Phát huy vai trò của phụ nữ Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế

Thứ hai - 17/10/2022 23:17
Ra đời và trưởng thành cùng phong trào phụ nữ cả nước, phụ nữ Hà Tĩnh luôn giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước, của Hội cấp trên, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của từng thời kỳ, các thế hệ phụ nữ Hà Tĩnh đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp cách mạng, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những nội dung mà Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh quan tâm chỉ đạo là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ là các cấp Hội đã tập trung huy động nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa, xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, hỗ trợ hoàn thiện 1.073 ý tưởng kinh doanh, dự án khởi nghiệp; tiếp nhận, hỗ trợ 38/63 ý tưởng/dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh và Trung ương Hội tổ chức. Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ trì phối hợp với ngành chức năng chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ nguồn lực, tư vấn thiết kế thương hiệu nhãn mác; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, đã có 53/159 sản phẩm do phụ nữ là chủ thể đạt 3 sao và có 4/7 sản phẩm đạt 4 sao. Thông qua các hoạt động đã góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Ứng dụng nền tảng công nghệ số trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của Hà Tĩnh thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội.

16322949718644


Các cấp Hội đã tham gia tích cực vào đề án đổi mới và phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, mô hình kinh tế hợp tác. Thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn của Hội, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng, duy trì và phát triển. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập mới 375 THT, 38 HTX; thúc đẩy thành lập Hội nữ doanh nhân cấp tỉnh, khuyến khích, hỗ trợ thành lập mới các doanh nghiệp nữ, góp phần đưa tỷ lệ doanh nghiệp nữ trên toàn tỉnh đạt 15%. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế được triển khai gắn kết với cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trao sinh kế và hỗ trợ phát triển bền vững cho phụ nữ biên cương, các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm làm theo gương Bác”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Xây dựng mái ấm tình thương”; hỗ trợ nguồn vốn tín dụng không lãi, con giống, cây giống, các chương trình đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, trồng, sản xuất. Kết quả, có 6.838 hộ nghèo, trong đó 4.226 hộ do phụ nữ làm chủ được Hội giúp thoát nghèo. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh thi đua lao động sản xuất, tạo cơ hội việc làm, thu nhập ngày càng được nâng lên, góp phần cùng với tỉnh nhà đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế (bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt gần 6%; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 11,4% (năm 2015) xuống còn 3,51% (năm 2020).
Tuy nhiên, phát huy vai trò của phụ nữ Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Công tác vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Việc hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Số HTX do phụ nữ làm chủ còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra, các doanh nghiệp nữ quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, thiếu liên doanh, liên kết, kiến thức, tư duy hội nhập còn hạn chế.
Để phát huy vai trò của phụ nữ Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế, cần tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ thực hiện “Sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch” gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng mẫu mã hàng hóa, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ hai, Chú trọng hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ quản lý; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, THT, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh. Quan tâm phát triển hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hợp tác xã môi trường.
Thứ ba, Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939). Trong đó, tập trung nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khả thi; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các ý tưởng đủ điều kiện. Tăng cường phát huy vai trò của các Hiệp hội/Hội/Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ trong kết nối, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế. Đặc biệt, phát huy vai trò, thế mạnh của Hội nữ doanh nhân trong hỗ trợ các doanh nghiệp nữ ứng dụng công nghệ số, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ.
Thứ tư, Xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung tuyên truyền vận động phụ nữ phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững, mạnh dạn làm chủ mô hình kinh tế. Quan tâm xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ sinh kế đối với hộ nghèo, cận nghèo; tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng phù hợp.
Thứ năm, Đẩy mạnh nghiên cứu các chính sách của tỉnh/trung ương để hướng dẫn hội viên, phụ nữ, doanh nghiệp nữ tiếp cận chính sách. Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn cho vay phát triển kinh tế tập thể của trung ương, của tỉnh. Nâng cao chất lượng và dư nợ cho vay từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ phát triển phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính, phát triển kinh tế.
Thứ sáu, Tham gia thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung các ngành nghề có lợi thế cho phụ nữ, hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tác giả: Th.S Phan Thị Ái Vân - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay26,733
  • Tháng hiện tại414,268
  • Tổng lượt truy cập9,011,926
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây