Chủ Tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp trồng người

Thứ bảy - 20/11/2021 07:46
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giáo viên bắt nguồn từ tư tưởng và quan điểm đánh giá vai trò quan trọng của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Người viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “ bất cứ chính sách công tác gì có cán bộ tốt thì thành công”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
tai xuong

Nói về vai trò của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng lên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang  là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục nhắm chính mục đích phụng sự nhân dân”.  
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ đổi mới, người giáo viên phải được đào tạo và bản thân phải tự tu dưỡng, học tập, rèn luyện không ngừng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”. Chính vì lẽ đó, Người khẳng định “huấn luyện cán bộ phải toàn diện bao gồm huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hoá và huấn luyện lý luận. Người chỉ thị các cơ quan “cần phải chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”.
 
images1825643 1

Coi huấn luyện cán bộ là việc gốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những chỉ thị rất cụ thể. Trước hết, Người khẳng định việc huấn luyện, học tập không phải là một việc đơn giản, muốn làm được thì phải hiểu. Người đặt các câu hỏi cho cán bộ phụ trách các trường lớp huấn luyện “Huấn luyện ai?”, “Ai huấn luyện?”, “Huấn luyện gì?”, “Huấn luyện thế nào?”. Điều lý thú và bất ngờ là sau khi hỏi: “Huấn luyện ai?” Người không đặt câu hỏi “Huấn luyện gì?” mà lại hỏi “Ai huấn luyện?”. Từ câu hỏi đó một lần nữa ta thấy tư tưởng  nhất quán của Người: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người đã chỉ thị: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện phải kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất”. Người cũng nhắc nhở những người phụ trách công tác huấn luyện cán bộ thực hiện phương châm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tham làm nhiều mà làm không chu đáo, không có hiệu quả. Người quan tâm nhắc nhở từng điểm cụ thể như chớ mở lớp quá đông, vì đông quá thì dạy và học ít kết quả, vì trình độ của người học chênh lệch nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế cũng khác nhau nên chương trình cũng không sát.
Người đặc biệt coi trọng mục đích của việc huấn luyện nhấn mạnh rằng huấn luyện phải đúng nhu cầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải liên lạc mật thiết với các cơ quan. Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác. Các ngành công tác như người tiêu thụ hàng, làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ”.
 Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: muốn cho mỗi một cán bộ đều có ích cho công việc chung của chúng ta thì “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun những cây cối quý báu”. Người luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện cả đức và tài cho cán bộ, trong đó, Người đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng vì theo Bác, đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người cách mạng. Người nói: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và đạo đức cao nhất của người cán bộ là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; đó là điều chủ chốt nhất”, “là tiêu chuẩn số một của người cách mạng”. Có nền tảng đạo đức ấy người cán bộ mới sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chủ động sáng tạo ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh chính là minh chứng đầy đủ nhất về đạo đức của người cán bộ. Dù ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn xác định là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Cùng với việc chăm lo, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý bồi dưỡng năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ. Mỗi cán bộ tốt phải có cả đức và tài. Người nói: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô, hủ hoá có hại cho nước. Có tài không có đức như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp gì được cho ai”. Người cho rằng: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu mà đo ý chí cách mạng của mình” và “đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng Chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, trong quan niệm của Bác, đạo đức cách mạng không tách rời năng lực, hiệu quả công tác.
  Đức, tài của người cán bộ, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải thể hiện ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự hăng say, ham mê công việc, luôn tìm tòi sáng tạo, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; Người không quan niệm đào tạo cán bộ theo kiểu tạo ra những sản phẩm thống nhất như nhau, theo khuôn có sẵn, cố định. Người cho rằng đào tạo cán bộ giống như người chỉ đường, định hướng cho cán bộ. Người nói: “Trường huấn luyện đã giúp cho anh em biết phương hướng, biết nhằm mục đích mà đi, rồi sau anh em còn phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc”. Huấn luyện đào tạo cán bộ phải nhằm tạo ra nhiều cán bộ có khả năng độc lập đảm nhiệm công việc được giao. Đó là những con người thực sự có ý thức trách nhiệm cao trước công việc mà mình được phụ trách, chủ động, sáng tạo, năng động trong hoạt động thực tiễn.
 
bac ho noi chuyen voi hoc v
 
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về trách nhiệm của người giáo viên là xây dựng con người mới, quan hệ xã hội mới thực sự là một khoa học, đồng thời là nghệ thuật. Để thực sự nắm vững được khoa học, nghệ thuật, người giáo viên phải có kiến thức và kinh nghiệm, có phẩm chất và năng lực công tác phù hợp. Người giáo viên phải thực sự có uy tín trước quần chúng, uy tín đó phải được giành lấy “bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ”. Người nhấn mạnh: “Muốn dạy tốt, học tốt trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải là “cá đối bằng đầu” đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường”.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giáo viên là xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, là những người làm công tác thanh vận. Người chỉ rõ, về bản chất khi làm công tác giáo dục thế hệ trẻ, người giáo viên là cán bộ chính trị. Nét đặc trưng bản chất quan trọng nhất của người giáo viên là sự kiên định vững vàng về chính trị, trong sáng, kiểu mẫu về đạo đức cách mạng, là người dương cao ngọn cờ chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, không ngừng giữ vững phát huy vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng của Đảng trong mọi lĩnh vực đời sống của nhà trường. Đó là tiêu chuẩn hàng đầu, đồng thời là phẩm chất năng lực tiêu biểu của người giáo viên cần được đào tạo.  
Đất nước đang thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, giáo dục phải đảm bảo xây dựng, phát triển con người phát triển toàn diện, vừa gìn giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu thành tựu về mọi mặt của nhân loại nhằm xây dựng một xã hội mới ưu việt hơn, như Bác hằng mong muốn. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp “trồng người” cho chúng ta nhiều bài học quý báu về vai trò, vị trí của người thầy, về trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm nghề dạy học, về phẩm chất đạo đức và lý tưởng vì Tổ quốc, vì nhân dân của người thầy giáo và cả về những nguyên lý cơ bản của giáo dục. Những tư tưởng và quan điểm đó luôn là động lực, mục tiêu cho công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng của chúng ta hiện nay./.

Tác giả: Th.S Nguyễn Quỳnh Nga - GV Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay9,902
  • Tháng hiện tại339,913
  • Tổng lượt truy cập10,436,495
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây