Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Thứ năm - 22/07/2021 23:47
Chiến tranh đã lùi xa, non sông Việt Nam thu về một mối. Nhân dân ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Nhưng, nỗi đau chiến tranh và hậu quả tàn khốc của nó vẫn còn đó, trong tiềm thức và hiện thực cuộc sống hôm nay.
Là lãnh tụ của Đảng, Người lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh giành tình thương yêu bao la, sự trân trọng và quan tâm đặc biệt đối với các liệt sĩ, thương, bệnh binh và thân nhân, gia đình của họ. Những tư tưởng, tình cảm và tấm gương của Người đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trở thành kim chỉ nam cho chúng ta trong việc thực hiện hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày nay.
Trong bộn bề công việc của những ngày đầu mới giành được chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên công ơn của những người đã hy sinh tính mạng, xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc. Ngày 7/11/1946, trên báo Cứu Quốc, Người đã thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ “Cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà” và Người đã “nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”1 của mình.
Gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương binh Vũ Đình Tụng, Người nhắc nhở: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”2. Theo Người, thực hiện chính sách người có công với cách mạng, công tác đền ơn đáp nghĩa là nghĩa vụ của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng; không nên coi đó là một việc làm phúc; đó là việc làm chí nghĩa, chí tình, xuất phát từ sự thành kính và lòng biết ơn sâu sắc nhất; phù hợp với truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc ta, là trách nhiệm của mọi người và phải gắn với từng đối tượng cụ thể.
Đối với các liệt sĩ, Người căn dặn “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.3
Đối với thương binh, bệnh binh “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình”, một mặt, Người động viên “nuôi lại sức khỏe”, “cố gắng học tập”4 góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp, trở thành những người “tàn nhưng không phế”, thành “người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”5; Người yêu cầu “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với thân nhân của thương binh, liệt sĩ, nhất là “cha mẹ, vợ con… mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét6.
Là một tấm gương nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mẫu mực trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ngày 16-02-1947, Người ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ” và đồng ý chọn ngày 27-7 hằng năm là "Ngày Thương binh - Liệt sĩ", đây là dịp để nhân dân bày tỏ lòng hiếu nghĩa đối với những người hy sinh xương máu cho cách mạng. Ngày thương binh toàn quốc đầu tiên năm 1947, Bác gửi một chiếc áo lót lụa, một tháng lương, một bữa ăn của Bác và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng để giúp đồng bào bị đói và các chiến sĩ bị thương… Từ đó cho đến trước khi đi xa, năm nào Bác cũng gửi thư thăm hỏi, tặng quà động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ như một việc làm tri ân với những người có công với Tổ quốc.
Không những vậy, Bác còn khởi xướng nhiều phong trào hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: phong trào “Đón thương binh về làng”, phong trào thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”,... Đặt nền móng cho phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành hoạt động xã hội rộng khắp trong nhân dân.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở Hà Tĩnh với lòng biết ơn sâu sắc đã luôn thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm, chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần đối với thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả được triển khai như: chi trả kịp thời trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho hơn 41.000 người có công và trợ cấp một lần cho 1.532 người;7 Đến nay đã hỗ trợ và cấp kinh phí cho 4.598 hộ, trong đó tiến hành xây mới 2349, sửa chữa 2.249 căn nhà với kinh phí trên 139 tỷ đồng. Trên 50.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh; gần 20 nghìn đối tượng được đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình với kinh phí trên 25 tỷ đồng. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán và ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 hàng năm đã tổ chức trao quà đảm bảo kịp thời, chú đáo, đạt mục đích, ý nghĩa nhân văn. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các liệt sĩ được quan tâm triển khai. Đầu năm 2021, tổ chức trang nghiêm lễ truy điệu, an táng 11 hài cốt liệt sỹ quy tập tại Lào về nước nâng nâng tổng số hài cố liệt sĩ được quy tập từ năm 1999 tại Lào đến nay lên 789 hài cốt. 8
Được sống trong cảnh đất nước hòa bình, độc lập, đời sống Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, chúng ta càng trân trọng hơn sự hy sinh, mất mát to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, các thương binh bệnh binh và thân nhân của họ. Khắc ghi những lời Bác Hồ đã dạy, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã quyết tâm “giải quyết căn bản các vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách đối với người có công”, “chăm lo thực hiện tốt các chính sách cho người có công với cách mạng”.(9) Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay đối với những thế hệ đi trước!
Chú thích
(1) CD room - Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 486 .
(2) CD room - Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 372.
(3) CD room - Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 204
(4)(5) CD room - Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 584.
(6) CD room - Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 616.
(7)(8) Sở LĐTB&XH, Báo cáo sơ kết thực hiện vụ công tác 6 tháng đầu năm 2021, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công.
(9) Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX
Tác giả: Th.S Trần Thị Thuý Hường - GV Khoa Xây dựn Đảng