Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2022): Tổng Bí thư Lê Duẩn - Một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt nam
Thứ sáu - 08/04/2022 04:48
Từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, luôn suy nghĩ, tìm tòi những vấn đề mới từ cuộc sống đặt ra, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn trở thành nhà chính trị xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Trong kho tàng tư tưởng lý luận của Tổng Bí thư Lê Duẩn, với tư duy sáng tạo, độc lập, tự chủ hết sức sâu sắc của đồng chí trong tiến trình phát triển và trước những tình huống phức tạp của cách mạng, nhất là trong các giai đoạn có tính quyết định của lịch sử, là di sản vô cùng quý báu đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện rất sớm, được rèn luyện, thử thách trong phong trào đấu tranh cách mạng, trong lao tù đế quốc. Ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo (hai lần), nơi những người cộng sản “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí ra sức tự học, làm giàu trí tuệ cho mình bằng kiến thức văn hóa, chính trị. Lòng yêu nước, thương dân, lại được trải nghiệm qua phong trào công nhân và dày công nghiên cứu lý luận, hiểu đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là cái gốc để đồng chí trung thành với Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện triệt để lý tưởng, hoài bão của người cách mạng.
Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã nhiều đóng góp quan trọng cho việc hoạch định đường lối chiến lược của Cách mạng Việt Nam, đặc biệt hoạch định đường lối chiến lược cho Cách mạng Miền Nam giai đoạn 1954 - 1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn với các cháu nhi đồng. Ảnh tư liệu
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta, Đại hội đại biểu toàn quốc thứ III của Đảng được triệu tập vào tháng 9/1960 tại Thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị, trong đó phân tích rõ nhiệm vụ cách mạng ở hai miền thuộc hai chiến lược khác nhau, đều nhằm một mục tiêu chung là thống nhất đất nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ III của Đảng là trí tuệ của toàn Đảng, trong đó đồng chí Lê Duẩn đóng góp rất quan trọng. Đại hội đã bầu Chủ Tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẫn làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương.
Để cụ thể hoá đường lối Đại hội III của Đảng đối với cách mạng ở miền Bắc, đồng chí Lê Duẩn tham gia các Hội nghị Trung ương 5 bàn về phát triển nông nghiệp ( tháng 7/1961), Hội nghị Trung ương 7 mở rộng bàn về phát triển công nghiệp (tháng 6/1962) và Hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 8 (tháng 5/1963). Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Lê Duẩn đánh giá toàn diện sự lãnh đạo xây dựng kinh tế, trong đó nhấn mạnh: “ Khuếch trương những thắng lợi to lớn đã giành được, phát huy những thuận lợi rất cơ bản của chế độ ta và của nền kinh tế mới, chúng ta quyết đem hết tinh thần và lực lượng để khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”.
Về Cách mạng miền Nam từ năm 1961 trở đi, trong thời điểm quyết liệt, đồng chí Lê Duẩn đã phân tích và đưa ra những nhận định sáng suốt: Ở miền Nam, “ ba thứ quân đã được hình thành; ba vùng chiến lược đã được xây dựng và củng cố. Dân quân du kích, bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã đứng chân vững ở khắp nơi; bộ đội chủ lực đang được xây dựng thành quả đấm mạnh và chiếm lĩnh các vị trí chiến lược trọng yếu. Trên khắp chiến trường, chiến tranh du kích phát triển cao; ta đã dành được thế chủ động và đang tiến công địch”. Ở miền Bắc, ta đánh thắng trận đầu chiến tranh phá hoại của Mỹ và đang hoàn thiện để đánh thắng những bước leo thang mới của chúng. Từ sự phân tích trên, đồng chí Lê Duẩn kết luận: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta từ đây chuyển sang giai đoạn mới. Cả dân tộc ta đang bước vào một cuộc chiến đấu vô cùng gay go, gian khổ, quyết liệt. Cường độ chiến tranh sẽ tăng lên, gây cho ta những khó khăn lớn. Song lực lượng so sánh địch ta trong cả nước cũng như ở Miền Nam về cơ bản không thay đổi. Vì thế ta cần có thể giữ vững và phát huy thế chiến lược tiến công để đánh địch và thắng địch trên chiến trường chính miền Nam.
Cũng từ sau khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, ngay khi Hội nghị Trung ương 11, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “ Ngoại giao trở thành một công tác quan trọng, nhưng ngoại giao chỉ thắng lợi khi cách mạng ta thắng lợi. Nói vậy để đề phòng sai lầm là không tin vào sức ta lại đi tìm ngoại giao cho cái gì thần bí về thương lượng”. Tháng 4/1965 đồng chí Lê Duẫn dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta sang thăm hữu nghị Liên Xô và Trung Quốc đã đem lại kết quả quan trọng, Liên Xô, Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ trong đường lối đối ngoại, đồng thời kiên trì thực hiện đoàn kết quốc tế với tinh thần trong sáng, Đảng ta đã tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, đã thực hiện được mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, trong đó có vai trò đóng góp của đồng chí Lê Duẩn.
Có thể nói, tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẫn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được thể hiện trong những tư tưởng chiến lược lớn, được thể hiện trong các nội dung sau:
Tư tưởng dám đánh và quyết thắng Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo trong đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và khả năng biết khởi đầu, điều khiển và kết thúc chiến tranh đúng lúc, có lợi nhất cho cách mạng. Tư tưởng chiến lược này là sản phẩm của sự kết hợp bản chất cách mạng, khoa học của học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng với kế thừa và nâng lên đỉnh cao nghệ thuật quân sự truyền thống dân tộc luôn phải đương đầu và đánh thắng những thế lực xâm lược hung bạo nhất. Tư tưởng chiến lược sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự. Tư tưởng chiến lược đánh địch, thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, sức mạnh của cả nước đánh giặc trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.
Những tư tưởng chiến lược nói trên, là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta lập nên những chiến công lịch sử có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.
Suốt 15 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất, trong hoàn cảnh đất nước trải qua thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến quan trọng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đúng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đánh giá về đồng chí Lê Duẩn: “ Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xác định đường lối, chính sách của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khoa học quân sự Việt Nam, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế khác, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân giành độc lập, tự do”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp thống nhất đất nước, khôi phục kinh tế sau chiến tranh, hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Một trang sử mới vô cùng rực rỡ của Tổ quốc ta bắt đầu. Một nhiệm vụ mới vô cùng vĩ đại và làm phấn chấn lòng người đang chờ đón 45 triệu đồng bào ta là thực hiện đầy đủ Di chúc của Bác Hồ vĩ đại.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 22/4/1979. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp lý luận quan trọng trong việc tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là các quan điểm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội... Đồng chí luôn coi trọng xây dựng, phát triển văn hóa.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của các thế hệ lãnh đạo tiền bối. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thường xuyên biến đổi, công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, nảy sinh nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng ta không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tiếp tục vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên, thì tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là định hướng đúng đắn cho việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng ta thành kính tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của Đồng chí với cách mạng Việt Nam và nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất, suốt đời một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Tác giả: Th.S Dương Thị Vân Linh - GV Khoa Lý luận cơ sở