Phát triển chính quyền số đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp ở Hà Tĩnh

Thứ hai - 16/05/2022 06:03
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số và kết hợp, hội tụ nhiều công nghệ, dẫn đến sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm của những lần chuyển đổi công nghệ trước đây cho thấy, những nước đi đầu trong ứng dụng và phát triển công nghệ mới sẽ luôn là những nước thịnh vượng, phát triển nhất.
Theo dự báo, trong 10 năm tới, thế giới tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi lớn, đó là xu hướng chuyển đổi số với sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới số (thế giới ảo); toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển sang môi trường số (kinh tế số, xã hội số và cuộc sống số). Dữ liệu số trở thành nguồn tài nguyên, nguồn lực lớn của mỗi quốc gia. Nguồn lực này có tính đặc thù là càng nhiều người dùng càng hiệu quả, càng trở nên giá trị; tài nguyên số không bao giờ cạn kiệt mà tăng liên tục theo mức độ sử dụng. Sự phát triển nhanh mạnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục đòi hỏi những năng lực mới về hạ tầng, nhân lực và đặc biệt là về thể chế, chính sách. Nói cách khác, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn được biết đến như cuộc cách mạng về chính sách, thể chế.
Trước thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, cùng với mong muốn đưa kinh tế Việt Nam phát triển ngang tầm các nước phát triển, Bộ Chính trị và Chính phủ đã ban hành các chính sách, chiến lược mạnh mẽ, tích cực trong tiếp cận, nắm bắt thời cơ và thâm nhập sâu vào giai đoạn mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cụ thể tại các văn bản: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
1 1631937594

Tại Hà Tĩnh, với phương hướng, mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 3 là phải “ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh”; nhóm nhiệm vụ thứ 6 là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ổn định; ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghệ thông tin gắn với hạ tầng số”.
Từ đó đến nay, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách, văn bản nhằm cụ thể hoá, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Nghị quyết số 93/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về việc quy định chế độ đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp chuyên trách công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND 24/9/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 43/2009/QĐ-UBND ngày 17/12/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 25/5/2011 của UBND tỉnh về ban hành Quy định về tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 09/8/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết s 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2021 việc triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, công tác chỉ đạo điều hành và tác nghiệp của cơ quan nhà nước cơ bản đã được thực hiện trên môi trường mạng từ cấp tỉnh đến cấp xã với 100% văn bản gửi nhận trực tuyến giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, 99% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện (trừ các văn bản mật) và kết nối trao đổi văn bản hành chính với Chính phủ và các bộ, ngành. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, ứng dụng chữ ký số, công khai minh bạch thường xuyên hoạt động trên cổng/trang thông tin điện tử; hệ thống hội nghị trực tuyến triển khai đồng bộ đến cấp huyện, một số đơn vị ứng dụng phòng họp không giấy,... Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử.
Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh đã cập nhật đầy đủ, kịp thời công khai 100% dịch vụ công trực tuyến. Tổng số hồ sơ nhận giải quyết từ ngày 01/01/2021 đến ngày 24/8/2021 là 402.276 hồ sơ (tiếp nhận mới 391.678 hồ sơ, kỳ trước chuyển qua 10.598 hồ sơ), đã xử lý là 380.230 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ trước và đúng hạn là 99,8%. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hà Tĩnh có 1746 dịch vụ mức độ 3 và 32 dịch vụ mức độ 4. Cơ quan cấp tỉnh: 537 dịch vụ mức độ 3; 11 dịch vụ mức độ 4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có 1209 dịch vụ mức độ 3; 21 dịch vụ mức độ 4, và mỗi đơn vị cấp xã có 32 - 38 dịch vụ mức độ 3. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, nhiều năm được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng thuộc nhóm 20/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về kết quả xây dựng chính quyền điện tử.
108d4104950t5741l5 133d5214559t3575l10

Với kết quả đạt được của quá trình xây dựng Chính quyền điện tử, Hà Tĩnh đã tại được nền móng căn bản cho quá trình chuyển đổi số và phát triển Chính quyền số. Cụ thể, về môi trường chính sách, cơ sở hạ tầng CNTT, nhân lực và các phần mềm ứng dụng đã có được kế thừa; song vẫn phải nâng cấp, bổ sung để bảo đảm tính kiến tạo, đồng bộ và liên thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai chính quyền số ở Hà Tĩnh vẫn tồn tại một số hạn chế: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa triển khai ứng dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II toàn tỉnh, chưa kết nối mạng quyền số liệu chuyên dùng quốc gia theo đúng quy định; hơn 10% mạng LAN của UBND cấp xã còn kém chất lượng, gần 25% máy tính cá nhân của cán bộ công chức có cấu hình kỹ thuật thấp, quá hạn sử dụng. Hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến chưa đồng bộ, vẫn còn một số lãnh đạo các ngành, các cấp chỉ đạo trên văn bản giấy, các phòng chuyên môn tham mưu trình lãnh đạo bằng văn bản giấy. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 còn thấp (năm 2019 đạt gần 20%, năm 2020 đạt 29,1%; một số chỉ tiêu theo Nghị quyết 17/NQ-CP chưa đạt, như: 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử…). Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông còn hạn chế: Mạng di động 4G vẫn còn một số vùng lõm, mạng lưới cáp quang chưa sẵn sàng đáp ứng đến từng hộ gia đình, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Để triển khai chính quyền số đạt hiệu quả theo tôi thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:
            Thứ nhất, Quán triệt tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và các văn bản liên quan khác của Đảng, Chính phủ; Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số đến mọi đảng viên, cấp uỷ, chính quyền các cấp.
          Thứ hai, Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về sự cấp thiết của nhiệm vụ chuyển đổi số để phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số gắn liền với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành và toàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về khai thác ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; hỗ trợ phát triển kỹ năng giao dịch trực tuyến, khai thác ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
           Thứ ba, Bảo đảm môi trường, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Kịp thời chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và ban hành các hướng dẫn nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số theo hướng bền vững, hướng đến xã hội số. Hàng năm xây dựng danh mục nhiệm vụ ưu tiên về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, tập trung và huy động nguồn lực thực hiện. Các sở, ban, ngành, UBND các cấp chủ động thực hiện Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 05/8/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 29/10/2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.

Tác giả: Th.S Phan Thị Ái Vân - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay12,375
  • Tháng hiện tại278,161
  • Tổng lượt truy cập6,435,931
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây