Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Điểm sáng trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước của dân tộc

Thứ sáu - 16/12/2022 22:31
Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Đây là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho quân và dân ta, tạo thế và lực mới tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.
Từ sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới 1950, chúng ta đã đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 - 17/01/1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (20/3 - 07/4/1951), Chiến dịch Quang Trung (28/5 - 20/6/1951), Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/02/1952). Những thắng lợi của các chiến dịch đó tạo thế tiến công chiến lược cho quân và dân ta tiếp tục giành, giữ vững quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế phòng ngự, đối phó. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc vào tháng 9/1952.

z3960912466144 96eb05d32c1fd74460fa66402a2c3e5b
Bộ đội ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Gia Phù (Sơn La) trong Chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu
Chiến dịch Tây Bắc hướng đến mục tiêu là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.

Vùng Tây Bắc lúc này gồm 5 tỉnh (Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ) có địa hình rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, ít người . Phía Tây giáp với Phong Xa Lỳ, Sầm Nưa của Lào, phía Đông giáp với căn cứ địa Việt Bắc, phía Bắc là biên giới Việt Nam - Trung Quốc, phía Nam giáp với tỉnh Hòa Bình, thông với Liên khu 3 và Liên khu 4. Nếu địch chiếm được Tây Bắc chúng sẽ có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Xác định Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng nên từ tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị toàn quân và toàn dân ta xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc. Ngày 09/9/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Chỉ huy trưởng là đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 14/10 đến 10/12/1952, chia thành ba đợt. Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi đã tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch và nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Chúng ta đã đập tan âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp; giải phóng tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 04 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 02 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái. Ta giải phóng được một đất vùng rộng lớn gồm 8/10 đất đai vùng Tây Bắc nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam thuận tiện. Chiến thắng từ chiến dịch Tây Bắc tạo cơ sở để quân và dân ta mở ra một thế chiến lược mới, tạo thế chủ động lựa chọn chiến trường, mục tiêu và cách đánh với những lực lượng, quy mô khác nhau.
Kết quả đó đạt được xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trước hết là có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy. Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân các địa phương, nhất là các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc đã phát huy tinh thần yêu nước, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vượt khó để chủ động đánh giặc bảo vệ hậu phương đồng thời phục vụ kháng chiến, tiếp sức người, sức của giúp cho chiến dịch thắng lợi. Đồng thời là dưới sự chỉ huy, lãnh đạo tác chiến của Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phát huy được ý chí đồng lòng chiến đấu của các lực lượng. Chúng ta đã tập hợp được một lực lượng đông đảo phục vụ, bảo đảm hậu cần chiến dịch được tiến hành chu đáo, khẩn trương với quy mô lớn; phối hợp tác chiến nhịp nhàng, đồng bộ giữa chiến trường sau lưng địch với chiến trường Tây Bắc hợp nên thành sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng.
 
z3960925557095 bd49ff7d61d708c36020395e56b46c27
Đồn Sơn Bục ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị quân ta tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc 1952 ( tư liệu BTLSQG)
Chiến thắng Tây Bắc 1952 vẫn vẹn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là sự phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta tiếp tục giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nhất là tập trung chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Mục tiêu hướng đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Và chú trọng củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân vững chắc, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý, điều hành và phát huy vai trò, sự phối hợp, hiệp đồng của các tổ chức, lực lượng trong tác chiến khu vực phòng thủ; nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chú trọng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phải tiếp tục nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến tranh vừa qua, vận dụng nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự trong tình hình mới phù hợp với tổ chức trang bị, lực lượng và cách đánh của Việt Nam. Chủ động đẩy mạnh công tác huấn luyện; phấn đấu tạo được sự đột phá trong huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu cao “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Mặt khác, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch và các âm mưu xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để thế hệ mai sau ôn lại lịch sử cách mạng, tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.
 

Tác giả: Th.S Phan Thị An Phú - Phòng TCHCTTTL

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay10,936
  • Tháng hiện tại279,916
  • Tổng lượt truy cập10,376,498
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây