Quan điểm của Lê Nin về công tác cán bộ vận dụng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở nước ta hiện nay

Thứ ba - 26/04/2022 05:51
Vơlađimia Ilich Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết Macxit, là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng tháng Mười, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917), Người luôn coi trọng công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có có uy tín và kinh nghiệm của Đảng.
images
                                                                      Vơlađimia Ilich Lênin . Ảnh tư liệu 

Những tư tưởng của V.I.Lênin về cán bộ và công tác cán bộ được trình bày trong rất nhiều tác phẩm, những tư tưởng đó là cẩm nang có giá trị đối với Đảng Cộng sản Nga và các Đảng Cộng sản ở các nước khác trong công tác xây dựng đảng. Trong “Thư gửi những người cộng sản Đức Người viết “trong công nhân và nông dân bình thường có rất nhiều người trung thành với quyền lợi của quần chúng lao động và có khả năng làm công tác lãnh đạo. Trong số đó, có rất nhiều người có tài tổ chức và quản lý mà chủ nghĩa tư bản không để cho họ được phát triển tài năng, nhưng chúng ta thì hết sức giúp đỡ và phải giúp đỡ họ vươn lên và bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[1], “Khi xem xét, đánh giá cán bộ cần làm rõ những vấn đề sau: “…a) Về mặt trung thực, b) Về lập trường chính trị, c) Về hiểu biết công việc, d) Về năng lực quản lý”[2]. Về hẩm chất chính trị của người cán bộ còn thể hiện ở năng lực đưa đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả, hay nói như V. I. Lênin là năng lực “biến các sắc luật từ trạng thái là giấy lộn đầy bụi bặm…thành thực tiễn sống động”[3]. Những người cộng sản chân chính phải không ngừng rèn luyện cho mình “một tinh thần giác ngộ cao, một tính kỷ luật cao, một lòng trung thành cao độ”[4]. Lê nin rất coi trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý
, Người cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta là qua thí nghiệm mà thu hút nhiều chuyên gia, rồi bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo mới, lớp chuyên gia mới để họ học cho bằng được công tác quản lý, một công tác mới, hết sức khó khăn, phức tạp, để thay thế chuyên gia cũ”[5], Làm sao có thể quản lý được nếu không có uy tín chuyên môn,… nếu không có kiến thức đầy đủ, nếu không tinh thông khoa học quản lý?... Muốn quản lý được, thì cần am hiểu công việc và phải là một cán bộ quản lý giỏi”[6]

Trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ Người nhấn mạnh đến việc gắn lý luận và thực tiễn, học tập là việc suốt đời “học, học nữa, học mãi”, là sứ mệnh của người cộng sản: Nếu học chủ nghĩa cộng sản chỉ là nắm được những cái đã trình bày trong các tác phẩm và sách vở nói về chủ nghĩa cộng sản thì chúng ta rất dễ tạo ra những tên mọt sách hay những kẻ khoác lác về chủ nghĩa cộng sản và như thế thì thường là nguy hại và tổn thất cho chúng ta…”[7]; “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”[8].
V.I. Lê nin không chỉ quan tâm việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng trong nhà trường, sách vở mà phải đào tạo, bồi dưỡng qua môi trường thực tiễn, qua hoạt động lãnh đạo, quản lý, gắn quản lý hành chính nhà nước và công tác chính trị, công tác đảng “phải làm cho mỗi uỷ viên trong Xô-viết nhất thiết phải gánh vác một công tác nào đó trong lĩnh vực quản lý nhà nước… làm cho những công tác đó được thay đổi liên tiếp để mỗi ủy viên đều nắm được toàn bộ các công việc quản lý nhà nước và tất cả các ngành của công tác quản lý đó…”[9]; “Sau nữa là Pi-a-ta-cốp, một con người rõ ràng là có ý chí lỗi lạc và có khả năng xuất chúng, nhưng lại quá say mê với công tác hành chính và mặt hành chính của công việc, nên khó mà có thể dựa vào đồng chí ấy trong những vấn đề chính trị quan trọng”[10].

V. I. Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh tư liệu

V.I. Lê nin đánh giá cao vai trò của thanh niên, cán bộ trẻ, nguồn lực quyết định đến thắng lợi của cách mạng vô sản Người nêu rõ: “… việc dạy dỗ, giáo dục và rèn luyện thế hệ mới, những thế hệ sẽ xây dựng xã hội cộng sản, không thể để nguyên như trước được… chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề chúng ta phải dạy những gì và thanh niên phải học như thế nào nếu họ thật sự muốn tỏ ra xứng đáng với danh hiệu thanh niên cộng sản, và chúng ta phải chuẩn bị cho thanh niên như thế nào để cho họ biết xây dựng đến cùng và hoàn thành triệt để cái sự nghiệp mà chúng ta đã bắt đầu”[11]. Tầm nhìn chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có thể đảm đương được nhiệm vụ cách mạng, thay thế những chuyên gia tư sản mà chính quyền Xô-viết đang sử dụng, ngoài tăng cường đào tạo trong nước, V.I.Lênin thấy rằng cần phải mạnh dạn cử cán bộ đi đào tạo ở các nước tư bản phát triển, Người yêu cầu phải “Cử một vài người có năng lực và tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề. Tôi nói sang Anh, trong trường hợp không thể sang Mỹ hay Ca-na-đa được”[12]. Nhiều nội dung trong tư tưởng của V.I.Lênin về cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Những chỉ dẫn đó, trong thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện được triệt để.
Để góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng của V.I. Lênin thực hiện suất sắc sứ mệnh mà Nhân dân giao phó, thiết nghĩ, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo trong hệ thống chính trị các cấp cần nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những động lực chính, là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của cơ quan, đơn vị. V.I. Lê-nin từng viết trong bài “Những nhiệm vụ bức thiết của phong trào chúng ta” (năm 1900): “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”[13]. Phải xem việc hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là tiêu chuẩn hàng đầu trong xem xét đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đơn vị. Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.
 Hai là, chuẩn hóa toàn diện về trình độ của cán bộ, giảng viên các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường tuyển dụng những giảng viên trẻ có trình độ cao, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hiện có về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kiến thức liên ngành... Cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế, biệt phái về cơ sở, tham gia các đề tài khoa học để bổ sung lý luận và thực tiễn cho nội dung các bài giảng. Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, chuyên gia, nhà quản lý suất sắc để báo cáo thực tiễn hoạt động của ngành, lĩnh vực và địa phương tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ba là, thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài, ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số... Phân công, giao việc mới, việc khó, luân chuyển giữa hoạt động chuyên môn và công tác đảng, công tác chính trị, đoàn thể, các địa phương khác nhau… để cán bộ, nhất là cán bộ trong quy hoạch cấp cao, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài, có tư duy và năng lực thực tiễn của cơ quan, đơn vị được thử thách, rèn luyện. Thường xuyên tuyển chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trình độ cao hơn, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài gắn với năng lực chuyên môn, vị trí việc làm.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng là việc làm thường xuyên, là nhiệm vụ bắt buộc của cán bộ để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, am hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục địa phương, trình độ lý luận chính trị, khả năng tổng kết thực tiễn. Vận dụng sáng tạo phương pháp luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sáng tạo, có nguyên tắc vào điều kiện cụ thể cua ngành, lĩnh vực và địa phương để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Cán bộ phải học tập, rèn luyện và nghiên cứu tri thức mới, tận dụng tốt những phát minh, sáng chế mới, phương pháp quản lý mới, nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đủ trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, ủng hộ những quan điểm, luận điểm, ý tưởng mới trong thực hiện nhiệm vụ được giao, để không bị dao động, nhụt trí, mất niềm tin khi nhận phản biện, bị công kích, nói xấu…
Năm là, đổi mới nội dung, phương pháp, tăng cường và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho bí thư chi bộ, cấp ủy viên, cập nhật tri thức, kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trong quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ quản lý cán bộ  "trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông". Tổ chức các lớp đi học hỏi kinh nghiệm địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, điển hình trong hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội, mô hình kinh tế hộ, kinh tế hợp tác… hiệu quả, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tham mưu, tổ chức thực hiện tốt chính sách. Mở rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ./.

[1] V. I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t 39, tr. 257
[2] V. I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 53, tr. 127
[3] V. I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 54, tr. 235
[4] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 474
[5] V.I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr. 489.
[6] V. I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 40, tr. 257
[7] V.I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr. 358
[8] V.I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr. 352
[9] V. I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 395-396
[10] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 45, tr. 396
[11] Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr. 359
[12] Lênin (1978), Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr. 449
[13] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 4, tr. 473

Tác giả: Th.S Hồ Thanh -Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay26,733
  • Tháng hiện tại412,821
  • Tổng lượt truy cập9,010,479
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây