Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở tại Hà Tĩnh trong thời gian tới

Chủ nhật - 05/12/2021 21:48
Việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Từ xa xưa, người Việt Nam với truyền thống tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau; việc hòa giải các mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân cơ sở đã xuất hiện từ lâu. Từ chỗ chỉ là một hoạt động mang tính tự phát trong nội bộ nhân dân, đến nay, hòa giải đã trở thành hoạt động của một tổ chức được Nhà nước thừa nhận, được điều chỉnh bởi các chế định pháp luật và đang tích cực phát huy hiệu quả trong thực tế. Hòa giải ở cơ sở có ưu điểm là giải quyết kịp thời những tranh chấp nhỏ về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình hoặc các mâu thuẫn nhỏ trong đời sống sinh hoạt cộng đồng; bằng các biện pháp vừa có lý vừa có tình, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động hòa giải ở cơ sở do nhân dân trực tiếp thực hiện mang tính thuyết phục, tự nguyện mà không phán quyết, cưỡng chế nên đây là một trong những hoạt động góp phần thiết thực vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố khối đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong đời sống xã hội.
Sự ra đời của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp.

 
tai xuong


Hà Tĩnh đã quan tâm đến việc tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành đạt khoảng 70%. Việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp đã góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở; hạn chế khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn khởi kiện lên Tòa án, đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan hành chính cấp trên; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tập trung vào công tác phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh.
Việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Trong những năm qua công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Thứ nhất, hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện tốt cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển.
Thứ hai, tổ chức hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hội thi hòa giải viên giỏi tại tỉnh Hà Tĩnh năm 2018 được sự hỗ trợ về nguồn lực rất lớn của Chính phủ Vương quốc Bỉ từ “Dự án hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh“ (RALG Hà Tĩnh);
Thứ ba, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của tổ hòa giải trong đời sống xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, trình độ học vấn và trình độ hiểu biết pháp luật đội ngũ hòa giải viên còn nhiều hạn chế, thiếu kỹ năng hòa giải, trình độ hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, thường lúng túng trong quá trình hòa giải các vụ việc phức tạp.
Thứ hai, Ở một số nơi, hoạt động hòa giải vẫn còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động. Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải không được hòa giải viên chủ động hòa giải trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của các bên, gây mất trật tự công cộng..., từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự.
Thứ ba, việc sinh hoạt chuyên đề về hòa giải là rất cần thiết song trên thực tế hàng năm việc này không được các xã, phường, thị trấn thực hiện.
Thứ tư, một số quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thực sự phù hợp, khó thực hiện (như quy định về bầu hòa giải viên, quy định về ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách) hay chưa có cơ chế, chính sách tốt để huy động người dân, nhất là những người có uy tín, trình độ, am hiểu kiến thức pháp luật tham gia hòa giải...
Thứ năm, thực tiễn cho thấy mức độ phát triển của hoạt động hòa giải phản ánh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ, cụ thể là các biện pháp thúc đẩy việc thành lập các tổ hòa giải; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ưu điểm của phương pháp hòa giải... và đặc biệt là các hỗ trợ tài chính cần thiết theo quy định. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện còn chưa được chú trọng.
Một số giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới:
- Tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo  sâu sát, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền, ở đó công tác hòa giải ở cơ sở có nhiều thuận lợi. Trước hết, đó là sự ủng hộ về tinh thần, về định hướng chỉ đạo, thể hiện bằng việc việc ban hành các văn bản hướng dẫn, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức kiểm tra đôn đôc thường xuyên. Bên cạnh đó, còn là sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và tạo nhiều điều kiện thuận lợi khác.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” gắn với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, cơ sở.
- Tăng cường hiệu quả hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của bộ phận tư pháp trong việc đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương có những đặc thù riêng, điều kiện, phong tục tập quán, việc nghiên cứu, tổ chức làm điểm các mô hình hòa giải phù hợp sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.
- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở theo hướng dẫn tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN; đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở để hiểu rõ mục đích và ý nghĩa hết sức to lớn, thiết thực của công tác hòa giải, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ đầu, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến phức tạp, kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- Các cấp chính quyền phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức phổ biến sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở cho các tầng lớp nhân dân, theo lộ trình trước hết là cho Ban hòa giải cấp xã, Tổ hòa giải và Hòa giải viên, sau đó cho người dân từng thôn/xóm/tổ dân phố.
- Tăng cường năng lực cho những người làm công tác hòa giải, nhất là Hòa giải viên, Tổ trưởng hòa giải, Trưởng thôn/xóm, cán bộ các tổ chức quần chúng ở thôn/xóm; công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã. Hòa giải viên cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan, nhất là kỹ năng nghiệp vụ hòa giải; cần được hưởng các chính sách, chế độ, thù lao xứng đáng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các luật khác có liên quan.
- Ngành Tư pháp chủ trì biên soạn đề cương phổ biến luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.
- Xây dựng Mô hình hòa giải cơ sở có sự liên kết với Tổ hòa giải và hội viên Hội Luật gia cơ sở để được hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, đưa ra được tiên liệu hậu quả pháp lý bất lợi nếu các bên không lựa chọn con đường hòa giải mà chọn con đường khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện.

Tác giả: Th.S Nguyễn Anh Tấn - Giàng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây