Đảm bảo quy trình dân vận trong bầu cử quốc hội và HDND các cấp

Thứ hai - 05/04/2021 04:42
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng của đất nước, của địa phương.
 Thực hiện tốt quy trình dân vận trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là việc làm rất quan trọng để đảm bảo cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Các địa phương, cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử cần vận dụng quy trình dân vận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, với mục đích “Vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân”1 để thực hiện bầu cử. Hễ là Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND theo quy định của pháp luật.
 
1 1

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho “dân biết”, tức là: “Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”2. Trong công tác chuẩn bị bầu cử, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phải thực hiện tốt công tác thông tin, truyên truyền, vận động bầu cử để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân biết được và nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nắm vững, hiểu rõ và thực hiện đúng các chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về cuộc bầu cử, quy định của Luật Bầu cử; về vị trí, vai trò và những thành tựu của Quốc hội và HĐND các cấp trong bộ máy Nhà nước; về quyền bầu cử, ứng cử của công dân và nghĩa vụ của cử tri trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả… Đồng thời phải tạo điều kiện đến mức có thể cho cử tri tìm hiểu, tiếp xúc, gặp gỡ được với những ứng cử viên của mình để từ đó họ có cơ sở thực tiễn lựa chọn và bầu được những người đại biểu có phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
 
3 1

Trên cơ sở “dân biết” phải thực hiện “dân bàn”, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương…”3. Thông qua các hình thức như tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND, cử tri sẽ đóng góp ý kiến, nhận xét, đánh giá, đề đạt nguyện vọng và bày tỏ sự tín nhiệm hay không tín nhiệm với người đại biểu của mình trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết, xây dựng.  Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri còn có thể để bày tỏ, đóng góp ý kiến xây dựng của mình về cuộc bầu cử, kể cả việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, để bầu cử đạt được kết quả cao nhất.
Sau khi Nhân dân đã thực sự được bàn bạc dân chủ, đến ngày bầu cử, thực hiện “dân làm” phải “động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”4. Phải có cách thức tổ chức hiệu quả để cuốn hút sự ủng hộ và tích cực tham gia bầu cử của cử tri. Tránh không để xảy ra các hiện tượng như cử tri nhờ người bầu hộ, bầu thay.
Trong quá trình tổ chức bầu cử cần thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của cử tri, cùng với cử tri thực hiện “kiểm thảo lại công việc”5 nhằm đảm bảo tính dân chủ, đúng luật. Nếu phát hiện ra sai sót trong danh sách ứng cử, cử tri có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, khiếu nại kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Hội đồng bầu cử. Lúc chuẩn bị bỏ phiếu, đại diện cử tri phải được chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu của Tổ bầu cử, cho đến khi kiểm phiếu cũng phải có sự tham gia, chứng kiến của đại diện cử tri; đồng thời họ có quyền khiếu nại về việc kiểm phiếu nếu phát hiện ra gian lận. Và tất nhiên, cử tri phải được biết danh sách đại biểu trúng cử để tiếp tục theo dõi, giám sát đối với các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong suốt cả nhiệm kỳ hoạt động…
Đảm bảo quy trình dân vận trong bầu cử Quốc hội, HĐND là việc làm rất quan trọng cho nên phải chuẩn bị kỹ càng, phải có phương châm rõ ràng, kế hoạch đầy đủ, cách làm chắc chắn. Điều đó đòi hỏi lực lượng chuyên trách phải đi sâu, đi sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng và đời sống của Nhân dân, phối hợp tốt với các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng giải quyết những vấn đề búc xúc, nổi cộm để kịp thời tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, sao cho mỗi người dân, mỗi cử tri tham gia bầu cử với tinh thần hăng hái, trách nhiệm cao nhất.

1,2,3,4,5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CT-ST, H.2011, tập 6, tr.232, 233
      

Tác giả: ThS Phan Bá Linh - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay7,324
  • Tháng hiện tại324,551
  • Tổng lượt truy cập10,421,133
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây