Đẩy mạnh chuyển đổi số, xã nông thôn mới thông minh mục tiêu kép trong thực hiện tỉnh nông thôn mới ở Hà Tĩnh
Thứ tư - 06/12/2023 23:05
Đẩy mạnh chuyển đổi số, nông thôn mới thông minh là một xu hướng của tương lai, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn một cách hiệu quả và bền vững, là cuộc cách mạng mang đến nhiều cơ hội phát triển một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hà Tĩnh đang tận dụng tối đa cơ cơ hội phát triển lâu dài, xây dựng giải pháp đồng bộ hướng tới thái cân bằng phát triển giữa vùng nông thôn và đô thị, miền núi và vùng đồng bằng. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn thông minh đã đạt được những kết quả to lớn, tạo ra những tiền đề căn bản trong xây dựng Tỉnh nông thôn mới.
Cụ thể:
- Trong quản lý, thực hiện Chương trình nông thôn mới: xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu số, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành; phần mềm đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng chuyên mục, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới trên các trang, cổng TTĐT, báo, đài, mạng xã hội (zalo, facebook) phụ vụ tuyên truyền. Xây dựng Khu dân cư thông minh, xã thông minh, mang lại hiệu quả bước đầu khá tích cực. Mô hình kinh tế số: trồng cam thông minh kết hợp chuyển đổi số trong nông nghiệp, có tích hợp quản lý, sử dụng các chức năng từ kiểm soát nhiệt độ, độ đẩm, phân bón, truy xuất nguồn gốc...; Mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau E-GAP (hữu cơ, VietGAP) tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà; Mô hình giám sát trực tuyến trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được xây dựng trên hai nền tảng Website, Zalo, với các chức năng chính: Kho dữ liệu phục vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; đăng tải văn bản, ghi hình, phát sóng trực tuyến phục vụ lấy ý kiến phản biện, góp ý của người dân; thu thập ý kiến đánh giá, phát hiện, giám sát của nhân dân đối với các kết quả đã triển khai; khảo sát sự hài lòng của người dân.
- Trong thực hiện Chương trình OCOP: Đã thực hiện chuyển đổi số để hỗ trợ công tác quản lý cho cơ quan quản lý Chương trình OCOP các cấp và người dân trong quản lý sản xuất; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP Hà Tĩnh để quản lý và giám sát sản phẩm, địa chỉ: https://ocop.hatinh.vn/, bước đầu xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ Blookchian và hình thành sàn thương mại điện tử https://ocophatinh.com/ với nhiều chức năng quản lý: thông tin cơ sở sản xuất, thông tin sản phẩm, tem OCOP, tổ chức đánh giá phân hạng qua hệ thống phần mềm, mua bán sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử ocophatinh.com.
- Trong chuyển đổi số trong hoạt động thương mại điện tử: vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử của tỉnh https://hatiplaza.com và https://hatinhtrade.com.vn, đồng thời kết nối lên một số sàn TMĐT lớn trên cả nước như Voso, Postmart... quảng bá, kết nối 500 gian hàng OCOP và sản phẩm tiêu biểu trên sàn thương mại điện tử của tỉnh; doanh thu bán lẻ trực tuyến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh Hà Tĩnh trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội năm 2022 đạt trên 110 tỷ đồng. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của tỉnh như bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh.
Vì vậy, để đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới thông minh, cơ bản chúng ta cần tiến hành thực hiện các nội dung sau:
- Thống nhất quan điểm xuyên suốt về chuyển đổi số, nông thôn thông minh phải được xem là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng tỉnh Nông thôn mới. Chuyển đổi số, nông thôn thông minh phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, văn hóa xã hội phát triển. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới diễn ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống cư dân nông thôn: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và tổ chức xây dựng chính quyền được giải quyết bằng các giải pháp, ứng dụng thông minh.
- Đẩy mạnh kinh tế số nông thôn trong xây dựng xã nông thôn mới thông minh cần phải được tiếp cận một cách đa chiều gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa phương cụ thể. Trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ: Sử dụng các nền tảng, các ứng dụng thông minh vào quy trình tổ chức, quản trị sản xuất, các ứng dụng phải kể đến đó là: nhật ký sản xuất điện tử; công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc; máy bay không người lái (phun thuốc, gieo sạ, thu thập dữ liệu,…); robot trong thu hoạch, chế biến; cảm biến theo dõi vùng tiểu khí hậu và dự báo tình hình sâu bệnh; quan trắc mực nước trên sông; hệ thống tưới thông minh và ứng dụng quy trình điện tử trong sản xuẩt. Trong thương mại điện tử: Các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nông thôn được thực hiện trên mua bán, thanh toán trong môi trường mạng. Qua các Sàn TMĐT: Lazada, ứng dụng Tiki, ứng dụng Voso.vn, ứng dụng Postmart, ứng dụng ví điện tử,…
- Tổ chức đời sống xã hội dựa trên các giải pháp, ứng dụng thông minh. Vận dụng các giải pháp, ứng dụng thông minh nhằm quản lý, tổ chức, vận hành đời sống văn hóa vùng nông thôn hiện đại văn minh nhưng vẫn phải giữ được cái hồn cốt của giá trị văn hóa truyền thống, là sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Áp dụng giải pháp, công cụ thông minh trong lĩnh vực văn hóa nông thôn hướng đến mục tiêu cốt lõi là làm cho người dân và cộng đồng dân cư nông thôn quen với cách thức tổ chức đời sống văn hóa mới nhưng phát huy tích cực các chuẩn mực đạo đức, vẻ đẹp của truyền thống. Ứng dụng thực tế ảo (công nghệ AR/VR); Ứng dụng công nghệ 3D; Internet - kết nối vạn vật; nền tảng CSDL về sản phẩm, nhà hàng, khách sạn, homestay… trong quảng bá văn hóa, phát triển du lịch. Phát triển các phần mềm chuyên dụng trong quản lý giáo dục; liên lạc, giải quyết công việc giữa phụ huynh học sinh với nhà trường. Sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook, gapo để kết nối giáo viên- phụ huynh- học sinh; trong tổ chức học trực tuyến có thể sử dụng Google meet; Zoom… Trong lĩnh vực y tế: Sử dụng các ứng dụng thông minh trong tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa, hồ sơ điện tử; thực hiện thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt…
- Bảo vệ môi trường bằng các nền tảng, ứng dụng thông minh. Xây dựng, hoàn thiện các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông nghiệp với các giải pháp, công cụ thông minh bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng, các chất thải và phế thải ít hơn ra môi trường. Sử dụng phân bón thông minh bằng các ứng dụng thông minh giúp cây trồng sử dụng hết, không còn tồn dư gây ô nhiễm; Thực hiện tiêu chuẩn quy trình Egap; Ứng dụng camera giám sát, camera thông minh. Các ứng dụng công nghệ thông minh nghe nhìn, camera giám sát, camera thông minh trong hoạt động giám sát môi trường; công nghệ cảm biến, IOT, AI đo thông số môi trường… Áp dụng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái không chất thải vào quá trình sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
- Tổ chức chính quyền điện tử, chính quyền số dựa trên các giải pháp, ứng dụng thông minh nhằm hướng đến sự minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; tạo ra sự kết nối, liên thông giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp hướng đến sự phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Chọn nền tảng công nghệ hợp lý, bố trí nhân sự vận hành hiệu quả, tránh cách làm hình thức dẫn đến hệ quả công cụ thông minh lại trở thành lực cản trong tổ chức vận hành chính quyền trong thực tiễn. Vận hành có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số trong tổ chức chính quyền: Tổ chức điều hành thông minh (IOC); Sử dụng camera giám sát, ứng dụng công nghệ định danh cá nhân; phần mềm điều hành tác nghiệp; thư điện tử và sử dụng chữ ký số; Cổng/trang TTĐT truyền thanh thông minh để tuyên truyền; Cổng dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng phản hồi thông minh trên môi trường mạng để giúp người dân kết nối với chính quyền để tiếp thu, xử lý các phản ánh, kiến nghị thực tế, hàng ngày; ứng dụng mạng xã hội để kết nối với cộng đồng.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức nhất là công chức cấp xã. Huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng số và tăng cường xây dựng dữ liệu số, triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tập trung chất lượng sản phẩm và thương mại điện tử. Thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: xã/thôn nông thôn mới thông minh; xã thương mại điện tử. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuyển đổi số và xây dựng nông thôn thông minh.
Chuyển đổi số là một xu hướng thời đại, cuộc cách mạng mang đến nhiều cơ hội phát triển một cách sâu rộng toàn diện trong mọi mặt phát triển kinh tế, đời sống xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng xã nông thôn mới thông minh phải được xem là định hướng và là mục tiêu của các địa phương nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững thực hiện hiệu quả Quyết định 2878/QĐ-UBND năm 2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Bộ chỉ số tạm thời đánh giá Chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Những gợi mở về một số giải pháp sẽ tạo ra quyết tâm, đồng lòng trong chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong quá trình xây dựng tỉnh Nông thôn mới ở Hà Tĩnh đạt hiệu quả và bền vững./.
Tác giả: Th.S Hồ Thanh - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật