Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn

Thứ bảy - 14/08/2021 23:59
Với cương vị là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hoạt động của tổ chức công đoàn, làm cho tổ chức này ngày càng lớn mạnh, trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền.
Ngày 28/7/1929, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập, đây được xem là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công hội (sau này gọi là Công đoàn) và phong trào công nhân Việt Nam gắn liền với những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người đặt nền móng, cơ sở lý luận cho sự ra đời của các tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Với ý chí nung nấu phải ra đi tìm ánh sáng mới cho cách mạng nước nhà, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm trở thành hội viên của Công đoàn Hải ngoại nước Anh. Những năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu, nghiên cứu nhiều về tôn chỉ mục đích, hình thức, nội dung và hình thức hoạt động của tổ chức công đoàn các nước châu Âu; công đoàn các nước thuộc địa châu Á để rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thành lập công đoàn Việt Nam sau này.
Sau khi tham gia vào Đảng Xã hội Pháp, Người đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các tổ chức công đoàn trong công nhân Pháp và trở thành đoàn viên công đoàn chính thức của Công đoàn kim khí, quận 17, thành phố Paris (Pháp). Tại đây, Người đã tích cực yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Pháp tìm cách giúp đỡ công nhân các nước thuộc địa thành lập tổ chức Công hội.
Từ những hoạt động của các cơ sở công hội đầu tiên trên các tàu buôn hàng hải Pháp về Việt Nam đầu những năm 20 của thế kỷ XX như Hải viên công hội, hội Tương tế, hội Ái hữu để công nhân tương trợ giúp đỡ nhau khi làm việc xa quê đến cuộc vận động thành lập Công hội đỏ Ba Son của đồng chí Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn (1920-1921) với mục đích đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản, phong trào công nhân ngày càng phát triển sôi nổi, chuyển từ tự phát sang tự giác. Lúc bấy giờ, Bác nêu ra sáng kiến để những học trò ưu tú của mình như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự phát động phong trào vô sản, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ. Đây cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929 của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tại số nhà 15 Hàng Nón - Hà Nội.
Việc thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đó vừa là kết quả tất yếu chứng minh sự trưởng thành về chất của phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi trong đường lối công vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây cũng là lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ mục đích, phản ánh ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, với cương vị là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hoạt động của tổ chức công đoàn. Người đã dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện, chỉ đạo công tác công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường... làm cho tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, của chính quyền.
Tại Hội nghị Trung ương lần 8 (năm 1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến lập ra Mặt trận Việt Minh, từ đó Hội Công nhân cứu quốc cũng đã ra đời, các tổ chức công đoàn phát triển mạnh trong cả nước. Bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Người cũng luôn luôn nhắc nhở, kêu gọi giai cấp công nhân vận động các phong trào như: “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất vũ khí”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, “Thi đua 2 tốt”..., đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào công nhân và lịch sử công đoàn nước ta. Bác nhắc nhở công nhân rằng: “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người được khoẻ mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất, làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng để cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”.
tai xuong

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng công đoàn vững mạnh thì tổ chức công đoàn các cấp phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu, đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ và đoàn kết; phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức. Công đoàn các cấp cần phải cải tiến lề lối làm việc, sâu sát và thiết thực. “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh…”. Đối với cán bộ công đoàn phải: “là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật”.
2 2

Cùng với sự trưởng thành và phát triển lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Hà Tĩnh đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Trải qua 18 kỳ đại hội, hệ thống tổ chức công đoàn Hà Tĩnh đã được xây dựng, phát triển đến tận xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với 22 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 1.642 công đoàn cơ sở, với hơn 100.000 CNVCLĐ, trong đó có gần 75.000 đoàn viên công đoàn thuộc các thành phần kinh tế.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Hoạt động của các cấp công đoàn tập trung hướng mạnh về cơ sở, thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Lịch sử hình thành và phát triển hơn 92 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Hà Tĩnh nói riêng đã đóng góp không nhỏ vào những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Với những thành tích đạt được, LĐLĐ Hà Tĩnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy truyền thống vẻ vang đó, các cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và luôn thấm nhuần những lời căn dặn của Bác để xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành điểm tựa thực sự vững chắc cho công nhân, viên chức và người lao động Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tác giả: Th.S Trần Thị Thuý Hường - GV Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay13,217
  • Tháng hiện tại282,346
  • Tổng lượt truy cập10,378,928
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây