Những chỉ dẫn trong cách mạng tháng Mười Nga được Hồ Chí Minh vận dụng vào Cách mạng Việt Nam

Chủ nhật - 06/11/2022 21:51
Trong quá trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Hướng về Lênin và đất nước Xô viết, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, cuối năm 1923, đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Liên Xô để học tập nghiên cứu về Lênin và cuộc cách mạng đã biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực.
Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc trở về Trung Quốc. Ở đây, Người đã viết tác phẩm Đường cách mệnh làm tài liệu huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Trong tác phẩm quan trọng này, Người đã đi sâu phân tích lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công nông các nước và các dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mạng Nga dạy cho chúng ta bài học rằng, muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công- nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(1).
tai xuong 1

Thành công của Cách mạng Tháng Mười đã thay đổi cục diện thế giới. Đó là sự thể nghiệm thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn, để lại những định hướng và bài học kinh nghiệm vô giá cho các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 Nguyễn Ái Quốc đã từng bước vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác Lênin, những bài học kinh nghiệm, những định hướng cơ bản của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, xác định những định hướng cơ bản đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Những định hướng cơ bản đó cụ thể là:
 Thứ nhất, cách mạng giải phóng dân tộc, muốn thắng lợi phải do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
 Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của C.Mác - Ăng-ghen, V.I. Lê-nin đã phát triển, hoàn thiện học thuyết cách mạng về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Và cũng chính V.I. Lê-nin với trí tuệ thiên tài của mình đã chứng minh sức sống của học thuyết đó thông qua vai trò của Đảng Bôn-sê-vích Nga trong lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản Nga, xây dựng chính quyền mới của nhân dân lao động.
Nhận thức được vấn đề này, ngay từ tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động, tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu phải theo chủ nghĩa ấy”(2).
images

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm, toàn ý phục vụ giai cấp công nhân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì có thể mới đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”(3).
Bằng ảnh hưởng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam lúc bấy giờ để lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Thứ hai, tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng.
Tiếp thu tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm cách mạng Tháng Mười “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc đã vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước, từng bước thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ đưa học ra đấu tranh. Phát huy giá trị truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc, Người đã giành nhiều tâm lực để xây dựng tổ chức mặt trận nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc vào sự nghiệp chung. Dựa trên sự đánh giá xác thực, khách quan thực trạng và sự phân hóa kinh tế, xã hội, lợi ích chung và riêng, thái độ chính trị của các giai tầng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, ngay sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Mặt trận Việt Minh và chỉ rõ tôn chỉ, mục đích: “Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.
Trong bài viết nhân kỷ niệm lần thứ bốn mươi Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cách mạng giải phóng dân tộc là sự vùng dậy của cả một dân tộc để đánh đổ ách thống trị của nước ngoài. Giai cấp vô sản không thể tự mình làm nổi mà phải liên minh với các lực lượng  yêu nước trong dân tộc”. Và “Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập một mặt trận dân tộc rất rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp trong xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa”. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân, phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức - tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất.
Chủ trương tập hợp lực lượng của Nguyễn Ái Quốc phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người. Mặt khác, việc thành lập mặt trận dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự đúc rút kinh nghiệm về xác định đối tượng chủ yếu của cách mạng trong Cách mạng Tháng Mười Nga nhằm mở rộng nhất trận tuyến cách mạng, thu hẹp tối đa trận tuyến kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu và nguy hiểm nhất. Đây vừa là sự phát huy truyền thống tốt dẹp của dân tộc, vừa là sự kế thừa có bước phát triển về phương pháp tập hợp lực lượng và xác định kẻ thù của Lênin trong Cách mạng Tháng Mười.
Thứ ba, tự chủ và sáng tạo, tranh thủ điều kiện và thời cơ thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, chớp thời cơ khởi nghĩa.
Nghiên cứu thời cơ nổ ra Cách mạng Tháng Mười, vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị mọi mặt từ trước, cộng với khả năng nhận thức nhạy bén, nhãn quan chính trị, khả năng dự báo khoa học, Người  đánh giá xu thế chuyển biến của cục diện chính trị khu vực, thế giới đương thời; sự phát triển của các dòng thác cách mạng lúc bấy giờ; thế và lực của cách mạng nước ta và đối phương, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời khi phát động khởi nghĩa vào Tháng Tám năm 1945: “Lúc này thời cơ cách mạng đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên kiên quyết giành cho được độc lập”.
Khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, Đảng ta khẳng định, tình thế cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội giải phóng dân tộc ngàn năm có một đã đến. “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Cả dân tộc theo tiếng gọi của Người, nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã minh chứng cho những nhận  định, lựa chọn của Hồ Chí Minh là đúng đắn.

Sau này chúng ta tự chủ, tranh thủ thời cơ do tình hình quốc tế đem lại để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả chính là sự nối tiếp hào hùng lý tưởng, mục tiêu, bài học Cách mạng Tháng Mười Nga.
Kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, nhìn lại những định hướng, chỉ dẫn khoa học, cách mạng của cuộc cách mạng vĩ đại này được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển vào cách mạng Việt Nam để thấy rõ hơn giá trị không thể phủ nhận của cuộc cách mạng đó đối với nhân loại tiến bộ. Đối với Việt Nam, giá trị của chủ nghĩa Mác Lênin nói chung, Cách mạng Tháng Mười Nga nói riêng là tài sản vô giá, có giá trị bền vững, góp phần giúp đất nước ta nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh./.
                                                                                                                             
      1, Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tập 2, tr 280
      2, Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tập 2, tr 289
      3, Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tập15, tr 391

Tác giả: Th.S Trần Thị Bích Thuỷ - Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay11,122
  • Tháng hiện tại280,102
  • Tổng lượt truy cập10,376,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây