Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công tác thương binh, liệt sỹ

Chủ nhật - 25/07/2021 22:15
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng. Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách. Đó là đạo lý sống của người Việt Nam, là sự kế thừa tư tưởng nhân đạo, truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc.
Nội dung tư tưởng, những tình cảm thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sỹ được thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt, cụ thể, thiết thực trong rất nhiều lời nói, bài viết, trong hành động và việc làm.
Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn hằng năm có một ngày dành cho thương binh, liệt sĩ. Theo đề nghị của Người, giữa tháng 6/1947, hội nghị các ngành của Trung ương và đại diện các địa phương họp tại Đại Từ (Thái Nguyên), đã nhất trí lấy ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh toàn quốc; đến năm 1955, đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Mặc dù bận rất nhiều việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình chính sách và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang. Người còn trích 1 tháng lương của mình tặng các thương binh. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất.
picture1

Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ là chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người. Lòng thương người thể hiện khi Bác kêu gọi, yêu cầu trách nhiệm của toàn xã hội đối với anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Người cũng luôn động viên anh chị em thương binh phấn đấu trở thành những người “tàn nhưng không phế”, hăng hái, lạc quan đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự và sống mãi với non sông đất nước. Đây không chỉ là sự tiếc thương mà còn là niềm tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc. Người đã gắn sự tổn thất lớn lao của những thương binh, liệt sĩ vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể những người được sống trong hòa bình hôm nay.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và được xã hội hóa. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân tỉnh nhà.
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới 838, sửa chữa 254 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 24,256 tỷ đồng; tặng 2.268 sổ tiết kiệm, các trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu trị giá hàng chục tỷ đồng; 100% mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ; 96% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Mỗi năm, trung bình toàn tỉnh chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 43.000 người có công với cách mạng, trên 50.000 người được hưởng trợ cấp một lần và các chính sách ưu đãi khác với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Ngoài quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, trung bình mỗi năm, các huyện, thành, thị trên địa bàn đã trích ngân sách trên 35 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công; tổ chức các hoạt động dâng hoa, dâng hương tại các công trình ghi ơn các anh hùng liệt sĩ kịp thời, chu đáo (1).
Những ngày này, đội ngũ lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban ngành, chính quyền và người dân ở Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục hoạt động tri ân những gia đình có công với cách mạng bằng sự thăm hỏi động viên ân cần, bằng những món quà ý nghĩa lớn. Sự quan tâm ấm áp ấy là nguồn động viên quý giá, giúp các gia đình chính sách xoa dịu nỗi đau, tiếp tục khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.


(1) Theo Dự thảo báo cáo sơ kết thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2021; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của sở Lao động thương binh và xã hội.

Tác giả: Th.S Dương Thị Vân Linh - GV Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay14,445
  • Tháng hiện tại285,458
  • Tổng lượt truy cập9,969,783
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây