Đồng chí Hà Huy Tập với hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng

Thứ năm - 29/04/2021 05:16
Cuộc đời hoạt động cách mạng anh dũng, vẻ vang của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam. Trong đó, nổi bật là bài học về công tác tuyên truyền, vận động cách mạng.
Hà Huy Tập bắt đầu tham gia hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng từ năm 1923. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập được bổ nhiệm về dạy học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Nha Trang. Hà Huy Tập không chỉ dạy cho học sinh kiến thức trong sách vở mà còn thường xuyên giáo dục cho các em lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí đấu tranh đem lại độc lập cho dân tộc; vận động chống chế độ thực dân Pháp trong giáo viên và học sinh.

picture1


Sau khi gia nhập tổ chức Hội Phục Việt (1925), Hà Huy Tập nhận thức được vai trò quan trọng của giai cấp công nhân trong cách mạng, đồng chí tích cực tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong đội ngũ này. Đầu năm 1926, Hà Huy Tập mở 3 lớp học buổi chiều cho giai cấp công nhân ở Nha Trang. Dưới danh nghĩa lớp học xóa mù chữ, Hà Huy Tập đã tập hợp công nhân để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền lợi lao động chính đáng và đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Gần cuối năm 1926, Công sứ Nha Trang đã ra lệnh trục xuất Hà Huy Tập ra khỏi tỉnh khi thấy mối nguy hại của ông đối với chính quyền. Tháng 8/1926, Hà Huy Tập chuyển về Vinh và dạy học tại Trường Cao Xuân Dục. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, công nhân ở Vinh - Bến Thủy và vận động các nhà giáo khác tham gia. Thông qua các bài giảng, Hà Huy Tập đã nhen nhóm trong học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, lòng hướng thiện, biết phân biệt chính - tà...
 
image 20210429161939 1

               Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập.

Hà Huy Tập đã tổ chức nhiều lớp học cho công nhân Vinh - Bến Thủy vào ban đêm, mở các lớp huấn luyện chính trị sơ đẳng cho công nhân; cùng các nhà lãnh đạo khác tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết công khai trước đông đảo công chúng, thu hút nhiều quần chúng lao động và công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp đến nghe.
Hà Huy Tập cũng hết sức chú ý đến vai trò quan trọng của giai cấp nông dân nên đã đi xuống các xóm thợ, dân cày, vùng nông thôn ở Vinh để tuyên truyền, vận động cách mạng. Hoảng sợ trước ảnh hưởng của phong trào, thực dân Pháp đã ra lệnh giải tán các lớp học và cấm hoạt động, Công sứ Vinh đã ra lệnh cắt chức giáo viên của ông.
Tháng 3/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn dạy học để tiếp tục tuyên truyền, vận động cách mạng. Tại đây, đồng chí dành thời gian đến tận các nhà máy, xí nghiệp, gần gũi công nhân để tuyên truyền cách mạng; vận động học sinh bãi khóa. Tháng 6/1928, Hà Huy Tập bị đình chỉ dạy học vì tham gia hoạt động chính trị.
Sau đó, ông phải làm thuê ở Sài Gòn và đi xuống Bà Rịa làm công nhân cho đồn điền Phú Mỹ và một số địa phương khác ở Nam Kỳ. Chính trong thời gian này, Hà Huy Tập đã tổ chức nhiều lớp xóa nạn mù chữ, tuyên truyền cách mạng cho công nhân.
Tháng 7/1929, Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Trong thời gian học tập ở đây, Hà Huy Tập đã viết nhiều bài giúp cho các đảng cộng sản và giai cấp công nhân các nước hiểu rõ hơn về Đảng Cộng sản Đông Dương. Hà Huy Tập viết nhiều bài gửi Tạp chí Bônsơvich -  Cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp như: Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng (1929), Hoạt động của Đảng Công sản Đông Dương (1931), Thư gửi Ban biên tập Tạp chí Bônsơvich (1932); Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932), Những cải cách đế quốc chủ nghĩa (1932).
Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông ở Liên Xô (1932), Hà Huy Tập đã tập hợp các tài liệu viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”. Đây là cuốn sách viết về lịch sử Đảng ta, tác phẩm có tính chiến đấu cao, đập tan luận điệu xuyên tạc của bọn thực dân và tay sai trước phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 4/1933, Hà Huy Tập về nước, bắt liên lạc với Đảng và với đồng chí Lê Hồng Phong bàn quyết định triệu tập hội nghị để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng làm nhiệm vụ chắp nối và khôi phục các tổ chức Đảng trong nước. Tại hội nghị đó (tháng 3/1934), đồng chí Hà Huy Tập được phân công chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động. Từ ngày 27 - 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) đã diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, Hà Huy Tập chủ trì đại hội và đọc báo cáo chính trị.
Báo cáo được đại hội thông qua và trở thành nghị quyết chính trị của Đảng. Ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị Ban Trung ương do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài Hà Huy Tập chủ trì. Hà Huy Tập được cử về nước để tổ chức Ban Trung ương và để khôi phục liên lạc với các tổ chức của Đảng. Đến thời điểm này, Hà Huy Tập được coi là Tổng Bí thư của Đảng.
Sau khi về nước, cùng với việc khôi phục và thống nhất hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, lãnh đạo phong trào cách mạng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập rất chú trong công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đồng chí đã chỉ đạo ban hành nhiều tài liệu quan trọng nhằm giáo dục và thống nhất trong toàn Đảng về chủ trương, sách lược mới của Đảng như bản Chung quanh vấn đề chiến sách mới (1936), cuốn sách Chủ trương tổ chức mới cuả Đảng (1937).  Đồng thời, Hà Huy Tập cũng rất chú trọng bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Quán triệt học thuyết Mác- Lênin về đảng vô sản, đồng chí và Trung ương Đảng ta khẳng định: “Đảng ta phải luôn luôn đi cho đúng chủ nghĩa mácxít – lêninnít, đúng nguyên tắc của Đệ tam quốc tế, phải bônsêvích hóa, nên cần chống hết các xu hướng sai lầm cả ở trong và ở ngoài hàng ngũ Đảng”[1]. Hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần quan trọng cho phong trào cách mạng của Đảng ta.

[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t6, tr293, Nxb Chính trị quốc gia,HN 2000

Tác giả: Th.S Trần Thị Quỳnh Nga - Trường Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay19,511
  • Tháng hiện tại112,669
  • Tổng lượt truy cập10,209,251
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây