Đồng chí Hà Huy Tập với cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ sáu - 23/04/2021 11:43
Sớm được tiếp nhận lý luận Mác – Lênin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, từ một thanh niên yêu nước chân chính, Hà Huy Tập dứt khoát hướng theo tư tưởng cách mạng của thời đại, trở thành người cộng sản kiên cường, Tổng bí thư của Đảng; đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng Đảng và giải phóng dân tộc.
Với trí tuệ, tư duy sắc sảo của một người được đào tạo bài bản, đầy đủ lý luận Mác - Lênin ở Trường Đại học Phương Đông, với một bản lĩnh chính trị vững vàng, lại được tắm mình trong trong phong trào cách mạng sôi nổi của giai cấp công nhân và toàn dân tộc, đồng chí Hà Huy Tập sớm trở thành nhà tư tưởng, nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Thông qua những bài viết, tác phẩm lý luận và hoạt động thực tiễn của mình, Hà Huy Tập đã đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất là chủ nghĩa cơ hội và Tờrốtxky.
Để bảo vệ Đảng, Hà Huy Tập trước hết đã khẳng định tính tất yếu về sự ra đời của Đảng Cộng Việt Nam trên cơ sở “ba tổ chức cộng sản  hợp nhất lại”1. Điều này đã bác bỏ những nhận định sai lầm về lịch sử và cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương.
1

Hà Huy Tập quan tâm xây dựng niềm tin của giai cấp và nhân dân vào vị trí và vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng - “Đội tiên phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”2 , “người bảo vệ duy nhất” và giải phóng những người bị áp bức, bóc lột. Và tự bản thân Đảng, trong thực tế “Đã tỏ rõ với quần chúng rằng mình là người lãnh đạo thực sự, người chỉ huy thực sự”3.  Hà Huy Tập luôn tỏ rõ niềm tự hào vô hạn, tình cảm ca ngợi nồng nhiệt của mình đối với Đảng, đối với đồng chí Nguyễn Ái Quốc – người sáng lập Đảng, với sự hy sinh lớn lao của những đảng viên và quần chúng cách mạng để viết nên những trang sử vẻ vang của Đảng.
 Dưới sự lãnh đạo của một Đảng “vững vàng về hệ tư tưởng vô sản, một tính chiến đấu mẫu mực, một nghị lực hành động, một chủ nghĩa anh hùng đáng khen”4, Hà Huy Tập đặt niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng: “Thắng lợi của cách mạnh Đông Dương sẽ ở trong tay chúng tôi: chúng tôi chỉ việc tiến tới đó bằng tranh đấu”5.
Tuy không phải là người sáng lập, song Hà Huy Tập đã có những đóng góp vô cùng to lớn về xây dựng Đảng. Khi Đảng và phong trào cách mạng bị kẻ thù đàn áp, Đồng chí kiên trì đấu tranh bảo vệ Đảng, chống lại các luận điệu cho rằng “Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị tiêu diệt”. Ở thời điểm Đảng bị kẻ thù phá vỡ, Hà Huy Tập cùng các đồng chí của mình từng bước đấu tranh khôi phục tổ chức đảng và xây dựng đường lối của Đảng, từ xây dựng Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1932), lập ra Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng, chuẩn bị và chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935)… Sau khi trở thành Tổng Bí thư, Hà Huy Tập vừa trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, vừa chỉ đạo xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Trực tiếp soạn thảo nhiều văn kiện mang tính định hướng chỉ đạo về chủ trương, đường lối hoạt động của Đảng và cách mạng.
Nhận thức đúng đắn vai trò của nền tảng tư tưởng, lý luận đối với một Đảng cách mạng, Hà Huy Tập yêu cầu Đảng phải “luôn luôn đi đúng chủ nghĩa mácxít –lêninnít”6, phải dựa vào lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin mà phát triển lên cho phù hợp với hoàn cảnh; đồng thời, ra sức truyền truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin; vận dụng đúng đắn, sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn xây dựng Đảng và phong trào cách mạng. Có thể khẳng định, mỗi cuốn sách, bài báo của Hà Huy Tập được công bố, là những dịp làm sâu sắc hơn những nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận của Đảng, bảo vệ Đảng về tư tưởng, lý luận và quan điểm, đường lối chính trị.
Kiên định bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, Hà Huy Tập lưu ý, trong lĩnh vực lý luận “không phải chỉ phổ biến lý luận chủ nghĩa cộng sản và gắn lý luận liên hệ chặt chẽ với thực tiễn, mà còn đấu tranh kiên quyết với mọi tư tưởng thù địch, mọi khuynh hướng chống chủ nghĩa Lênin và chống chủ nghĩa cơ hội”7, “chống hết các xu hướng sai lầm cả ở trong và ở ngoài hàng ngũ Đảng”8.
Bằng những bài bút chiến sắc bén của mình, trên diễn đàn công luận, Hà Huy Tập vừa tích cực uốn nắn những nhận thức sai lệch để đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng; vừa đấu tranh với các biểu hiện tả khuynh, “hữu” khuynh và chủ nghĩa cơ hội trong Đảng. Đặc biệt, đối với bọn phản cách mạng Tờrốtkít, Hà Huy Tập dứt khoát:  Những người cộng sản phải tỉnh táo, vạch trần tính chất phản động về lý luận và chính tri của chúng, phải tiêu diệt chúng về chính trị, không có liên minh hay thỏa hiệp.
Những hoạt động của Hà Huy Tập trên mặt trận tư tưởng, lý luận đã góp phấn quan trọng đưa tư tưởng, lý luận chân chính của Đảng thấm sâu vào quần chúng và bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tấm gương kiên cường của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập  mãi là động lực, nguồn cổ vũ cho thế hệ cách mạng ngày hôm nay và mai sau vững vàng trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1, 2, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1999, t4, tr.255, 409, 275.
3,4,7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t3, tr.415, 426, 415.
6,8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t6, tr.293.
 

Tác giả: Ths. Phan Bá Linh - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây