Phát huy chuẩn mực đạo đức của đội ngũ công chức cấp xã, góp phần hoàn thiện nền hành chính của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Thứ tư - 07/12/2022 22:03
Hoàn thiện phẩm chất người cán bộ, công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng là việc làm thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước V.I. Lê-nin viết: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào” .
Trong các phẩm chất của người đảng viên, cán bộ có hai phẩm chất mà chúng ta thường nhắc đến là “Đức” và “Tài”, mỗi phẩm chất đóng các vị trí, vai trò khác nhau trong hoạt động thức thi công vụ. Đối với công chức “Đức” là nền tảng, “gốc” của hoạt động thực thi công vụ. Sinh thời Bác Hồ có dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”[1]. Phẩm chất đạo đức của công chức được Chính phủ Việt Nam quan tâm và quy định sớm: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”[2].
 
sap xep don vi hanh chinh ha tinh
Công tác tiếp giải quyết yêu cầu công dân, của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã ở Hà Tĩnh

 “Đạo đức công chức” là khái niệm được đề cập ngày càng đầy đủ và cụ thể hơn trong nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước hiện nay. Ở Việt Nam chính quyền cấp xã là cấp hành chính cuối cùng, là cấp chính quyền thường xuyên, trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính và giải quyết các hoạt động quản lý hành chính nhà nước do đó việc nâng cao đạo đức cho đội ngũ công chức là hết sức quan trọng. Trong xu hướng phân quyền cho cơ ngày càng mạnh, số lượng thủ tục hành chính ngày càng tăng tại cấp xã, nơi đó đội ngũ công chức phải thường xuyên giải quyết các thủ tục với tần suất ngày càng cao, áp lực về thời gian càng rút ngắn, số lượng công chức ngày càng giảm (theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP) … điều đó đòi hỏi công chức cấp xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn, tốc độ nhanh hơn.
 Trong những năm qua việc quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng công chức cấp xã được thực hiện khoa học, nghiêm túc. Công chức cấp xã nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn và chủ động về những nội dung, quy tắc, chuẩn mực đạo đức, qua đó góp phần điều chỉnh hành vi của công chức cấp xã cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Nhận thức về tầm quan trọng của giá trị đạo đức nói chung và đạo đức công chức của công chức cấp xã được nâng lên, biết vận dụng các giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức nghề nghiệp vào hoạt động công vụ, vào việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những việc đạt được như trên còn có một số hạn chế như:  Một số công chức cấp xã ở một số địa phương có biệu hiện xa rời mục tiêu cao cả của nền hành chính “của dân, do dân và vì dân”, nhận thức chưa đầy đủ về giá trị cốt lõi của đạo đức công chức nhà nước “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “công bộc của dân”. Một số công chức xã nắm các vị trí liên quan trực tiếp đến quyền lợi trực tiếp của người dân đã có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó dễ khi nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính. Một số công chức có lúc biến hoạt động công vụ thành hoạt động phục vụ cho lợi ích nhóm, lợi ích thân hữu, “cánh hẩu”... Ngoài ra, có một bộ phận công chức cấp xã xuất hiện tư tưởng đề cao vai trò cá nhân chủ nghĩa, mê tín, lối sống, vương giả, xa dân, lãng phí... xa lạ với mức sống bình thường của một công chức cấp xã và đời sống thường nhật của nhân dân nơi cư trú.
Nguyên nhân xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một bộ phận công chức cấp xã nêu trên theo chúng tôi có một số nguyên nhân: Đất nước chúng ta đang bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhiều quy luật kinh tế hàng hóa bắt đầu nảy sinh, phát triển và có tốc độ ngày càng cao, trong khi các quy luật của nền kinh tế hiện vật, kinh tế kế hoạch hóa tập trung vẫn tồn dư trong xã hội và trong cung cách quản lý nhà nước. Nhiều vấn đề nảy sinh tiêu cực mà chúng ta đã dự đoán được nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Hệ thống văn bản nhà nước về chức năng, nhiệm vụ của công chức cấp xã chưa rõ ràng rành mạch. Trong đó chưa ban hành được Luật Đạo đức công vụ quy định về đạo đức công chức, chuẩn tắc đạo đức công chức, trong đó có công chức cấp xã. Hệ thống văn bản quy định quản lý công chức cấp xã chồng chéo về chủ thể quản lý, xã chưa thống nhất từ tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, thi đua, khen thưởng... Môi trường xã hội ở một số nơi còn nhiều hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, đứt gãy trong các giá trị văn hóa, lệch chuẩn về đạo đức. Các giá trị mới, tiến bộ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chưa được hoàn thiện, hoặc đã có nhưng chưa được đông đảo cộng đồng xã hội chấp nhận hàng ngày, hàng giờ tác động đến đạo đức công chức cấp xã là nguyên nhân làm phát sinh những yếu kém của cán bộ. Một bộ phận cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ công chức cấp xã chưa chú trọng việc “tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”[3]. Một số cấp ủy Đảng chỉ chú tâm vào các vấn đề kinh tế, các công trình, dự án... mà sao nhãng, xem nhẹ việc xây dựng Đảng, môi trường văn hóa, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức của công chức cấp xã. Công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng các giá trị đạo đức cho đội ngũ công chức cấp xã chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển quản lý trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức chưa chú trọng đến đạo đức công vụ hoặc có nhưng số công chức cấp xã được học còn rất ít.

z3942729439348 7dbcb5220c171424ace39b4dcc71ddfa

Học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung khoá 183, Trường Chính trị Trần Phú tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ những nguyên nhân của hạn chế nêu trên, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về việc nâng cao đạo đức công chức cấp xã trong thời gian tới cần tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng cần xác định những biện pháp mang tính đột phá có tính chiến lược lâu dài sau:
Trước hết, về tổng thể phải có một hệ thống đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; Tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các mặt trong đó tập trung giải quyết thỏa đáng các khâu yếu kèm và dễ xảy xung đột từ các lĩnh vực: tài chính công, đất đai, tài nguyên, môi trường, đô thị, văn hóa...; Xây dựng môi trường xã hội thuận lợi cho công dân, cá nhân, tổ chức tham gia một cách mạnh mẽ vào đời sống chính trị xã hội trong đó có việc nâng cao đạo đức công chức cấp xã; Ban hành Luật công vụ.
Thứ hai, Đảng ủy, UBND, tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ công chức cấp xã phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức của tổ chức mình và làm việc đó một cách bền bỉ, hàng ngày “Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[4]. Phát huy vai trò nêu gương của lãnh đạo UBND cấp xã, biểu dương người tốt, việc tốt, nhân tố tích cực. Cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với công chức trong thực thi công vụ. Thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, Ban thường vụ cấp ủy và UBND các cấp và các văn bản chỉ đạo của T.Ư về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện tốt thanh tra công vụ và xử lý kịp thời và nghiêm khắc các trường hợp biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống…  trong thực thi công vụ ở UBND cấp xã. Hàng tháng tại các cuộc sinh hoạt chi bộ cần thực hiện nghiêm chỉnh việc tự phê bình và phê bình, cần có kế hoạch để mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu báo cáo, tự kiểm điểm để chi bộ góp ý qua đó mà thực việc giám sát đối với chi bộ, đảng viên.
 Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, vận động, tuyên truyền về đạo đức cách mạng nói chung và đạo đức công chức cho công chức cấp xã. Xây dựng khung kế hoạch chung trong quản lý nguồn nhân lực công chức cấp xã từ: tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật... trong đó vấn đề đạo đức được đặt ở vị trí cốt lõi, nền tảng cần tiếp tục đẩy mạnh, cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Đạo đức là giá trị cốt lõi của đội ngũ công chức, việc xây dựng nền đạo đức công chức trong đó có công chức cấp xã được tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Song việc rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao đạo đức công chức là việc làm có giá trị lâu dài, tạo nền tảng để xây dựng nền hành chính nhà nước phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
 
[1] Hồ Chí Minh (1993), Về đạo đức, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 76/SL ngày 20/5/1950.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng (Khóa XII) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
 
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 282-293.

Tác giả: Th.S Hồ Thanh - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập120
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay8,360
  • Tháng hiện tại247,602
  • Tổng lượt truy cập9,931,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây