90 năm công tác dân vận của Đảng ta

Thứ năm - 15/10/2020 05:47
Cách đây vừa tròn 90 năm, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động; Quân đội vận; Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Ngay sau đó, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 15/10/1949, chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên báo Sự thật với bút danh X.Y.Z. Vì vậy, vào tháng 10/1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”.

quan lieu 2 290 174


Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ Đại hội V của Đảng đã xác định: "Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng chẳng những không giảm bớt mà còn tăng thêm". Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, quyết tâm đổi mới toàn diên, đưa nước ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và rút ra Bốn bài học, trong đó có bài học quan trọng là “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, phải đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân”. Đến hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ra Nghị quyết 08B/NQ-HNTW “Về đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết với bốn quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới như sau: Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng;  Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Có thể nói, nghị quyết 8B là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân trong tình hình mới, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng đã chỉ rõ: Tăng cường công tác dân vận lúc này chính là tăng cường nhân tố bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) đã nhấn mạnh nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận trong xây dựng Đảng, yêu cầu tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Thực hiện các Nghị quyết từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận, đó là: Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; các Nghị quyết số 23, 24, 25, khoá IX (năm 2003) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị".
Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tình hình, làm rõ các thách thức đối với công tác dân vận trong Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và làm sâu sắc thêm 5 quan điểm, 7 nhiệm vụ nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng thời, nhiều văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận được ban hành nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được trong 90 năm qua, trước những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng càng cần tiếp tục đổi mới và tăng cường, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đội ngũ những người làm công tác dân vận của Đảng phải thường xuyên rèn luyện về bản lĩnh, ý chí, trau dồi phẩm chất đạo đức, phong cách công tác trong phong trào cách mạng của nhân dân và trong thực tiễn của cuộc sống. Người cán bộ dân vận phải thực sự thấm nhuần phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực sự “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

 

Tác giả: ThS. Trần Thị Thuý Hường - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay7,940
  • Tháng hiện tại254,273
  • Tổng lượt truy cập10,761,592
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây