Đầu Xuân, nghĩ về tư tưởng trồng Người của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai - 22/02/2021 11:30
Từ quan điểm đúng đắn và khoa học về con người đến vấn đề xây dựng con người - “Trồng người” là bước phát triển hợp lôgic của tư tưởng Hồ Chí Minh. “Trồng người” trở thành yêu cầu khách quan, là vấn đề chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài, là quy luật của cách mạng Việt Nam: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Mùa xuân năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố đầu tiên, quyết định đưa cách mạng nước ta đi tới mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng những con người mới: con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xuất phát từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp quần chúng”, trong toàn bộ hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn coi sức mạnh của nhân tố con người, coi chiến lược con người là chiến lược quyết định thành bại của cách mạng. Xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người vừa tin tưởng, yêu thương, tôn trọng, vừa biết phát huy sức mạnh của nhân tố con người, tìm mọi biện pháp để tác động vào tính tích cực xã hội của con người; vừa khai thông động lực, vừa phê phán, lên án, đấu tranh các trở lực, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của con người và xã hội.
22 dau xuan

Từ quan điểm đúng đắn và khoa học về con người đến vấn đề xây dựng con người - “Trồng người” là bước phát triển hợp lôgic của tư tưởng Hồ Chí Minh. “Trồng người” trở thành yêu cầu khách quan, là vấn đề  chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài, là quy luật của cách mạng Việt Nam: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”1, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và rất cần thiết”2.
22 1 dau xuan

Trong chiến lược “Trồng người”, quan điểm của Người rất rõ ràng: “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc. Định xây dựng ngôi nhà như thế nào rồi mới dùng gạch, vữa, vôi, cát, tre, gỗ... mà xây nên”3. Một nước Việt Nam độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người phù hợp với nó. Trong kháng chiến, thì cần phải xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, “xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”4. Trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, Người khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”5.
“Con người mới”, “Con người xã hội chủ nghĩa” trong chiến lược “Trồng người” của Hồ Chí Minh là những con người phát triển toàn diện, vừa kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống, vừa hình thành được những phẩm chất và năng lực mới. Họ có thể xuất hiện trong công nhân, nông dân, lao động trí óc, và các tầng lớp xã hội khác; họ có thể là thiếu niên, nhi đồng, là thanh niên, là  phụ nữ, trong lực lượng vũ trang và nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng… Tất cả đều có thể phấn đấu thành những con người mới xã hội chủ nghĩa. Mu số chung của những con người cụ thể, trong những thời kỳ cụ thể đó chính là có mục đích và lối sống cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chí hướng, phấn đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; những người có đạo đức cách mạng trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có trí tuệ, năng lực chuyên môn; có thể lực, sức khoẻ với nghĩa cả vật chất lẫn tinh thần, thể xác lẫn tâm hồn; có năng lực thẩm mỹ; biết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu xa, lạc hậu, phản tiến bộ, phi nhân văn…
Tuy vậy, để xây dựng được những con người với những tiêu chuẩn trên đây, điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải có những biện pháp “Trồng” thích hợp. Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc “Đường lối chủ trương có rồi, phải có biện pháp thực hiện cho tốt. Chủ nghĩa xã hội là phải có biện pháp. Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần6. Biện pháp mà Người vạch ra để “Trồng người” hiệu quả là thông qua thực tiễn cách mạng và phong trào thi đua yêu nước; biết nêu gương người tốt, việc tốt; kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội; xây dựng ý thức tự học, tự rèn luyện, thường xuyên tự phê bình và phê bình; tác động vào nhu cầu, lợi ích, giá trị của con người…
Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là một hình mẫu của con người thời đại mới. Người là tiêu biểu của trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc và thời đại mà mãi mãi các thế hệ con người Việt Nam học tập và làm theo. Thế kỷ XXI – thế kỷ của tri thức, Con người càng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu, động lực của sự phát triển, của nền văn hóa mới. Thế nhưng, chiến lược trồng người không phải là đơn giản, dễ làm mà đó là sự nghiệp khó khăn, phức tạp, sự nghiệp của “trăm năm”, nó đòi hỏi chúng ta phải có những nhận thức đúng đắn về con người, phải hiểu biết thực sự về con người và phải có những biện pháp tiến hành thích hợp và sáng tạo. Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm và chủ trương đúng đắn của Đảng về chiến lược con người thời kỳ đổi mới, tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam đang ngày càng được khơi dậy, được nhân lên và phát triển, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự giàu có và phát triển toàn diện, bền vững của đất nước. Đây cũng chính là điều mà toàn Đảng, toàn dân Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực bắt nhịp trong mùa xuân mới Tân Sửu 2021.
                                                                         ThS. Phan Bá Linh
                                                               Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CT-ST, H.2011, tập 11, tr.528
2, 3. Hồ Chí Minh: Sđd,  tập 15, tr. 612, 665
4. Hồ Chí Minh: Sđd,  tập 7, tr. 40
5,6. Hồ Chí Minh: Sđd,  tập 13, tr. 66, 25.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay7,759
  • Tháng hiện tại254,092
  • Tổng lượt truy cập10,761,411
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây