Ph.Ăng-ghen - nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. (Ảnh Internet)
Những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăng-ghen
Năm 1844 có thể coi là cột mốc quan trọng nhất cuộc đời Ph.Ăng-ghen. Bởi đây là thời gian ông gặp gỡ và trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của Các Mác. Từ đó, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại nhất của các lãnh tụ giai cấp công nhân và Nhân dân lao động.
Kế thừa những trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX (triết học Đức, kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp) và tổng kết thực tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăng-ghen cùng Các Mác đã sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác.
Học thuyết cách mạng đó đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mở ra một bước ngoặt căn bản trong triết học, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới.
Các Mác (phải) và Ph. Ăng-ghen (trái) - minh họa Interntet.
Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư, Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ và vạch rõ những khuyết tật, mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản; từ đó đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
Không chỉ vậy, qua việc phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa tư bản, Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Với tinh thần cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăng-ghen nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa xã hội từ khi trở thành khoa học, đòi hỏi phải được đối xử như là một khoa học”. Đứng trên lập trường ấy, Ph.Ăng-ghen đã cùng Các Mác đấu tranh không mệt mỏi khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công nhân, từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Vai-tơ-rinh, chủ nghĩa xã hội (CNXH) tiểu tư sản của Pru-đông, đến chủ nghĩa vô Chính phủ của Ba-cu-nin, từ chủ nghĩa của người trong Đảng xã hội dân chủ Đức; chống lại các trào lưu phi vô sản như chủ nghĩa Sô-vanh, chủ nghĩa cơ hội “hữu” khuynh và “tả” khuynh; chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái, những âm mưu chia rẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Hội thảo khoa học quốc gia: “Di sản tư tưởng Ph.Ăng-ghen: Giá trị và sức sống thời đại” nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph. Ăng-ghen (1820 - 2020) diễn ra tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tháng 11/2020. Ảnh: TTXVN
Cũng như Các Mác, Ph.Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải dập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn.
Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăng-ghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mác-xít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng. Những đóng góp đó của Ph.Ăng-ghen đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại.
Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăng-ghen vào thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CHXH và hiện nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, của Ph.Ăng-ghen nói riêng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, của Ph.Ăng-ghen nói riêng về con đường đi lên CNXH, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Xã hội XHCN mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Đảng ta đã tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ hơn, trên cơ sở đó, Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Kinh nghiệm và những bài học được tích lũy để Đảng ta từng bước hoàn thiện lý luận đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Nhờ đó, nội lực của đất nước và dân tộc đã được huy động vào các mục tiêu phát triển, cùng với các nguồn ngoại lực ngày càng được tận dụng, khai thác có hiệu quả, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng CNXH của Nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.
Tại Đại hội XIII của Đảng, một trong những quan điểm chỉ đạo được Đảng ta xác định đó là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN".
Có thể nói, phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, tư duy biện chứng của Ph.Ăng-ghen nói riêng là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học cho bổ sung, phát triển CNXH khoa học; để tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ hơn lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt. Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học nổi tiếng người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác (Karl Marx) sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản. Bằng cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của mình, cùng với Các Mác, Ph.Ăng-ghen đã trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới. Hà Linh |
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn