Phát động toàn quốc kháng chiến - Bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ năm - 25/11/2021 21:31
Việc phát động Toàn quốc kháng chiến chứng tỏ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định đúng tình hình, đánh giá đúng âm mưu và hành động của kẻ thù; đồng thời cũng thấy rõ lực lượng và khả năng mọi mặt của ta.
Đúng 20h đêm 19/12/1946, tiếng súng phát ra từ Pháo đài Láng mở đầu cho thời kỳ toàn quốc đứng lên tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp dưới sự lãh đạo của Đảng, đồng thời chấm dứt thời gian hòa hoãn kéo dài 14 tháng trước đó. Chúng ta buộc phải cầm súng đứng dậy khi không còn sự lựa chọn nào khác, khi chúng ta đang ở thế yếu hơn so với kẻ thù, nhưng vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, với bản lĩnh độc lập, tự chủ, Đảng ta đã kiên quyết phát động quần chúng đứng dậy đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước mới non trẻ vừa mới ra đời đã đứng trước muôn vàn khó khăn, giặc ngoài thù trong, nạn đói, nạn dốt hoành hành... Vừa khắc phục những hậu quả do chế độ cũ để lại, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, vừa phải chiến đấu giữa vòng vây của kẻ thù, nhưng với trí tuệ, bản lĩnh chính trị của mình, Đảng ta đã khéo léo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cam go, ghềnh thác. Theo đánh giá của Đại tướng Võ nguyên Giáp: “Khó khăn lớn nhất lúc này là các quân đội nước ngoài từ bốn phương cùng dồn dập kéo tới. Bọn ở gần, bọn ở xa. Chúng khác nhau về màu da, về tiếng nói, nhưng rất giống nhau ở một dã tâm: muốn thôn tính đất nước chúng ta, muốn đẩy chúng ta trở về với cuộc sống nô lệ”. Để đối phó với các thế lực phản động, kéo dài thời gian hòa bình cần thiết để chúng ta xây dựng thực lực về mọi mặt, Đảng ta đã vận dụng đường lối ngoại giao hết sức tài tình và linh hoạt vừa cứng rắn về nguyên tắc vừa mềm dẻo về sách lược, “thêm bạn bớt thù”, với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta đã dần loại được các kẻ thù ra khỏi đất nước, tạo ra thời gian hòa bình cần thiết để chúng ta triển khai các nhiệm vụ khôi phục, xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, quân sự...
 
tai xuong 1

Mặc dù “bàn tay hòa bình” của chúng ta lần lượt được đưa ra, nhưng rất tiếc, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã không nắm lấy bàn tay đó, đang tâm xé bỏ những điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Bản Tạm ước 14/9... Đặc biệt ngày 18/12/1946 thực dân Pháp gửi cho chúng ta một bản tối hậu thư yêu cầu giải tán lực lượng bảo vệ Thủ đô và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng, nếu không thực hiện thì sau hai ngày sẽ quay sang can thiệp bằng vũ trang. Trước tình thế nghiêm trọng đó, với trọng trách trước lịch sử và tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, vào 20 giờ đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ngày 19/12/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi, hào hùng của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược, là biểu tượng về sức mạnh của ý chí và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, sự kiện đó cũng thể hiện bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trước những thời khắc quan trọng của vận mệnh Tổ Quốc.
 
tai xuong 2

Việc phát động Toàn quốc kháng chiến chứng tỏ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định đúng tình hình, đánh giá đúng âm mưu và hành động của kẻ thù; đồng thời cũng thấy rõ lực lượng và khả năng mọi mặt của ta. Bởi ngay từ khi chúng ta giành được độc lập từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thì Đảng ta đã xác định được chúng ta sẽ không tránh khỏi cuộc một cuộc chiến lần thứ hai với thực dân Pháp. Từ đó cố gắng kéo dài thời gian hòa bình cần thiết để xây dựng thực lực về mọi mặt, đi đến lựa chọn đúng thời cơ, thời điểm và địa điểm là thủ đô Hà Nội để chủ động nổ súng tiến công kẻ thù xâm lược nhằm giành lấy lợi thế ngay từ những ngày đầu; đồng thời chủ động chuyển cả nước vào kháng chiến trường kỳ một cách nhanh chóng. Chúng ta chủ động hòa hoãn với Pháp để kéo dài thời gian hòa bình cần thiết, nhưng khi bị đẩy tới giới hạn cuối cùng của sự nhân nhượng thì không để bị đẩy qua ranh giới giữa nhân nhượng có nguyên tắc và sự đầu hàng. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự bình tĩnh, tự tin và chủ động của Đảng. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng sớm hoạch định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa chiến tranh và cách mạng, giữa dân tộc và quốc tế; không rập khuôn, giáo điều và không ngừng được bổ sung, phát triển tại các thời điểm quan trọng, tạo ra những bước chuyển lớn, đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
75 năm trôi qua từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến, những chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, táo bạo thể hiện sự nhạy bén, bản lĩnh chính trị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát động quần chúng cầm súng đứng lên để bảo vệ phát huy thành quả cuộc cách mạng Tháng Tám cũng như tạo tiền đề cho các giai đoạn cách mạng về sau./.

Tác giả: Th.S Nguyễn Quỳnh Nga - GV Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay25,858
  • Tháng hiện tại377,766
  • Tổng lượt truy cập8,975,424
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây