Vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, không phải mọi người yêu nước và cách mạng Việt Nam lúc đó đã hiểu rõ được những vấn đề như: Đảng Cộng sản là gì? Bản chất của Đảng là gì? Vì sao phải thành lập đảng của giai cấp công nhân? Vai trò của Đảng đối với cách mạng như thế nào?... Có đặt những vấn đề đó vào đúng hoàn cảnh lịch sử mới thấy đầy đủ và đúng đắn vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, trở thành một chiến sỹ cộng sản, trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã khẳng định chân lý: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng.
Lý giải về vai trò của Đảng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Trước hết là để đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, một học thuyết hoàn chỉnh nhất và cách mạng nhất của mọi thời đại vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Hai là để vạch ra cương lĩnh, đề ra đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng đúng đắn, để tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng. Ba là để tổ chức dân chúng thành một lực lượng cách mạng mạnh mẽ, thành một khối đoàn kết vững chắc. Khi quần chúng đã giác ngộ, được tổ chức chặt chẽ, có sự lãnh đạo của Đảng thì họ sẽ trở thành một sức mạnh vô địch mà không quân lính nào, súng ống nào chống nổi.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng trở thành nhân tố cơ bản nhất, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cách mạng. Điều quan trọng là “Đảng phải vững”, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin “làm cốt”, bởi chỉ có đảng của giai cấp vô sản, được vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới có khả năng vạch ra được một đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó. Và cũng chỉ có một đảng như vậy, mới liên kết được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của cách mạng thế giới trong thời đại mới, bảo đảm được thắng lợi của CNXH và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 (Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia/Nguồn: Website Đảng Cộng sản Việt Nam)
Ra đời vào ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo, đã chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Để thực hiện được “chủ trương” đó, trước hết, Đảng phải lãnh đạo dân chúng “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”… Cương lĩnh chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là minh chứng vĩ đại đầu tiên cho vai trò, sức mạnh của Đảng, năng lực lãnh đạo của Đảng. Nhưng, giành được chính quyền rồi quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo. Vì “mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn”, vì “phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội”, vì cách mạng còn phải “thực hiện xã hội cộng sản”… Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để nhân dân lao động đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Những thành tựu quan trọng của thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, đặc biệt là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, thu non song về một mối, tiếp tục là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn, cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng.
Bước vào thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là người khởi xướng, vừa là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đi đến thành công. “Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử” sau 35 năm đổi mới, đặc biệt, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay đã một lần nữa chứng minh rằng: Cách mạng muốn thành công, trước hết phải có Đảng cách mạng.
Tuy vậy, để tiếp tục xứng đáng với vai trò của một Đảng cách mạng tiên phong, trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải vững vàng, trưởng thành hơn, phải vượt lên chính bản thân mình, “dám” nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để đấu tranh nhằm khắc phục, loại bỏ những khuyết điểm trong Đảng.
Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đẩy mạnh xây dựng, chính đốn Đảng, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”… Có như vậy, Đảng ta mới thực sự trở thành và tự thân trở thành nhân tố đầu tiên quyết định thành công của cách mạng.
Sáng 12/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Nằm trong dòng chảy lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập vào cuối tháng 3/1930 trở thành mốc son đặc biệt quan trọng đối với địa phương.
Đảng bộ Hà Tĩnh, trước hết là BCH Đảng bộ đã bản lĩnh, kiên trung với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, biết chủ động, sáng tạo và đoàn kết, nhất trí, lại biết kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực trong từng thời điểm cụ thể… đã lãnh đạo, mở ra những thời kỳ thắng lợi trong lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển của quê hương.
Với tinh thần đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - phát triển, Đảng bộ và quê hương Hà Tĩnh đang vững tin bước vào thời kỳ mới, quyết tâm vươn lên giàu mạnh, “trở thành tỉnh khá” của cả nước vào năm 2030.
Tác giả: Th.S Phan Bá Linh - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn