Bài học về Đại đoàn kết của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị
Thứ ba - 02/06/2020 05:29
Trong bài diễn văn nhân Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa, nhưng những lời căn dặn của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vẫn còn nguyên giá trị.
Trong những lời căn dặn ấy, có bài học về giữ gìn đoàn kết.
Hà Tĩnh, quê hương có nhiều truyền thống tốt đẹp. Đoàn kết gắn bó là truyền thống mang đậm cốt cách, giá trị con người nơi đây. Truyền thống đoàn kết như mạch nước ngầm tự nhiên, lan tỏa, chảy mãi và cố kết cư dân thành một cộng đồng bền vững, cùng nhau đấu tranh khắc phục thiên tai, cải tạo thiên nhiên, đánh đuổi kẻ thù để tồn tại và phát triển. Truyền thống ấy càng được nhân lên sức mạnh gấp bội lần trong thời đại Hồ Chí Minh, khi được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác – Lênin, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo vì độc lập, tự do của dân tộc và ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời (3/1930) là sự kết tinh của sức mạnh đoàn kết truyền thống với sức mạnh đoàn kết mới của thời đại. Với sức mạnh đó, mà nòng cốt là sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trải qua gần nửa thế kỷ (1930-1975), đánh đổi bằng những mất mát, hy sinh của biết bao cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, Đảng bộ đã lãnh đạo quân, dân đồng hành cùng dân tộc giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước, đóng góp xứng đáng vào cách mạng thế giới. Thắng lợi đó mở đầu bằng phong trào Xô Viết “rung trời chuyển đất”, rồi tiến hành Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, góp phần cùng cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một trong những bài học quý báuđược Đảng bộ rút ra sau những năm tháng tiến hành chiến tranh cách mạng là: “Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để giành thắng lợi”1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ luôn đề cao vai trò đại đoàn kết, coi đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng. Quan tâm và dành tình cảm hết sức sâu nặng cho quê hương Hà Tĩnh, Người căn dặncán bộ, đảng viên tỉnh nhà: “Phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân”. Bác vui vì “Phần đông cán bộ thì tận tụy biết gần gũi, đoàn kết dân, học hỏi dân và lãnh đạo dân thi đua làm mọi việc kháng chiến”. Bác không vui, Bác phê bình khi còn hiện tượng “Cấp trên, cấp dưới trong Đảng quan hệ chưa mật thiết”, “cán bộ trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đảng viên cũ và đảng viên mới đoàn kết kém”, “suy bì cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc...thấy người này chánh, người khác phó, bậc này cao, bậc kia thấp mà suy bì, kèn cựa...” như thế là “chưa xứng đáng với tư cách người đảng viên”, như thế là mất sự đoàn kết trong Đảng. Người chỉ bảo: Phải “đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ”, “nhất trí tuyệt đối cả tư tưởng và hành động, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác lãnh đạo toàn dân hăng hái vào trận kháng chiến đi đến thắng lợi vẻ vang”, đoàn kết trong nội bộ Đảng, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, đoàn kết nội bộ nhân dân, đoàn kết lương - giáo...Đặc biệt, ngày 15-6-1957, trong bộn bề công việc, Bác vẫn giành gần một ngày về thăm quê hương Hà Tĩnh. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bác dạy: “Phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối thống nhất”, “phải đoàn kết coi đó là gốc”. Người kết luận: “Có đoàn kết, quyết tâm tin tưởng thì việc gì cũng làm được”2.
Làm cách mạng là sự nghiệp vẻ vang nhưng lại phải trải qua không ít những thăng trầm, biến cố; không thể tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Do nhiều nguyên nhân mà trong nội bộ cấp ủy, nội bộ lãnh đạo cũng có lúc có nơi vẫn xảy ra hiện tượng mất đoàn kết, làm ảnh hưởng ít nhiều đến khối đoàn kết trong nhân dân và hạn chế đến phong trào chung! Nhưng cũng chính những lúc như vậy, tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh thực sự trở thành “cẩm nang thần kỳ”, là “mặt trời soi sáng”để Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân Hà Tĩnh châm ngòi, khai thác, khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tiếp tục giành thắng lợi mới.
Trải qua những năm tháng hợp nhất với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh, rồi tái lập tỉnh (1991), Hà Tĩnh cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH quê hương, đất nước. Trong những điều kiện mới, tinh thần đoàn kết càng có thêm thời cơ để phát huy sức mạnh của mình. Tinh thần ấy luôn bắt đầu từ trong nội bộ Đảng, tiên phong là những người đứng đầu, là đội ngũ cán bộ, đảng viên, để từ đólàm gương và tạo sức lan tỏa trong nội bộ nhân dân. Đoàn kết trên - dưới, trong - ngoài, đoàn kết lương - giáo... Như một bản giao hưởng bất tận, toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân ghi lòng tạc dạ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng đường lối lãnh đạo của Đảng, kết đoàn thành một khối; năng động, sáng tạo, mang hết trí tuệ và sức lực của mình, quyết tâm đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo với nền nông nghiệp lạc hậu, trở thành một tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, Hà Tĩnh là điểm sáng về CNH, HĐH và xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị từng bước được đổi mới. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định... Tất cả đã tạo ra thế và lực mới để Hà Tĩnh tiếp tục đi lên nhanh và bền vững.
Với tất cả lòng biết ơn và thành kính đến Bác, chúng ta có quyền tự hào khẳng định rằng: Với Hà Tĩnh, đến nay, bài học Bác dạy về đại đoàn kết vẫn còn và mãi vẹn nguyên giá trị./.
- Đảng Cộng sản Việt Nam – BCH Đảng bộ Hà Tĩnh: Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 2, Nxb CTQG, H.2011.
- Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh – Ban Tuyên giáo: Bác Hồ với Hà Tĩnh, Nxb Sự thật, H.2017.
Tác giả: Ths. Phan Bá Linh - Phó Trưởng khoa LLCS