Trường Chính trị Trần Phú - 75 năm toả sáng niềm tin
Thứ năm - 19/11/2020 22:44
ThS. ĐINH QUỐC THỊ
TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú
75 năm đồng hành cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, với bao khó khăn thử thách, nhưng cho dù ở đâu và giai đoạn cách mạng nào, Trường Chính trị Trần Phú dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban thường vụ tỉnh ủy vẫn luôn luôn giữ một vị trí quan trọng, tỏa sáng niềm tin và ngời lên sắc đỏ. Được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/10/1945, Tỉnh uỷ đã quyết định mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho 30 cán bộ Việt minh, cán bộ Ủy ban nhân dân cách mạng các huyện, các xã. Sau đó, ngày 12/12/1945, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã quyết định tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị, lấy tên là “Lớp Chính trị Trần Phú”. Từ đây, Trường Chính trị Trần Phú ra đời để đảm đương việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên.
Trong kháng chiến chống Pháp, giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, công tác huấn luyện cán bộ luôn được duy trì. Nhờ vậy, Đảng bộ Hà Tĩnh đã nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ tháng 9/1956, Trường Chính trị Trần Phú đổi tên thành “Trường Đảng Trần Phú” và đã tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần sửa sai cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nằm trên địa bàn“Vừa hậu phương - vừa tuyến lửa”, Hà Tĩnh đã trở thành trọng điểm bị đánh phá vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, nhà trường phải sơ tán nhiều lần, qua nhiều địa điểm khác nhau. Trong bom rơi đạn nổ, trong thiếu thốn khó khăn, niềm tin chiến thắng vẫn luôn ngời lên trong từng bài giảng, từng trang giáo án, góp phần làm nên sức mạnh thần kỳ của đất nước, quê hương, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất, trường mang tên “Trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh”. Trải qua 15 năm nhập tỉnh, trường đã không ngừng phấn đấu vươn lên, sát cánh kề vai cùng Đảng bộ và Nhân dân Nghệ - Tĩnh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh.
Từ năm 1991, theo yêu cầu phát triển, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập. Trong tình hình mới, để đảm đương trọng trách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.Ngày 18/11/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 95- QĐ/TU thành lập “Trường Chính trị tỉnh Hà Tĩnh” và sau đó từ ngày 20/10/2003 đến nay, trường được mang tên “Trường Chính Trị Trần Phú Hà Tĩnh”, và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà.
30 năm qua, kể từ ngày tái lâp tỉnh đến nay, trường đã tổ chức 199 lớp đào tạo, phối hợp đào tạo với 15.794 học viên, 378 lớp bồi dưỡng với 34. 967 học viên; thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp trường; phát hành gần 100 số nội san, Thông tin lý luận thực tiễn với gần 1500 bài viết, hướng dẫn hàng ngàn học viên xếp loại học tập xuất sắc, loại giỏi thực hiện hàng ngàn đề tài nghiên cứu làm khóa luận tốt nghiệp; tổ chức biên soạn Tập bài giảng tình hình nhiệm vụ địa địa phương, Bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới, tài liệu bồi dưỡng các chức danh cán bộ cấp xã.. , đồng thời tích cực tham mưu, phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng và hệ thống chính trị.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trải qua 75 năm phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, Trường Chính trị Trần Phú không ngừng lớn mạnh. Đến nay, bộ máy tổ chức nhà trường đã được sắp xếp lại, gồm: Ban giám hiệu, 2 phòng, 3 khoa với tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên là 48 người, có 44 người trong biên chế, 4 nhân viên hợp đồng phục vụ. Về trình độ chuyên môn 41/44 biên chế có trình độ đại học, trên đại học chiếm 93%, trong đó có 72,7 % (32/44người) có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 100% (32/32) giảng viên có trình độ chính trị trung cấp trở lên, trong đó cao cấp, cử nhân là 26 đồng chí. Về ngạch công chức, viên chức: có 2 chuyên viên cao cấp, 23 giảng viên chính và tương đương. Cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng tốt hơn cho các hoạt động của nhà trường. Tổ chức Đảng, đoàn thể được xây dựng ngày càng vững mạnh, dân chủ được phát huy, sự đoàn kết thống nhất trong nhà trường được cũng cố, tăng cường.
Bảy lăm năm đồng hành cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, với bao khó khăn thử thách, nhưng cho dù ở đâu và giai đoạn cách mạng nào, Trường Chính trị Trần Phú dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban thường vụ tỉnh ủy vẫn luôn luôn giữ một vị trí quan trọng, tỏa sáng niềm tin và ngời lên sắc đỏ. Được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Bây giờ có người đã ra đi, nhiều người trưởng thành nhưng ngôi trường thì vẫn cứ trẻ trung với trang giáo án và những bài học mới về lý luận và thực tiễn sau nhiều thập niên được đúc rút, tổng kết từ khói lửa chiến tranh và công cuộc đổi mới của đất nước, quê hương. Có đi qua những nơi trường sơ tán, qua những lớp học đèn dầu, những tháng ngày lặn lội, “chống trời, chống giặc”, “máu trộn mồ hôi” mới thấy hết niềm vui, hạnh phúc của những lớp học hôm nay. Thời gian khổ thiếu thốn đủ bề trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập, giờ chỉ còn trong ký ức! Mong ước được học tập nâng cao trình độ mọi mặt, được học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị đã trở thành hiện thực, nhưng mong muốn được cống hiến nhiều hơn sức lực trí tuệ cho đất nước quê hương thì vẫn luôn là khát vọng ở mỗi cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường hôm nay.
Suốt 75 năm xây dựng, trưởng thành, chắt lọc từ những thành công và chưa thành công, Trường Chính trị trần Phú đã tổng kết, rút ra nhiều bài học sâu sắc, trở thành hành trang để bước tới tương lai, đó là phải thường xuyên chăm lo xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, có đạo đức trong sáng, gỏi về chuyên môn, phong phú, nhuần nhuyễn về thực tiễn, tận tụy với công việc được giao; xây dựng đảng và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường vững mạnh; trong đào tạo, bồi dưỡng, phải gắn lý luận với thực tiễn, lấy chất lượng làm trọng; phát huy dân chủ trong giảng dạy, học tập; nêu cao tinh thần tự rèn luyện, tự học, tự nghiên cứu của học viên; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất; phối hợp có hiệu quả với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; tranh thủ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ nội vụ, Tỉnh ủy, Ban thường vụ tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu có được, thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại Hội đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đề ra, Trường Chính trị Trần Phú phải quán triệt sâu sắc các chủ trương nghị quyết, quy định của đảng, chính sách pháp luật nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh, tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả, chất lượng mọi mặt công tác; đẩy manh học tập làm theo tư tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà.
Kính thưa các đồng chí, năm tháng sẽ đi qua, nhưng những thành tích của Trường chính trị Trần Phú trong 75 xây dựng và trưởng thành sẽ mãi mãi tươi nguyên, góp phần tô thắm truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Có được niềm vui, hạnh phúc hôm nay trước hết là nhờ sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường trong suốt chặng đường cách mạng lâu dài và gian khổ. Đó cũng là kết quả lãnh đạo, dìu dắt của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh qua các thời kỳ. Tuyền thống hào hùng đó, mãi mãi là động lực tinh thần để Trường Chính trị Trần Phú tiếp tục vững bước đi lên trên con đường đổi mới, thắp sáng niềm tin trên mọi nẻo đường của đất nước, quê hương.