Một số giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói giám nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Thứ ba - 07/03/2023 22:21
Phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc “xóa đói giảm nghèo”, thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động góp phần tích cực giúp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Hội đã tích cực phối hợp tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi hành vi thực hiện tốt chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực như: phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập câu lạc bộ khuyến nông, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, tham quan học tập kinh nghiệm, huy động vốn tín dụng tiết kiệm và tranh thủ các nguồn vốn khác, tạo công ăn việc làm cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mực tiêu xoá đói giảm nghèo.
Trong những năm qua, Hội đã tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, kỹ năng, phương pháp quản lý vốn của cán bộ Hội và hội viên. Các cấp hội đã tổ chức được 443 lớp tập huấn, khởi sự kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phối hợp mở 37 lớp đào tạo nghề; 21 sản phẩm do phụ nữ làm chủ được các cấp Hội hỗ trợ hướng dẫn đăng ký sản phẩm đạt Ocop. Hỗ trợ thành lập 02 hợp tác xã, 49 tổ hợp tác, 545 mô hình kinh tế; tổ chức 13 cuộc Hội thảo phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh để xác định các nhóm sản phẩm chủ lực phù hợp với phụ nữ và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ theo liên kết sản xuất hàng hóa, theo quy mô từng địa phương, từng cụm vùng, quy mô toàn tỉnh.
Các cấp Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, phân loại các đối tượng cần ưu tiên giúp đỡ. Trong năm 2022 các cấp Hội đã nhận giúp đỡ 3.214 hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó các cấp Hội đã huy động 54.7 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 42 mái ấm tình thương trị giá gần 2 tỷ đồng; tặng 22.140 suất quà trị giá trên 5 tỷ đồng; hỗ trợ 1.543 mô hình sinh kế trị giá gần 2,7 tỷ đồng; trao tặng bóng đèn, bếp đun, bình lọc nước trị giá 45 tỷ đồng. Trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã vận động Hiệp Hội nữ doanh nhân và các đơn vị hỗ trợ 75 con bò sinh sản; trên 20.000 con gà, tổng trị giá 1,124 tỷ đồng.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế được triển khai gắn kết với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trao sinh kế và hỗ trợ phát triển bền vững cho phụ nữ biên cương, các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm làm theo gương Bác”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Xây dựng mái ấm tình thương”; hỗ trợ nguồn vốn tín dụng không lãi, con giống, cây giống, các chương trình đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, trồng, sản xuất. Kết quả, năm 2022 có 657 hộ do phụ nữ làm chủ được Hội giúp thoát nghèo.(1)
Vốn tín dụng là một trong những trụ cột giúp phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế, hàng năm. Vì vậy, các cấp Hội quan tâm nâng cao chất lượng các nguồn vốn vay trên 4.000 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội: Quỹ phòng chống thiên tai, trong đó Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh 149,2 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình,.. để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Trình độ nhận thức của một bộ phận phụ nữ chưa đồng đều; một số hội viên còn mang tính tự ti, cam chịu, chưa biết cố gắng vươn lên, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước; kết quả xoá đói giảm nghèo của một số hộ chưa bền vững, một số cơ sở Hội chưa xây dựng được kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo cụ thể. Trình độ, năng lực của một số cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến kết quả hướng dẫn tuyên truyền, thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo của phụ nữ.
Để phụ nữ tham gia tốt hơn về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu như:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp phụ nữ nhận thức đúng và thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ, thực hiện: “Sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch” gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng mẫu mã hàng hóa, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện có hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, giai đoạn 2021 - 2026”. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tham gia chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm dịch vụ đáp ứng thị trường. Hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh, tham gia thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939). Trong đó, tập trung nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khả thi; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các ý tưởng đủ điều kiện.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung tuyên truyền vận động phụ nữ phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững, mạnh dạn làm chủ mô hình kinh tế. Quan tâm xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ sinh kế đối với hộ nghèo, cận nghèo; tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng phù hợp.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn cho vay phát triển kinh tế tập thể của trung ương, của tỉnh. Nâng cao chất lượng và dư nợ cho vay từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ phát triển phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính, phát triển kinh tế.
Thứ năm, các cấp Hội phụ nữ tham gia thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung các ngành nghề có lợi thế cho phụ nữ, hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thực sự trở thành động lực thúc đẩy hội viên, phụ nữ toàn tỉnh sáng tạo trong sản xuất, nỗ lực vươn lên tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
(1) Báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2022. Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Đặt may Áo thun đồng phục cao cấp
Tác giả: Th.S Nguyễn Thị Lam - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng