Vai trò của Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động của nhà nước Việt Nam

Chủ nhật - 30/08/2020 23:15
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 75 năm đã trôi qua, kể từ sự kiện lịch sử vĩ đại ấy, đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận của những người nô lệ đã trở thành người chủ đất nước và vận mệnh của mình.
Sự kiện lịch sử ấy, đồng thời đã khẳng định trong thực tế, khát vọng thiết lập một nhà nước kiểu mới – Nhà nước dân chủ, dân “là chủ” và dân “làm chủ” ở Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực. Vai trò của Người đối với sự ra đời của Nhà nước là hết sức to lớn, tư tưởng của Người về tổ chức và xây dựng Nhà nước là di sản lớn trong thời đại ngày nay.
Trước hết, Hồ Chí Minh là người lựa chọn và sáng lập ra Nhà nước. Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác - Lênin, chọn lọc, kế thừa những tinh hoa trong xây dựng nhà nước đã có trong lịch sử dân tộc và nhân loại, tư tưởng về một Nhà nước kiểu mới khác với các nhà nước kiểu cũ của Hồ Chí Minh sớm được hình thành và phát triển. Từ những tư tưởng ban đầu về xây dựng một Nhà nước dân chủ gắn với thực hiện các quyền tự do, dân chủ, các quyền con người trong “Yêu sách tám điểm” năm 1919, hơn 20 năm sau, năm 1941, trên cơ sở những tìm tòi, khảo cứu của mình, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII của Đảng, Hồ Chí Minh đã đề xuất quan điểm xây dựng Nhà nước Dân chủ nhân dân, “Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ mới không phải thuộc quyền riêng của giai cấp nào và của chung toàn dân tộc”1. Đó là mô hình nhà nước đại biểu cho khối đai đoàn kết của toàn thể quốc dân, nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Từ đây, ở nước ta, việc thiết kế, tổ chức Nhà nước đều quán triệt quan điểm cơ bản chỉ đạo đó. “Đây là một sáng tạo lớn về lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh và của Đảng ta”2.
Sau ngày độc lập, trong gần ¼ thế kỷ, trên cương vị là Chủ tịch nước, Nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn sâu đậm về một phong cách lãnh đạo Nhà nước, trở thành chuẩn mực cho các thế hệ lãnh đạo sau này.
Thứ hai, Hồ Chí Minh là người khơi nguồn cho truyền thống dân chủ hiện đại ở Việt Nam, đã làm cho dân ta được hưởng các quyền tự do, dân chủ, hướng dẫn nhân dân làm chủ và thực hành dân chủ. Ngay từ khi chỉ thị thành lập Khu giải phóng năm 1945 – hình ảnh “nước Việt Nam mới phôi thai”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập dượt để nhân dân cầm chính quyền. Sau ngày giành chính quyền, nhất quán và xuyên suốt trong tư duy và hành động của Người vẫn là xây dựng Nhà nước dân chủ, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
 Là Nhà nước của dân vì dân “là chủ”, dân là người có địa vị, quyền lực cao nhất: “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”3; dân có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, dân tộc. Toàn bộ nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là công bộc, đầy tớ của nhân dân: “Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất”4.
Là Nhà nước do dân vì dân “làm chủ”, Nhà nước do dân “cử” ra; dân có quyền bãi miễn; có quyền phê bình, kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra “Chính phủ ta là Chính phủ nhân dân chỉ có một mục đích là ra sức phục vụ lợi ích của dân, Chính phủ rất mong muốn đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”5. Đặc biệt, vì dân “làm chủ”, bên cạnh quyền, dân còn phải biết phát huy năng lực, bổn phận và trách nhiệm của mình, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc đổi mới và xây dựng là trách nhiệm của nhân dân6. “Đây chính là sự thống nhất biện chứng của cả quyền và nghĩa vụ làm chủ; đồng thời thể hiện bản chất dân chủ triệt để của Nhà nước kiểu mới7trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là Nhà nước của dân, do dân thì tất yếu Nhà nước đó phải vì dân. Theo Hồ Chí Minh: “Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”, mọi công tác chính quyền phải vì mưu cầu quyền lợi hạnh phúc cho nhân dân: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"8. Muốn vậy, Nhà nước phải thật sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, v.v…
unnamed

Điều căn bản của một chế độ dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người cho rằng, Nhà nước ta phải phát huy dân chủ, phải làm cho việc thực hành dân chủ được thể hiện và thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội vì “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”9.
Thứ ba, Hồ Chí Minh đã xác lập các cơ sở, nền móng pháp lý tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta, nhất là việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.  Nhận thức rõ vị trí, vai trò của pháp quyền trong điều hành và quản lý xã hội, từ những năm 20 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã yêu cầu: "Bảy xin Hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"11. Theo đó, mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống theo Hồ Chí Minh đều chịu sự chi phối của pháp luật. Pháp luật là cơ sở đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Một trong sáu nhiệm vụ cấp bách mà Hồ Chí Minh đề ra với Chính phủ sau ngày thành lập là: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm, càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”12. Và trên cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vừa là nhà lập pháp, đồng thời là nhà hành pháp có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp  ở nước ta, đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, qua đó hình thành một thể chế bộ máy nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền kiểu mới.
Điều trăn trở của Hồ Chí Minh là làm thế nào để nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu quả và thực sự vì dân. Người luôn yêu cầu luật pháp phải dựa hẳn vào lực lượng nhân dân, lực lượng lao động làm nền tảng. Đó là nội dung quyết định bản chất luật pháp của Nhà nước ta và luật pháp của chúng ta dựa vào đó để xây dựng. Pháp luật là phương tiện để xây dựng và củng cố Nhà nước để đi đến mục đích cuối cùng là hiệu quả quản lý xã hội, làm cho đất nước ngày càng tăng trưởng, ổn định chính trị, kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng cao. Đây chính là tính định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong thực thi pháp luật, Hồ Chí Minh yêu cầu phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, bình đẳng; phải kết hợp chặt chẽ giữa “đức trị” và “pháp trị”, giữa “xây” và “chống”, không được coi nhẹ mặt nào… Muốn vậy thì Nhà nước phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”13. Nhưng “Đảng cầm quyền” chứ không phải đảng trị, do đó, mọi cán bộ, đảng viên, công chức phải biết tôn trọng Nhà nước; phải vừa có đức, có tài, tận tâm, tận lực suốt đời phục vụ nhân dân, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
Về mặt tổ chức, Hồ Chí Minh đề ra phương châm xây dựng một bộ máy gọn, nhẹ, có cơ cấu hợp lý, có khả năng bao quát và giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước: Quốc hội thành cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện ý chí, nguyện vọng của toàn dân; Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, thực sự mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Xây dựng một nền hành chính quốc gia thống nhất trên nền tảng dân chủ, hiện đại; xây dựng một bộ máy tư pháp có tính độc lập tương đối, dân chủ, hiện đại, xét xử công bằng theo luật. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã, vì đó là tế bào hạt nhân cấu thành mạng lưới tổ chức nhà nước, là nền tảng của mọi công tác chính quyền. Cùng với xây dựng bộ máy, Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước lấy đạo đức công vụ làm “gốc”, có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, biết quản lý nhà nước, thành thạo nghiệp vụ hành chính…Hồ Chí Minh rất kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật và trừng trị nghiêm khắc những cán bộ, công chức vi phạm, dù người đó ở cương vị nào. Ngay khi Nhà nước mới ra đời, Người đã ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẻ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 21-1-1946, Người ký lại “Quốc lệnh” khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tôi tử hình và nói rõ “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Trong trả lời chất vấn Quốc hội vào năm 1946, Người nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẻ trừng trị cho kỳ hết”.
75 năm đã qua kể từ ngày Hồ Chí Minh khai sinh ra Nhà nước. Từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, nội dung nhiệm vụ của Nhà nước tuy có sự khác nhau, song bản chất vẫn là Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Trong giai đoạn lịch sử mới, sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh. Để tranh thủ nắm lấy vận hội, vượt qua nguy cơ, thách thức đưa sự nghiệp xây dựng đất nước giành thắng lợi theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta phải không ngừng hoàn thiện, thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực.
Kế thừa, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chí Minh trong xây dựng, tổ chức Nhà nước, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bảo đảm Nhà nước ta thực sự của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo”14. Tập trung thực hiện tốt cải cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa;  Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cải cách bộ máy hành chính.
Năm tháng trôi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân còn sống mãi. Lịch sử đã, đang và mãi mãi nghi nhận những đóng góp to lớn, vai trò quan trọng của Người đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

                                                                                   Th.S Phan Bá Linh
                                                                  Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở
  

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXb CTQG. H2000, t7, tr.114
2,7 HVCTQG Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, H.2017, tr.403, 411
3,6   Hồ Chí Minh : Toàn tập, NXBCTQG-ST, H.2011, tập 6, tr. 232, 232
4 Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 6434
5Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 81
8, 12   Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 65, 7
9,11 Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.XX, 473
13  Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 622
14 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXb CTQG. H.2011, t7, tr.246


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay13,217
  • Tháng hiện tại282,247
  • Tổng lượt truy cập10,378,829
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây