Xô viết Nghệ - Tĩnh là cuộc tranh vĩ đại đầu tiên của quần chúng công - nông từ khi có Đảng lãnh đạo với khí thế ngút trời, trào dâng thác lũ, đã khẳng định giá trị của tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh quần chúng Nhân dân làm nên lịch sử. Tiếng trống Xô viết năm 1930 đã mang khát vọng độc lập, tự do của những người dân bị áp bức, là ngọn lửa thiêng thắp sáng, tiếp bước mở đường cho những thắng lợi của Cách mạng Việt Nam sau này.
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Xô viết Nghệ -Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2021), nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy, thành quả to lớn đầu tiên mà Xô viết Nghệ -Tĩnh để lại, đó là đã khẳng định bước thể nghiệm trong thực tiễn về vai trò lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đảng ta lúc đó dù vừa mới ra đời, còn rất non trẻ nhưng đã thể hiện rõ vai trò, uy tín, sức chiến đấu trong lãnh đạo cách mạng, trong đó là sức mạnh của đoàn kết, huy động quần chúng Nhân dân.
Thấm nhuần quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu, hy sinh và trí thông minh, sáng tạo của hàng triệu Nhân dân, nhất là công nhân, nông dân và những người trí thức cách mạng”(Hồ Chí Minh:
Về đạo đức cách mạng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.131-137.
), Đảng đã lãnh đạo, tập hợp được sức mạnh và tổ chức tranh đấu trong thực tiễn của khối liên minh công - nông vững chắc làm nòng cốt phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Từ những cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, nông dân các địa phương đòi chia ruộng đất, giảm sưu thuế vào đầu tháng 5/1930, đã nhanh chóng bùng nổ những cuộc mít tinh, biểu tình biểu dương lực lượng đông đảo của quần chúng công - nông kết hợp dương cao cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, diễn thuyết..., đặc biệt là tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Cao trào cách mạng phát triển đến đỉnh cao dẫn đến chính quyền thực dân ở nhiều làng, xã bị tan rã. Thay vào đó là các chính quyền Xô viết lần lượt xuất hiện trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh. Xô viết các làng, xã đã đứng ra giải quyết mọi công việc với tư cách một chính quyền cách mạng. Lần đầu tiên, Nhân dân ta thật sự nắm chính quyền địa phương. Chính quyền Xô viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho Nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... tổ chức cho Nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, đắp đê phòng lụt và lập các tổ đổi công giúp nhau sản xuất; tổ chức cho Nhân dân học văn hoá (mở lớp học chữ quốc ngữ), mở mang dân trí, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, nghiêm cấm tệ nạn nghiện rượu, thuộc phiện, đánh bạc, trộm cắp; xây dựng nếp sống mới ở nông thôn. Đó là những thành tựu dưới chính quyền Xô viết, mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng và Nhân dân ta trong quá trình tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Sức ảnh hưởng của Xô viết Nghệ - Tĩnh lớn đến mức mà cuộc khủng bố trắng tàn khốc của đế quốc và phong kiến sau đó đã không xóa nổi là ở chỗ: Khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp vô sản, đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công - nông lòng tin ở sức mạnh của mình. Đó là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng. “Trực tiếp mà nói, không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó, công - nông đã vung ra nghị lực phi thường của mình, thì không thể có cao trào trong những năm 1936 - 1939, ”(Lê Duẩn: Dưới là cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì CNXH, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H.1970, tr.37).
Đánh giá về Phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ -Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam; phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 10. tr. 9).
Xô viết Nghệ - Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm sức mạnh để nhân dân Hà Tĩnh vững bước trên con đường cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, người dân cần cù, thông minh, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân trong Cách mạng tháng Tám. Phát huy tinh thần Xô viết, Hà Tĩnh đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước tiến lên cùng cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và có tính đột phá, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Hiện nay, Hà Tĩnh đang chuyển đổi một cách căn bản, toàn diện từ tỉnh nông nghiệp sang tỉnh công nghiệp với cơ cấu kinh tế hợp lý và ưu tiên cho phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ làm cơ sở cho sự phát triển. Phong trào xây dựng nông thôn mới thu được kết quả nổi bật. Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng - an ninh đảm bảo, trật tự, an toàn xã hội giữ vững. Công tác xây dựng Đảng hệ thống chính trị được quan tâm đúng mức.
Tượng đài Xô viết Nghệ -Tĩnh (Thị trấn Nghèn - Can Lộc- Hà Tĩnh).
91 năm đã trôi qua nhưng tinh thần sục sôi, ý chí quyết tâm và những bài học quý báu từ phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh mãi là ngọn lửa thiêng dẫn đường, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vững bước đi lên xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.