Tháo gỡ những rào cản để Phụ nữ Hà Tĩnh phát huy vai trò trong hoạt động chính trị

Thứ năm - 11/03/2021 04:18
Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động chính trị. Tuy nhiên, vẫn không ít rào cản đối với chị em nói chung, phụ nữ Hà Tĩnh nói riêng trong quá trình tham gia vào lĩnh vực này.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác phụ nữ, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ nữ thông qua việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách liên quan tới công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ.
Đặc biệt, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW, trong đó chỉ rõ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”.
Ở Hà Tĩnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương cũng đã kịp thời quán triệt và tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ và từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị.
13

Công tác rà soát bổ sung trong quá trình quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm cán bộ nữ các cấp, ngành, nhất là trước khi chuẩn bị nhân sự HĐND, UBND và đại hội Đảng các cấp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Trong đó, bố trí cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp, ngành bảo đảm số lượng và chất lượng là mục tiêu ưu tiên. Do vậy, thời gian gần đây, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đã có chuyển biến tích cực. Riêng nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 13,2%, tăng 4,1% so với nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh đạt 25,45%, tăng 5,45% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện 27,8%, giảm 1,1%; cấp xã 27,84%, tăng 4,62%.
Phát huy vai trò của mình, nhiều cán bộ nữ đã không ngừng cố gắng vươn lên trên các vị trí lãnh đạo ở các tổ chức, đơn vị và địa phương, mặc dù tỷ lệ khá khiêm tốn so với yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, có 21/47 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có lãnh đạo là nữ (chiếm tỷ lệ 44,7%, tăng 18,6%) và hầu hết đang nắm giữ cấp phó.
Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị các cấp nhìn chung có chiều hướng tiến bộ, chứng tỏ năng lực của cán bộ nữ ngày càng được nâng cao. Nhiều phụ nữ đã thể hiện được phẩm chất, trình độ, năng lực của mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; khẳng định sự bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ trước đồng nghiệp nam giới, từng bước làm thay đổi những định kiến về giới trong xã hội.
14

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song so với yêu cầu, việc phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở tỉnh ta vẫn còn ở mức thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong đó, khả năng tham gia chính trị của nữ giới còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là bản lĩnh chính trị và tầm ảnh hưởng của nữ giới vẫn chưa cao.
Nguyên nhân phần lớn là do định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội; vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, quá cầu toàn, khắt khe khi đánh giá cán bộ nữ; nhiều nơi chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của phụ nữ nên chưa mạnh dạn sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ nữ… Cùng với đó là rào cản tâm lý, văn hóa truyền thống và những yếu tố gia đình, xã hội khiến không ít phụ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia các cương vị lãnh đạo, quản lý… Một số cấp ủy chưa quan tâm, chỉ đạo kịp thời công tác cán bộ nữ…
Để nâng cao hơn nữa tỉ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, đảm bảo mục tiêu đặt ra, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ nữ.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giới, cũng như quyền của phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Cấp ủy các cấp, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của phụ nữ, cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ; xác định rõ công tác cán bộ nữ là trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
15

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nắm chắc tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về quy hoạch, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ quản lý, lãnh đạo là nữ. Quan tâm xây dựng chính sách cho cán bộ nữ.
Thứ ba, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, trong đó chú trọng công tác quy hoạch nguồn lãnh đạo nữ các cấp, ngành. Cần xem xét và điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn phù hợp hơn với điều kiện đặc thù của cán bộ nữ. Mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ có triển vọng.
Thứ tư, mỗi cán bộ nữ phải không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; năng động trong điều hành, lãnh đạo và có ý chí quyết tâm phấn đấu trưởng thành. Đặc biệt, để có thể trở thành những cán bộ lãnh đạo uy tín, mỗi cán bộ nữ cần sự sẻ chia và phấn đấu vượt lên những khó khăn trong quá trình thực hiện thiên chức của mình trong gia đình để đảm đương tốt vai trò trong xã hội./.

Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Thảo Linh - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay10,138
  • Tháng hiện tại317,978
  • Tổng lượt truy cập10,414,560
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây