Vì vậy, hiển nhiên là bầu cử cấu thành lợi ích chính trị quan trọng nhất của xã hội công dân thực sự”[6]. Theo lôgic C.Mác chỉ ra thể chế chính trị và nhà nước của nó được thực hiện tính chất dân chủ thực sự, của nhân dân, do nhân dân khi quyền bầu cử được thực thi đầy đủ, khi mà cả người dân đi bầu và đại biểu được bầu đều thể hiện thực chất nguyên tắc dân chủ, tức là những yếu tố căn bản nhất của nhà nước đó, là cán bộ, công chức trong thể chế chính trị và nhà nước đó phải do nhân dân lựa chọn, thực hiện đúng tính chất đại biểu của nhân dân.
Trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh đã tiếp thu, phát triển và hiện thực hóa những nguyên tắc và yêu cầu tư tưởng dân chủ của C.Mác trong xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa trong cương lĩnh chính trị, đường lối, Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là hệ thống tư tưởng dân chủ của C.Mác nói riêng và Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung luôn được bổ sung, phát triển và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn sinh động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong hoàn thiện nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần thực hiện một số nội dung cơ bản:
5 15875454604011998230042 16036836450041268704454 1603763865239 1603763866080171610522

- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện triệt để các tính chất, đặc điểm chế độ nhà nước nhân dân theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, được khái quát trong Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, và Cương lĩnh của Đảng: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”[7].
- Nhân dân phát huy tối đa quyền là chủ của mình thông qua tổ chức ra nhà nước, bầu ra đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân tổ chức ra các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp. Nhà nước xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật, quản lý đất nước bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời cải thiện điều kiện sống, mở rộng quyền tự do, tự quyết và phát triển toàn diện của con người.
- Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế để nhân dân được hưởng, được thực hiện các quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền tự do, dân chủ trong kinh tế, văn hóa xã hội, y tế, quốc phòng, an ninh... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cùng với nhân dân thực hiện quyền giám sát nhà nước, các quyền lực xã hội và đồng thời thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyết tâm thực hiện thắng lợi nội dung về: tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp phẩm chất tốt, có năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội, làm tốt công tác tư tưởng, lý luận nhất là lý luận về nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

76d6125215t4403l10 316


- Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là chuyển đổi số quốc gia và kinh tế số. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo điều kiện để Nhân dân không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn gắn với văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày nay khi nhiều vấn đề lý luận về dân chủ và xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa còn nhiều điều phải bổ sung, sáng tạo và hoàn thiện so với những quan điểm của C.Mác song cốt lõi về một nền dân chủ chân chính, là nền dân chủ mà nhân dân là chủ nhân của xã hội, quyền lực thuộc về nhân dân của xã hội mới vẫn còn nguyên giá trị. Những thành công bước đầu về nhiều mặt trong phát triển đất nước của các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam là minh chứng sinh động và hùng hồn về tính khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và tư tưởng của C.Mác về dân chủ nói riêng.
 
[1] C.Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb, chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.349.
[2] C.Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, sđd, 1995, t.1, tr.350.
[3] C.Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, sđd, 1995, t.1, tr.394.
[4] C.Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, sđd, 1995, t.1, tr.396.
[5] C.Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, sđd, 1995, t.21, tr.179.
[6] C.Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, sđd, 1995, t.1, tr.496.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

Tác giả: ThS. Hồ Thanh - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay10,067
  • Tháng hiện tại32,881
  • Tổng lượt truy cập9,299,861
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây