PHÁT HUY BÀI HỌC GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
Thứ ba - 24/03/2020 04:07
Đinh Quốc Thị
Tỉnh ủy viên - Hiệu Trưởng TCT Trần Phú
Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là nguyên tắc phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhận thức và thực hành tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề của đời sống, xã hội. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng (khóa XI) đã xác định: "Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm sáng tỏ một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước".
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta nói chung và các đồng chí lãnh tụ của Đảng đã luôn luôn quán triệt và thực hành đúng đắn nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, từ đó đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước trong từng giai đoạn, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là một trong những tấm gương tiêu biểu về thực hành nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Việc nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy bài học về gắn lý luận với thực tiễn của đồng chí Trần Phú vào công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của trường chính trị tỉnh là hết sức cần thiết để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới, nhất là trong tình hình mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng bị suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống.
1. Trước hết Đồng chí Trần Phú là tấm gương về say mê học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức lý luận.
Là người có tư chất thông minh, giàu lòng yêu nước, khi đang là học sinh, rồi sau đó là giáo viên dạy ở trường Cao Xuân Dục (vinh) đã phải chứng kiến cảnh thống khổ của quần chúng cần lao Trần phú rất khát khao tìm cách cứu nước, cứu dân khỏi sự khổ ải, bần cùng. Vì vậy, Trần Phú đã tích cực tìm kiếm nghiên cứu các tài liệu, tin tức từ nước ngoài được truyền về nước. Với tinh thần yêu nước ấy, ngày 14/7/1925 Trần Phú đã cùng những người bạn cũ cũng có tinh thần yêu nước, lập ra một tổ chức yêu nước lấy tên là Hội Phục Hưng Việt nam, gọi tắt là Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam), để truyền bá tư tưởng yêu nước, đoàn kết tập hợp các lực lượng yêu nước đánh đuổi giặc Pháp, lật đổ bọn vua quan bán nước, đưa lại độc lập cho dân tộc và no ấm cho nhân dân lao động. Là một tổ chức yêu nước, mặc dù Hội đã tích cực hoạt động và lực lượng của Hội ngày càng phát triển, trở thành mối lo của Thực dân Pháp, nhưng vẫn còn lúng túng chưa biết cách mạng phải làm như thế nào để thành công, nói cách khác là vẫn chưa có một lý luận khoa học, chân chính dẫn đường. Trong lúc còn lúng túng thì một cơ hội quan trọng đã đến, giữa năm 1926, sau khi bắt được liên lạc với Hội Việt nam cách mạng thanh niên, Trần Phú cùng một số hội viên của Hội Hưng Nam được cử sang Trung Quốc để gặp Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để bàn chuyện hợp nhất. Tại đây, Trần Phú được tham dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Qua lớp huấn luyện, bước đầu Trần Phú được tiếp thu những vấn đề cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản và những tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam như:
- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó phải tập hợp quần chúng lại.
- Cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Mácxít - Lêninnít lãnh đạo.
- Cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới và sau khi thắng lợi phải tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói, đây là bước ngoặt trong nhận thức của Trần Phú về con đường cách mạng. Với những nhận thức mặc dầu còn ít ỏi và rất mới mẻ ấy, Trần Phú đã trở về nước tích cực tuyên truyền quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và của Nguyễn Ái Quốc, từ đó ra sức vận động hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Với khát khao cứu nước và hăng hái trong phong trào yêu nước, Trần Phú đã được Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên cử sang Mátxitcơva học lý luận tại Trường Đại học Phương Đông (1927 - 1929). Tại đây, mặc dù sức khỏe có phần hạn chế nhưng Trần Phú đã nổ lực học tập, nghiên cứu, đồng chí được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Bôn Sê Vích Nga, được bầu làm Bí thư chi bộ những người cộng sản Việt Nam đang học tại trường Đại học Phương Đông. Trần Phú đã được tiếp thu một cách có hệ thống và bài bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, về lịch sử phong trào cách mạng thế giới, về phong trào công nhân và công đoàn, về lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô; từ đó, càng làm cho nhận thức của Trần Phú về con đường cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. Bản Luận cương chính trị của Đảng đo đồng chí Trần Phú khởi thảo và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ta trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là minh chứng cho kết quả của sự miệt mài nghiên cứu nắm vững lý luận Mác - Lênin để vận dụng vào hoàn cảnh cách mạng việt Nam
2. Là tấm gương về sự sâu sát thực tế, gắn bó với phong trào, vận dụng lý luận giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra và tích cực tổng kết thực tiễn đề điều chỉnh bổ sung phát triển chủ trương, đường lối.
Trước khi gặp Nguyễn Ái Quốc, xuất phát từ lòng yêu nước, chứng kiến cảnh lầm than của người dân mất nước, là thành viên của Hội Phục Việt, Trần Phú đã tích cực hoạt động nhằm tập hợp đông đảo lực lượng để cứu nước, cứu dân. Chính sự trăn trở, lăn lộn, nhiệt huyết với phong trào đấu tranh của nhân dân lao động, sự khát khao tìm cách giải phóng dân tộc đã tạo cho Trần Phú có cơ hội được được gặp Nguyễn Ái Quốc, được tiếp thu lý luận Mác - Lênin và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam.
Sau khi được tiếp thu lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng vô sản của Quốc tế Cộng sản tại đại học Phương Đông. Cuối năm 1929, mặc dù biết chính quyền thực dân Pháp và phong kiến trong nước đã kết án tử hình vắng mặt nhưng đồng chí đã hăng hái trở về nước để bám sát phong trào và tổ chức hoạt động. Tháng 4 - 1930 khi về đến Việt Nam, để nắm bắt tình hình phong trào đấu tranh trong nước, tháng 5 - 1930 đồng chí tiến hành việc khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thái bình, Hải Phòng, Hòn Gai, cùng với việc nghe các đồng chí trong tổ chức báo cáo, trao đổi tình hình đồng chí còn dự sinh hoạt với chi bộ công nhân nhà máy sợi. Thàng 7-1930 đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời và được phân công dự thảo Luận cương chính trị, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất vào tháng 10 - 1930. Bản Luận cương chính trị, do Trần Phú khởi thảo, trên cơ sở những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và phân tích đánh giá sâu sắc tình hình thế giới, tình hình cách mạng Đông Dương đã xác định "Cách mạng thế giới và cách mạng Đông Dương rất có quan hệ với nhau"(1), nghĩa là phải đặt cách mạng Đông Dương trong mối quan hệ với cách mạng thế giới. Đông Dương Phải làm cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó "Vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được"(2), để cách mạng thành công phải có Đảng lãnh đạo "Điều cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỹ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng… Lấy chủ nghĩa Các mác và Lê nin làm gốc"(3). Luận cương đã xác định rõ nhiệm vụ của cách mạng là: "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ, lập chính Phủ công nông, lập quân đội công nông …"(4); Về "cách đấu tranh", Luận cương đã chỉ rõ "Trong lúc định chiến lược, Đảng phải xét kỹ tình hình trong nước và ngoài thế giới, sức mạnh của địch nhân, sức đấu tranh của quần chúng, thái độ các hạng người đối với cách mạng…vv mà định ra chiến lược để lãnh đạo cho quần chúng đấu tranh"(5)
Như vậy, loại trừ những hạn chế mang tính chất lịch sử thì bản Luận cương là bằng chứng hùng hồn về thực hành tính thống nhất giữa lý luận với thực tiễn ở đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng .
Một biểu hiện hết sức sức sinh động của sự gắn lý luận với thực tiễn ở đồng chí Trần phú đó là bám sát thực tiễn phong trào để chỉ đạo thực hiện, rút kinh nghiệm bổ sung hoàn thiện chủ trương.
Như đã nói ở trên, tại hội Nghị Trung ương lần thứ nhất, Bản Luận cương do đồng chí Trần Phú khởi thảo không tránh khỏi những hạn chế có tính chất lịch sử, tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo, với trọng trách là Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã chỉ đạo thực tiễn rất sát sao. Trên cơ sở phân tích đánh giá kịp thời tình hình đang diễn ra rất nhanh chóng, đồng chí Trần Phú và Trung ương đã kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế về nhận thức trước đó như: khi đánh giá về vai trò các lực lượng cách mạng, Luận cương chưa đánh giá đúng tính chất mâu thuẫn giữa Thực dân Pháp với Trung, tiểu địa chủ, cũng như chưa thấy hết vai trò của tư bản bổn xứ, tiểu tư sản dân tộc vì vậy cho nên chưa tìm cách lôi kéo tận dụng họ phục vụ cho cách mạng trên tinh thần dân tộc, nhưng sau một thời gian tổ chức lãnh đạo phong trào thì nhận thức đã được điều chỉnh. Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập "Hội phản đế đồng minh" ngày 18/11/1930 đã xác định rõ: "Giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng tư sản dân quyền ở Đông dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mạt trận chống đế quốc và phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ; "kín" là đặt để công nông trong bức thành dân tộc phản đế bao la)"(6), Chỉ thị còn nêu rõ "Trong chính cương sách lược đã đề ra phản đế và điền địa là song song thì tổ chức phản đế đồng minh là đúng và cần"(7), chỉ thị cũng xác nhận một sự thật là ở Nghệ Tĩnh: "Các tầng lớp trí thức, một số sỹ phu, một số trung tiểu địa chủ lại có xu hướng cách mạng rõ ràng"(8), "Giai cấp tư sản nhỏ… như buôn bán làm ăn khá giả đều có ý thức, xu hướng cách mạng"(9). việc khắc phục thiếu sót trong nhận thức của Đảng còn được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung kỳ ngày 20/5/1931, uốn nắn cách làm lệch lạc của Xứ ủy Trung kỳ, lúc này đồng chí Trần Phú đã bị bắt nhưng việc thanh Đảng ở Trung kỳ đã diễn ra trước lúc đồng chí bị bắt vì vậy thư của Trung ương là phải trên tinh thần quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc phát hiện sai lầm tại Trung kỳ .
3. Nghiên cứu phát huy bài học gắn lý luận với thực tiễn của đồng chí Trần Phú trong công tác đào tạo chúng ta cần tập trung giải quyết các vấn đề sau.
Thứ nhất, phải tập trung khắc phục bệnh chủ nghĩa kinh nghiệm của học viên. Đối tượng học viên của trường chính trị tỉnh là cán bộ cơ sở, cán bộ công chức, viên chức các cấp có nhiều trải nghiệm thực tế nhưng chưa được đào tạo nhiều về lý luận nên thường làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm; mà đã làm theo kinh nghiệm thì có việc được, việc không được, mang tính tản mạn, vụn vặt, chủ quan, thực dụng, thiếu chiến lược, dễ làm khó bỏ, dẫn đến lãng phí nguồn lực, mất niềm tin của nhân dân, do đó phải tập trung khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm. Muốn làm được điều đó, trước hết phải khắc phục bệnh xem thường việc học tập lý luận với nhiều lý do khác nhau. Phải xây dựng sự say mê nghiên cứu, học tập lý luận trên tinh thần "học để làm việc, làm người, làm cán bộ" (10). Phải tập trung khắc phục tình trạng cán bộ đi học nhưng không có động cơ đúng, một số người đi học là để có bằng nhằm hợp lý hóa tiêu chuẩn chức danh dẫn đến không có kết quả.
Thứ hai, gắn lý luận với thực tiễn trong công tác đào tạo, đòi hỏi việc xác định mục tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, của phong trào và nhu cầu của cán bộ. Nhà trường phải đánh giá đúng tình hình, muốn vậy phải phối hợp tốt với cấp ủy các địa phương, các cơ quan quản lý cán bộ công chức, các ban ngành đoàn thể để tiến hành khảo sát, đồng thời phải tích cực tham gia tổng kết thực tiễn để phát hiện lỗ hổng, phát hiện nhu cầu của phong trào, của cán bộ để lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát đúng.
Thứ ba, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm và phục vụ thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong quá trình giảng dạy giáo viên cần cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của địa phương vào bài giảng. Cùng với việc thực hiện chương trình quy định, theo yêu cầu nhiệm vụ điạ phương nhà trường phải bổ sung vào chương trình đào tạo những nội dung thiết thực đáp ứng yêu cầu của cán bộ công chức; mời lãnh đạo tỉnh, huyện báo cáo các chuyên đề kinh tế - xã hội địa phương; Trong giảng dạy trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tự do tư tưởng, giảng viên cần nêu lên những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra để hướng dẫn học viên thảo luận và lý giải trên tinh thần những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm định hướng của Đảng. Như vậy học lý luận chính là học cái linh hồn, phương pháp nhận thức để giải quyết vấn đề thực tiễn chứ không phải học thuộc lòng lý luận.
Thứ tư, để gắn liền lý luận với thực tiễn trong đào tạo, nhà trường phải tổ chức tốt công tác nghiên cứu thực tế cho giáo viên, học viên. Việc tổ chức nghiên cứu thực tế phải được tổ chức chặt chẽ có địa chỉ, mục đích nghiên cứu rõ ràng, trước khi đi nghiên cứu phải khảo sát, xác định rõ mục đích yêu cầu, để sau khi đi nghiên cứu mỗi người phải rút ra được kết luận về nguyên nhân thành công, chưa thành công và đề xuất phương án giải quyết của mình đối với những vấn đề đang đặt ra.
Gắn lý luận với thực tiễn, bám sát thực tiễn, bám sát phong trào để xây dựng và hình thành đường lối, điều chỉnh bổ sung phát triển đường lối là bài học xuyên suốt của Đảng ta, mà các lãnh tụ của Đảng ta nói chung và đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng nói riêng là những tấm gương tiêu biểu, mỗi chúng ta phải luôn luôn học tập, phát huy./.
Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, H2002, tr 89; 94; 100; 95; 101; 227; 228; 229; 230