Lý tưởng, niềm tin và chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú

Thứ hai - 06/09/2021 10:11
Ngày 6/9/1931, Tổng Bí thư Trần Phú - người con kiên trung làng Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) - qua đời khi mới 27 tuổi. Sự hy sinh cao cả đó đã khơi nguồn sống, sự trường tồn của lý tưởng mà cả cuộc đời đồng chí đã tin, theo và “giữ vững chí khí chiến đấu” cho đến hơi thở cuối cùng.
Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sớm chọn con đường hiến thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, được chủ nghĩa Mác - Lê-nin thông qua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, đồng chí Trần Phú như được chắp thêm đôi cánh để thực hiện lý tưởng của mình.
anh 1

                                                              Chân dung Tổng Bí thư Trần Phú
Đến với lý tưởng cộng sản, đồng chí Trần Phú hiểu sâu sắc rằng con đường duy nhất để cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn là con đường chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải được đặt vào quỹ đạo của CNXH. Độc lập cho dân tộc phải gắn với xóa bỏ tận gốc mọi áp bức bóc lột, đưa lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người.
Với tình cảm chân thành và lý trí người cộng sản, đồng chí Trần Phú hoàn toàn tin tưởng và tự nguyện hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn. Thế nhưng, lý tưởng dù cao đẹp đến đâu nếu không trở thành hiện thực cách mạng thì vẫn chỉ dừng lại ở lý tưởng. Thấu hiểu chân lý đó, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, đồng chí Trần Phú đã tích cực tuyên truyền lý tưởng cộng sản, thực hiện phong trào “vô sản hóa”. Đồng chí cũng đã bất chấp mọi nguy hiểm để tìm đường từ Mátxcơva về nước, thực hiện những nhiệm vụ cao cả của mình. Đồng chí đã hoà mình vào đời sống công nhân, Nhân dân lao động để xây dựng dự thảo Luận cương của Đảng; chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng vững mạnh… Với quyết tâm cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo thực hiện mục tiêu làm “cách mạng tư sản dân quyền”... sau đóbỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu tiến thẳng lên con đường XHCN (1).
Với công lao, năng lực, đạo đức và uy tín của mình, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng (tháng 10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Một thanh niên mới 26 tuổi đời đã đảm nhận một nhiệm vụ vừa quan trọng, vẻ vang, lại vừa khó khăn trong hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đó cũng là cơ hội lớn lao để đồng chí Trần Phú tiếp tục theo đuổi, thực hiện lý tưởng cao đẹp của đời mình.
anh 2
                                        Mộ đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ
Đáng tiếc, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã không để đồng chí Trần Phú được sống và thực hiện trọn vẹn mơ ước ấy. Ngày 18/4/1931, đồng chí đã bị bọn mật thám Pháp bắt ở Sài Gòn.
Kẻ thù dùng nhục hình dã man, đồng chí Trần Phú vẫn giữ vững chí khí chiến đấu và tinh thần lạc quan cách mạng; kẻ thù giở trò lừa phỉnh mua chuộc, đồng chí vẫn kiên quyết giữ gìn bí mật của Đảng, không khai đồng chí mình; kẻ thù mong tìm ở Trần Phú “một dấu hiệu yếu đuối”, nhưng đồng chí càng mạnh mẽ, kiên cường khiến kẻ thù khiếp sợ... Đó là ý chí, khí phách người cộng sản Trần Phú.
Sức mạnh nào làm nên chí khí anh hùng đó? Đó chính là sức mạnh của niềm tin lý tưởng cách mạng, là trọng trách và sứ mạng của người cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc và Nhân dân, như điều mà đồng chí Trần Phú trước sau mong muốn đối với những người ở lại là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Lời nhắn gửi “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú là lời động viên, khích lệ đồng bào, đồng chí, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng giai đoạn cách mạng luôn giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đập tan mọi âm mưu xâm lược, phá hoại của các thế lực thù địch; thực hành có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2005, tr.93.

Tác giả: Th.S Phan Bá Linh - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay13,521
  • Tháng hiện tại284,534
  • Tổng lượt truy cập9,968,859
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây