Thành lập Văn phòng Thừa phát lại góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp ở Hà Tĩnh

Chủ nhật - 07/11/2021 22:41
Trong những năm qua Hà Tĩnh đang trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ, tốc độ đô thị hóa, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đến năm 2021 tổng số đăng ký thành lập mới là 10.639 doanh nghiệp (DN), tổng vốn điều lệ đăng ký 104.248 tỷ đồng (bình quân 9,8 tỷ đồng/DN); trong đó có 8.997 DN hoạt động (đạt 6,9 DN/1.000 người dân), 1.017 hợp tác xã, 3.380 tổ hợp tác, 60.000/47.916 hộ có đăng ký kinh doanh, 1.419 dự án đầu tư, trong đó: 1.345 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 117.042 tỷ đồng và 74 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 13,684 tỷ USD . Tỉnh Hà Tĩnh đang huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước .
Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội thì hoạt động tranh chấp về dân sự có xu hướng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp về nội dung. Số lượng vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động Tòa án nhân dân các cấp thụ lý ngày càng tăng: năm 2017: 1682 vụ, năm 2018: 1818 vụ, năm 2019: 1875 vụ, năm 2020: 1967 vụ. Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đã thụ lý giải quyết năm 2017: 4257 vụ, năm 2018: 4760 vụ, năm 2019: 4837 vụ, năm 2020: 4666 vụ. Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng có nhu cầu bảo vệ quyền lợi, lợi ích trong các giao dịch, tranh chấp dân sự, trong xem xét khi Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, trong thi hành án dân sự. Hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan thi hành án các cấp và chính quyền địa phương càng ngày càng quá tải trong phân quyền xem xét, giải quyết các quyền lợi của công dân trong tranh chấp dân sự. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự chưa có nhiều cơ hội lựa chọn công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong quá trình tổ chức thi hành án.
Hiện thực hóa Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp “từng bước thực hiện xã hội hóa, giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, ngày 23/8/2021 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số: 2974/QĐ-UBND phê duyệt đề án thành lập văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2030.
5b097610c9c6019858d7

Vậy Thừa phát lại là gì? Thừa phát lại đã hoạt động ở miền Nam Việt Nam thời kỳ trước năm 1975, là thuật ngữ có gốc Hán - Việt, chỉ những người hoạt động như các “công lại”, “mõ tòa”, nhân viên lục sự (thư ký Tòa án), là những người không phải nhân viên Nhà nước, được các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm làm một số nhiệm vụ mang tính quyền lực, bổ trợ cho các hoạt động tư pháp, thừa lệnh Nhà nước phát lại quyết định, thông báo của tòa án, viện kiểm sát cho cá nhân, tổ chức. Theo quy định hiện hành Thừa phát lại làm nhiệm vụ: Tống đạt văn bản (thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật); Lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật); Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định và pháp luật có liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự[1].
 
dca077b9c86f0031597e

Từ năm 2009 Chính phủ đã tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/3/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 510/QĐ-TTg về Đề án “Tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại,” tại: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, đến tháng 7/2021 cả nước có 126 Văn phòng Thừa phát lại tại 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã bổ nhiệm 701 lượt Thừa phát lại, đang hành nghề là 409 Thừa phát lại[2]. Thừa phát lại đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tổ chức thí điểm theo quy định của pháp luật. Các Văn phòng thực hiện cơ bản đúng pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành như: ký hợp đồng lao động với tất cả nhân viên văn phòng, thừa phát lại đúng theo quy định; mang Thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, hồ sơ, tài liệu lưu trữ đầy đủ, gọn gàng, thuận tiện tra cứu, niêm yết lịch làm việc, thủ tục, chi phí, nội quy tiếp người yêu cầu... Một số tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, đất đai, hành chính, lao động… đã được giảm thiểu một cách đáng kể. Nâng cao hiệu quả trong tống đạt giấy triệu tập xét xử, các thông báo về việc thi hành án... do phát hành chậm hoặc bị thất lạc. Vi bằng đã phát huy giá trị làm chứng cứ chính xác để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, đồng thời là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ hiệu quả cho các đương sự trong xác minh điều kiện, thi hành các bản án, các quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của tòa án cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của tòa án cấp tỉnh; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án cấp tỉnh nơi thừa phát lại đặt văn phòng (hoặc ngoài địa bàn đặt văn phòng nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn).
Từ những kết quả của thí điểm các địa phương, trên tinh thần đánh giá khách quan, kiểm chứng thận trọng, tạo cơ sở để chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong cả nước có một số điểm lưu ý khi thực hiện Đề án theo Quyết định số: 2974/QĐ-UBND:
 
0036d12f6ef9a6a7ffe8

Trước hết, tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thc cho nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, văn bản pháp luật về chế định Thừa phát lại và việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trong đời sống pháp lý. Tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, phát huy khả năng và tính chủ động tích cực nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội trong các quan hệ pháp luật dân sự và sử dụng hiệu quả chế định Thừa phát lại trong bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong quan hệ dân sự.
Thứ ba, Trao đổi, đúc rút kinh nghiệm quản lý của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thí điểm theo Quyết định 510/QĐ-TTg để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Tỉnh.
Thứ năm, Sở Tư pháp, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh, Kho bạc nhà nước, các tổ chức tín dụng, sở, ban, ngành và UBND các cấp… tham mưu, kiến nghị, đề xuất cho UBND Tỉnh quản lý nhà nước, đánh giá kỹ lưỡng việc đăng ký thực hiện định Thừa phát lại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Thừa phát lại. Thỏa thuận chuyển giao, cung cấp thông tin, hỗ trợ lập vi bằng, tống đạt văn bản của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, xác minh điều kiện, thi hành án dân sự theo quy định pháp luật.
Thứ sáu, thực hiện tốt chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết Đề án, đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức hành nghề cho tập sự hành nghề Thừa phát lại. Giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm quy định về Thừa phát lại theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP và các quy định khác.
 
[1] Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[2] Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, CV số: 725 /BTTP-CC,TPL, ngày 03/8/2021 Về việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội về Thừa phát lại

Tác giả: Th.S Hồ Thanh -Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay13,217
  • Tháng hiện tại290,289
  • Tổng lượt truy cập10,386,871
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây