Phát huy những giá trị tốt đẹp của Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Thứ sáu - 18/11/2022 04:56
Đoàn kết dân tộc là một giá trị thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tiềm tàng, là nguồn lực nội sinh xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là yếu tố gắn kết tạo tính cộng đồng cao chuyển hóa thành tinh thần đoàn kết toàn dân và ý thức độc lập dân tộc hun đúc nên lòng yêu nước nồng nàn.
Vào những thời khắc quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc thì tinh thần đoàn kết khi được khơi dậy đã trở thành sức mạnh vật chất to lớn đủ sức tạo nên những thành quả to lớn mang dấu ấn lịch sử. Bởi lẽ, người Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi khó khăn bởi họ luôn xem mọi người cùng cộng đồng truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Tinh thần đoàn kết là cơ sở hình thành nên tính tập thể cao, hòa đồng trong cuộc sống chung, tạo nên nếp sống gần gũi, dân chủ trong cộng đồng. Xuất phát từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần nhấn mạnh rằng Đảng ta phải luôn chú trọng giữ gìn khối đoàn kết toàn dân tộc vì “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”.
 
picture2

            Để có thể đưa tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng đòi hỏi phải gần với cơ sở, lan tỏa tới từng khu dân cư và mỗi hộ gia đình. Chính vì vậy, ngày hội đại đoàn kết ở Việt Nam ra đời nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư từ cơ sở đến trung ương hình thành nên khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Vào năm 1986, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 (ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất) làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc", quyết định lấy ngày 18/11 làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư. Đó là ngày hội góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đồng thời nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tính từ đó đến giai đoạn hiện nay, mỗi năm vào 18/11 là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại cộng đồng khu dân cư. Với sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp theo từng đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương mà ngày lễ được tổ chức rộng khắp từ khu dân cư, các khu dân cư trong xã, phường, Thị trấn; từ đồng bằng đến miền núi. Ngày hội này có giá trị to lớn nhằm kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân.
Thông qua đó,  đã bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong ngày hội này, những nét đẹp văn hóa của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn tiếp tục được lưu giữ và chuyển giao giữa các thế hệ nối tiếp nhau. Để mỗi người, mỗi gia đình có cơ hội tiếp xúc, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau góp phần thực hiện tốt các phong trào như “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiềntừng bước xây dựng nếp sống mới. Đồng thời cũng đấu tranh dần xóa bỏ các thói quen, tập tục lạc hậu như: trộm cắp, ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan,...Những hoạt động thiết thực chào mừng ngày đại đoàn kết toàn dân sẽ giáo dục, động viên, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia từ đó hướng đến thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Mặt khác, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thuận lợi cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. Những tâm tư, nguyện vọng của người dân trong cuộc sống được phản ánh đến các tổ chức đoàn thể hiệu quả hơn giúp Đảng xây dựng, chỉnh đốn phương thức lãnh đạo ngày một tốt hơn. Như thế, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Nhân dân ngày càng vững mạnh. Có thể thấy, ngày 18/11 là dịp để tăng cường đoàn kết, tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới góp phần thực hiện hiệu quả nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

picture1

Mặt trận dân tộc thống nhất nay là Mặt trận tổ quốc Việt nam trong suốt hơn 90 năm qua đã thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng. Trải qua cả chặng đường không ít gian lao, vất vả từ quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước Mặt trận tổ quốc Việt nam luôn khẳng định được vai trò, vị thế đi đầu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, xây dựng phát triển đất nước. Đặc biệt với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh covid – 19 thì tổ chức đã thống nhất hành động, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác mặt trận, đảm bảo kịp thời, đồng bộ phù hợp thực tiễn địa phương để nỗ lực vượt qua những trở ngại do trong đại dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt.
Đoàn kết các dân tộc không phải tự nhiên sẵn có mà là sự kết tinh của quá trình lịch sử lâu dài. Vì thế, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng” và trong không khí ngày 18/11- kỷ niệm 92 năm truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư mỗi cá nhân cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tác giả: Th.S Phan Thị An Phú - Phòng TCHCTTTL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay10,732
  • Tháng hiện tại279,712
  • Tổng lượt truy cập10,376,294
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây