Vận dụng, phát triển sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ đổi mới

Thứ ba - 13/05/2025 04:49
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi, là cái bất biến trong trong toàn bộ hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Với dân tộc Việt Nam, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, vừa là con đường, là quy luật phát triển tất yếu, là ngọn cờ bách chiến, bách thắng. Đối với Hà Tĩnh - địa phương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.
tu tuong ho chi minh ve van de dan toc may van de ban luan18052015100122

1. Về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong lịch sử Việt Nam, dân ta vốn có một lòng nồng nàn yêu nước. Từ khi thực dân Pháp xâm lược, phong trào yêu nước đã dâng lên mạnh mẽ, nhưng vấn đề độc lập dân tộc vẫn không được giải quyết. Với hoài bão “làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1), năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người nhận ra: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2). Đó là thời điểm đánh dấu bước ngoặt vĩ đại quyết định Người tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Bản chất của con đường cách mạng vô sản trong điều kiện của một dân tộc thuộc địa và phong kiến, lấy nhiệm vụ giải phóng dân tộc làm nhiệm vụ cao hơn hết thì đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Con đường cách mạng đó do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, trước hết nhằm đánh đổ đế quốc, phong kiến giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến hành làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chính cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng (2/1930) đã chủ trương: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3).
Trong mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, là tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là bước phát triển tất yếu của độc lập dân tộc. Đặc biệt, với những đặc trưng bản chất: Dân được ăn no, mặc ấm; là sung sướng, tự do; là dân giàu, nước mạnh, văn minh, hạnh phúc; một xã hội dân chủ, công bằng, đoàn kết, hữu nghị, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao... Chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những cơ sở bảo đảm chắc chắn và bền vững nhất cho độc lập thật sự và phát triển dân tộc. Chủ nghĩa xã hội sẽ xóa  bỏ nguyên nhân kinh tế sâu xa của tình trạng người bóc lột người, triệt để giải phóng con người, phát triển lực lượng sản xuất, tạo bước phát triển chưa từng có cho dân tộc. Chủ nghĩa xã hội thực hiện cách  mạng về kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật nhằm tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cao, văn hóa phát triển - Những nhân tố cơ bản để thực hiện củng cố, giữ vững độc lập dân tộc. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh đây là chiếc chìa khóa vạn năng để xây dựng xã hội mới ở Việt Nam - Xã hội xã hội chủ nghĩa với sức mạnh kỳ diệu của nhân dân là chủ và biết làm chủ xã hội. Sức mạnh kỳ diệu này là cơ sở để củng cố, giữ vững độc lập dân tộc, biết cách tự bảo vệ và phát triển.
Đhiện thực hóa độc lập dân tộc chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, điều kiện tiên quyết là phải tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn, củng cố Đảng về tổ chức, tăng cường đoàn kết thống nhất, nâng cao bản lĩnh, sức chiến đấu của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thực sự gương mẫu. Đó là điều kiện, đồng thời là “bài học lớn” nhất mà mỗi cán bộ  và đảng viên cần ghi sâu vào lòng và phát huy thêm mãi(4).
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam là con đường từ độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành nhiệm vụ xuyên suốt toàn bộ đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta, cũng như toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
   2. Kết quả vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Hà Tĩnh thời kỳ đổi mới
Kể từ ngày Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập (Tháng 3/1930), kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phát huy, khơi dậy các giá trị, sức mạnh văn hóa, lịch sử, con người, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo Nhân dân giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991), đứng trước muôn vàn khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã biết vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộcchủ nghĩa xã hội, nhất là về vai trò của chủ nghĩa xã hội trong việc tạo ra những cơ sở để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, Hà Tĩnh sớm xác định phát triển kinh tế - xã hội trở thành nhiệm vụ trọng tâm, vừa là cơ sở để bảo vệ, giữ vững những thành quả cách mạng trong thời kỳ cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc; vừa là nền tảng không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, xây dựng, phát triển tỉnh nhà theo định hướng con đường, mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay Hà Tĩnh “đạt được những kết quả có tính lịch sử; từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh dẫn đầu khu vực”(5), thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất: Chú trọng phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho Nhân dân.
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1991-2023 đạt gần 10%. Quy mô nền kinh tế đến năm 2023 đạt gần 100.000 tỷ đồng, xếp thứ 30/63 cả nước, thứ 3 Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người lên trên 77 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Nhiều dự án lớn được cấp phép như Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, II, các nhà máy pin của Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng, các nhà máy sợi, may mặc, các dự án điện mặt trời... Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá toàn diện. Chương trình xây dựng NTM làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt hơn 40 triệu đồng. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh được Trung ương chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tổng thu ngân sách Hà Tĩnh giai đoạn 1991-2023 đạt gần 387.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 đạt 17.966 tỷ đồng. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được chú trọng, toàn tỉnh hiện có 1.500 dự án trong và ngoài nước với quy mô hơn 22 tỷ USD, đứng thứ 9 cả nước về thu hút FDI. Hà Tĩnh là một trong 20 địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh; xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh từ thứ 60 năm 2006 tăng lên thứ 18 năm 2022; các chỉ số cải cách hành chính duy trì trong nhóm khá cả nước.
Các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong từng giai đoạn phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% thu ngân sách nội địa, 53% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao, chiếm 1,4% tổng số lượng doanh nghiệp toàn tỉnh và 72,9% tổng vốn sản xuất kinh doanh, đóng góp trên 30% GRDP. Kinh tế tập thể từng bước hoạt động thực chất, hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 46 nghìn lao động.
Thứ hai: Chăm lo phát triển văn hóa  - xã hội, đảm bảo, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Văn hóa, thể thao không ngừng phát triển, tạo được những dấu ấn quan trọng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm chú trọng. Toàn tỉnh hiện có trên 1.800 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia và 577 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Có 05 di sản được UNESCO vinh danh (Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, Ca Trù Cổ Đạm, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu). Có 2/7 danh nhân thế giới người Việt Nam (Đại thi hào Nguyễn Du và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác).
Giáo dục đào tạo phát triển khá toàn diện, đồng bộ trên các mặt. Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện, quy hoạch lại hệ thống trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước có sự thay đổi căn bản. Đến nay, bộ máy y tế được quy hoạch phù hợp, sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên; hệ thống mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức và hoạt động hiệu quả từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; các chương trình mục tiêu y tế được triển khai đầy đủ, đồng bộ.
Giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực và hiệu quả. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Giai đoạn 2011-2023, bình quân giải quyết việc làm cho 23.000 người/năm; lao động làm việc ở nước ngoài hàng năm từ 8.000 - 9.000 người. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 giảm còn 3,01% theo chuẩn nghèo đa chiều mới; không còn huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn miền núi. Hà Tĩnh là tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào xóa nhà tranh tre dột nát đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tổng ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ là 292,5 tỷ đồng. Hoạt động thông tin truyền thông bám sát nhiệm vụ chính trị, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Hạ tầng viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng và tần số vô tuyến điện đã có những bước tiến đáng kể; hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, nhiều ứng dụng có quy mô lớn bắt đầu được triển khai, xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh hiện đứng thứ 37 cả nước.

Thứ ba: Đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, nắm chắc mọi diễn biến tình hình, đấu tranh hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; xây dựng lực lượng công an ngày càng chính quy, tinh nhuệ. Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chuyên đề đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cao. Củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ với các tỉnh của nước bạn Lào, nhất là hai tỉnh tiếp giáp biên giới là Bolykhămxay và Khăm Muộn. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài với mục tiêu quảng bá môi trường đầu tư, thu hút FDI vào Hà Tĩnh tại các nước như Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Ký kết các Thỏa thuận hợp tác quốc tế với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Công ty TNHH Danvit Express (Séc); Thành phố Pocheon (Hàn Quốc); Bộ Kinh tế - Y tế - Lao động của Bang MV (Đức); Vùng tự trị Trnava (Slovakia). Tích cực vận động nguồn vốn ODA đầu tư kết cấu hạ tầng; tranh thủ nguồn vốn NGO cho các lĩnh vực y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch... Đổi mới phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ở nước ngoài.
Thứ tư: Không ngừng đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ - đảm bảo điều kiện tiên quyết trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới.
Qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, từ hơn 62.000 đảng viên năm 1992, đến nay Ðảng bộ đã có 99.903 đảng viên sinh hoạt ở 4.161 chi bộ thuộc 624 tổ chức cơ sở đảng (424 đảng bộ cơ sở, 200 chi bộ cơ sở) của 17 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (13 đảng bộ huyện, thành phố, thị xã và 4 đảng bộ cơ quan, đơn vị).
Đảng bộ thường xuyên quan tâm công tác chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giữ vững sự đoàn kết thống nhất; phát huy tinh thần, trách nhiệm trong cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp, tạo niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên.
Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính tr tư tưởng. Gắn việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Đảng bộ đã tập trung kiện toàn, sắp xếp bộ máy cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện việc bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ gắn với tăng cường quản lý, rèn luyện, giáo dục, đánh giá và phân loại đảng viên;... Đến nay, tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã được sắp xếp, kiện toàn theo lộ trình, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý có bước trưởng thành qua mỗi thời kỳ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên được quan tâm. Chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Toàn tỉnh hiện có 35.846 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó 1.338 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp và 7.364 đồng chí có trình độ lý luận chính trị trung cấp. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng được nâng lên, trong đó: tiến sĩ: 100 đồng chí; thạc sĩ: 2.915 đồng chí; đại học: 27.031 đồng chí; cao đẳng: 3.239 đồng chí.
Chú trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Các cấp ủy đảng đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, kịp thời. Triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tăng cường quản lý kinh tế, ngân sách Nhà nước, tài sản công và các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hiệu quả công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng ở các địa phương trong toàn tỉnh...
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Xã hội trong tương lai mà chúng ta hướng tới “sự phát triển là thực sự vì con người”, “phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”, “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”, “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(6)… Đây chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Đối với Hà Tĩnh, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong gần 40 năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bước vào chặng đường mới, với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Hà Tĩnh “trở thành tỉnh khá” của cả nước, hơn bao giờ hết, trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định  mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, Hà Tĩnh khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị, sức mạnh văn hóa, khát vọng vươn lên của người Hà Tĩnh xây dựng tỉnh nhà phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.

Chú thích
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, t.4, tr.187.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, t.12, tr.562.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, 1930, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tr.2.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, t.14, tr.467.
5. Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Kỷ yếu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh - năm 2021, tr.61.
6. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Học tâp và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị năm 2021 và toàn khóa, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.23-24.                             

Tác giả: TS. Nguyễn Trọng Tứ - TUV, Hiệu trưởng, Ths Phan Bá Linh - Phó trưởng khoa LLCS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay11,014
  • Tháng hiện tại263,807
  • Tổng lượt truy cập12,918,978
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây