Vì mong muốn hòa bình, muốn có thời gian để xây dựng nước nhà, giữ vững thành quả cách mạng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Đảng và Chính phủ ta đã ép lòng nhân nhượng kẻ thù, nhưng "chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa"1. Lịch sử đã đặt dân tộc ta trước một sự lựa chọn mới: phải đứng lên kháng chiến trong toàn quốc để bảo vệ nền độc lập. Đêm 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động cuộc kháng chiến trên quy mô cả nước. Mệnh lệnh chiến đấu được phát đi, Hồ Chủ Tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả dân tộc bước vào một cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống giặc Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đáp lại lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, cùng với quân dân cả nước, quân dân Hà Tĩnh đã đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"2. Ý Đảng đã định, lòng dân đã quyết, toàn thể nhân dân Hà Tĩnh thề "hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước". Toàn dân được vũ trang bằng mọi thứ vũ khí, mọi hoạt động đều được quân sự hóa theo tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xóm là một pháo đài", quyết tâm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và tay sai.
Chiến sĩ ôm bom 3 càng đón đánh xe tăng địch trên đường phố Hà Nội mùa Đông 1946 đã trở thành biểu tượng của thủ đô kháng chiến anh hùng. Ảnh: tư liệu
Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo quân dân tỉnh nhà đẩy mạnh xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, kinh tế - xã hội làm nền móng cho chế độ mới, đồng thời lãnh đạo đấu tranh chống lại các âm mưu chống phá của kẻ địch, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến cuối năm 1946, nhìn chung tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Hà Tĩnh tương đối ổn định, uy tín của chính quyền cách mạng ngày càng cao. Lực lượng vũ trang được xây dựng khá mạnh, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trực tiếp là Ủy ban Kháng chiến tỉnh, ta tập trung tăng cường lực lượng bảo vệ, xây dựng các tuyến phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu ở các vùng xung yếu. Ở các khu vực phía Tây, ta đã chủ động mở nhiều trận đánh giành thắng lợi lớn (điển hình là các trận đánh ở Vụ Quang, đồn NaPê), làm nức lòng quân dân. Hương Khê trở thành căn cứ, ATK (an toàn khu) của Ủy ban hành chính Trung bộ, là nơi xưởng in, xưởng quân giới lớn nhất miền Trung hoạt động. Ở phía Nam, chia lửa với quân dân Bình – Trị - Thiên, Hà Tĩnh đã đưa một số đơn vị vào trực tiếp tham gia chiến đấu, sau đó rút lui dần và hình thành tuyến phòng thủ ở Sông Gianh, đèo Ngang. Những âm mưu uy hiếp, thâm nhập từ phía biển Đông vào địa bàn Hà Tĩnh của thực dân Pháp cũng thất bại, bờ biển Hà Tĩnh được bảo vệ an toàn…
Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, nhiều lần đánh phá vào địa bàn, Tỉnh ủy đã lãnh đạo quân dân Hà Tĩnh đẩy mạnh việc tiêu thổ kháng chiến, thực hiện phá hủy, tháo dỡ công thự, nhà cửa, đường sá, cầu cống… nhằm cản bước tiến và đề phòng địch đánh chiếm Hà Tĩnh; đồng thời xây dựng các ụ tác chiến, các “trận địa” sẵn sàng quyết chiến với quân xâm lược.
Để phục vụ cho chiến đấu và phòng vệ tỉnh nhà, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh được chú trọng xây dựng và phát triển cả về chất và lượng, như Trung đoàn 103, Đại đội 401... Tất cả các huyện, xã, thôn, xóm đều có các trung đội, đại đội du kích, trung đội dân quân bảo vệ trật tự trị an. Trang thiết bị, vũ khí cả thô sơ và hiện đại cũng không ngừng được tăng cường cho các đơn vị, Lực lượng Công an Hà Tĩnh đã phối hợp cùng với các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác ngăn ngừa, trấn áp các hành động chống phá, tuyên truyền phản động, gây rối của bọn phản động bên trong và bên ngoài. Nhiều đơn vị bộ đội của tỉnh đã lên đường Nam tiến, cùng với quân dân miền Nam chiến đấu anh dũng chống lại thực dân Pháp xâm lược, lập được nhiều thành tích xuất sắc.
Cùng với mặt trận quân sự, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác chính quyền, công tác Mặt trận. Đồng thời, ra sức lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế của tỉnh đủ tự cung tự cấp và chi viện cho tiền tuyến; chú trọng cải tạo xã hội, làm cho địa phương ngày càng đổi mới. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới lan rộng khắp toàn tỉnh; đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên, nhân dân được quan tâm bảo vệ sức khỏe chăm sóc y tế, sự nghiệp giáo dục đạt được nhiều thành tích cao...
Những thắng lợi của Hà Tĩnh trong thời gian đầu đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là những thắng lợi có tính chất toàn diện của đường lối kháng chiến của Đảng ta, thể hiện cụ thể ở một địa phương. Những thắng lợi đó đã tạo tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vững vàng, tự tin vào sức mạnh của nội lực để chiến đấu kiên cường, bảo vệ trong suốt 9 năm không cho giặc đứng chân nổi 24 tiếng đồng hồ trên quê hương, trở thành một vùng tự do hoàn toàn và xây dựng Hà Tĩnh trở thành hậu phương vững mạnh về mọi mặt, góp phần xứng đáng vào thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tạo tiền đề về thế và lực để Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hà Tĩnh thời kỳ đổi mới. Ảnh: Đình Nhất
Trong thời kỳ đổi mới, trên nền tảng phát huy truyền thống quê hương Hà Tĩnh, trong đó có tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất, lòng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương đang tiếp tục gặt hái được “những kết quả có tính lịch sử; từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh dẫn đầu khu vực”3 và đang quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Hà Tĩnh “trở thành tỉnh khá”4 của cả nước.
1,2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t4, tr.534
3,4 Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Kỷ yếu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh năm 2021, tr.61,95.