ĐẢNG BỘ HÀ TĨNH PHÁT HUY TINH THẦN CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Thứ ba - 24/03/2020 04:11
Đinh Quốc Thị
 TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú

Đồng chí Trần Phú - Người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta, đã có những cống hiến to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam.Trước hết là những đóng góp to lớn trong việc xây dựng lý luận về cách mạng Việt Nam, về xây dựng Đảng, về xây dựng lực lượng cách mạng và đường lối vận động nhân dân.
Từ sự thông minh và nhạy cảm về chính trị của mình, đồng chí đã sớm có nhận thức sâu sắc: muốn làm cách mạng phải có lý luận cách mạng soi đường, mà đó là lý luận Mác - Lênin, từ đó đã trở thành tấm gương tiêu biểu, say mê trong việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị. Động cơ học tập là để làm cách mạng, cứu nước, cứu dân; thái độ và phương châm học tập là gắn lý luận với thực tiễn. Khi được Quốc tế cộng sản và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước để trực tiếp hoạt động, đồng chí đã nhanh chóng xâm nhập thực tiễn phong trào cách mạng, tìm hiểu về tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng và nghiên cứu vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và các chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc (Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và trong các bài giảng của Bác mà đồng chí được tiếp cận) để phân tích, đánh giá tình hình cách mạng Việt Nam, những đặc điểm riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam; những yếu kém, của cán bộ, đảng viên trong nhận thức về đảng và những khó khăn trong công tác lãnh đạo của Đảng, để từ đó bổ sung, hoàn thiện đường lối cho cách mạng Việt Nam. Với đồng chí Trần Phú để làm tốt công tác giáo dục chính trị, phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Xây là tổ chức các lớp bồi dưỡng, học tập và phát huy tinh thần tự học để nắm vững lý luận Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng. Chống là phải nhạy cảm, dũng cảm, kiên trì, kiên quyết bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, chỉ rõ nhận thức sai trái để khắc phục. Đồng chí Trần Phú luôn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội, tả khuynh, hữu khuynh và những nhận thức mơ hồ, lệch lạc về Đảng, nhất là về bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Niềm tin tuyệt đối vào lý luận Mác - Lênin cũng như tinh thần, phương pháp học tập lý luận, phương pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở đồng chí Trần Phú là những bài học vô cùng quý báu cho chúng ta trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Quán triệt nhận thức “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”[1] Cách mạng Việt Nam muốn thành công trước hết phải có Đảng lãnh đạo, mà Đảng ấy là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là của cả dân tộc, ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, quê hương, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, mà trước hết là tập trung huấn luyện, giáo dục nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đầu tháng 10/1945, Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Tĩnh được cấp trên chỉ định gồm 05 đồng chí, trong bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, nhưng để tạo ra sự thống nhất về chính trị và tinh thần trong toàn Đảng bộ tiến tới đại hội, ngày 20/10/1945 Tỉnh ủy lâm thời đã quyết định mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên với 30 học viên là những cán bộ Việt Minh và cán bộ của Ủy ban nhân dân cách mạng ở các huyện, Giáo viên là các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy. Đến ngày 12/12/1945, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh được tổ chức, để nhanh chóng củng cố các tổ chức Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể, Đại hội đã chủ trương đẩy mạnh công tác huấn luyện cán bộ,mở rộng đối tượng đến cán bộ nòng cốt các xã. Các lớp huấn luyện này được lấy tên là “lớp chính trị Trần Phú” và tên Trường Chính trị Trần Phú có từ đây.
Thực hiện chủ trương của Đại hội Đại biểu Đảng bộ và từ yêu cầu thực tế của địa phương, đây là thời kỳ Hà Tĩnh tập trung bố phòng, phát động các phong trào Bình dân học vụ, tăng gia sản xuất, kháng chiến kiến quốc, do đó công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ đã trở nên hết sức cấp bách, Tỉnh ủy đã phân công 01 đồng chí trực tiếp chuyên trách chăm lo công tác đào tạo huấn luyện cán bộ (đó là đồng chí Trần Bình), kể từ đó các lớp học được mở liên tục, mỗi năm 4 đến 5 lớp, mỗi lớp có 35 đến 50 học viên, thời gian học là từ 1,5 đến 2 tháng, ngoài ra còn có cả những lớp huấn luyện cấp tốc ngắn ngày (mỗi lớp 20 ngày), do điều kiện cơ sở vật chất rất khó khăn nên miếu, mạo, đình, chùa cũng thành nơi học tập. Để tạo thuận lợi cho cán bộ đi học, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức lớp học ở nhiều nơi, tại các huyện, các xã, nhờ vậy đã có hàng ngàn cán bộ được huấn luyện, đào tạo để đảm đương công việc.
Để chấn chỉnh việc tổ chức học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, ngày 30/5/1948 Tỉnh ủy đã ban hành văn bản số 444-VP/TU gửi các huyện ủy, trung đoàn ủy nhắc nhở: “Việc huấn luyện đồng chí mới, đảng viên mới chưa được đặt vấn đề. Trong các chi bộ đã có tinh thần học tập nhưng thiếu phương pháp và thiếu kiểm soát. Đề nghị mở lớp huấn luyện cho cán bộ hành chính xã”.
Sau khi học tập và sửa chữa lề lối làm việc, để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ngày 13/8/1948, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình thi đua 5 tháng cuối năm và đã đặt ra yêu cầu rất cụ thể cho công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ: “Nhiệm vụ của chúng ta phải huấn luyện được 80% trong số các đồng chí tính đến 30/12/1948 và huấn luyện tất cả các chi ủy viên chưa được huấn luyện về chương trình 7 ngày của Khu…”. Ngoài việc giao chỉ tiêu cụ thể mỗi huyện phải mở 5 lớp, mỗi lớp 50 đồng chí, Tỉnh ủy còn chỉ đạo mở 3 lớp đào tạo huấn luyện viên cho các huyện để về tự mở các lớp huấn luyện cho cán bộ, đảng viên đến tận chi bộ.
Về quản lý việc học tập, văn bản của Tỉnh ủy đã nêu rõ: “Ngoài việc huấn luyện bằng cách mở lớp, việc cần thiết đáng chú ý nhất là phải tổ chức học tập rất nề nếp, giúp cán bộ tiến kịp phong trào”. Chỉ tiêu phấn đấu sau 05 tháng thi đua huấn luyện là mỗi huyện phải có ít nhất 60% tổng số chi bộ trong toàn huyện tự động công tác được, kể cả những chi bộ đã tự động công tác từ trước”.
Ngày 19/8/1948, Tỉnh ủy lại tiếp tục có văn bản bổ sung kế hoạch huấn luyện cán bộ, đảng viên trong 5 tháng cuối năm, đặt ra yêu cầu cụ thể về số lượng cán bộ các cấp được huấn luyện, nội dung, chương trình, đồng thời tiếp tục nhắc nhở những hạn chế trong công tác huấn luyện cán bộ đó là “việc huấn luyện cán bộ Đảng có cố gắng, song huấn luyện cán bộ chính quyền lại rất hạn chế”.
Từ những kết quả của công tác huấn luyện cán bộ và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh năm 1949 ghi rõ: “Đảng càng ngày càng mạnh lên, công việc càng ngày càng nhiều, phức tạp cần có một trình độ điều khiển có nghiên cứu, có tổ chức, bao quát mọi ngành, mọi mặt, nhân dân ngày càng tiến bộ, đòi hỏi Đảng có một sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt, bởi vậy tất cả các đảng viên phải đặt việc học hỏi về văn hóa và chính trị thành nhiệm vụ tối cần thiết”. Từ đây vị trí, trọng trách lớn lao của Trường Chính trị Trần Phú tiếp tục được khẳng định, đội ngũ cán bộ, giảng viên được tăng cường, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể về chính trị, văn hóa được mở liên tục tạo thành phong trào học tập sôi nổi, rộng rãi trong toàn Đảng bộ cũng như ngoài nhân dân.
Thực hiện phát động của Trung ương về cuộc vận động đào tạo cán bộ, học tập lý luận chính trị, ngày 04/8/1949 Tỉnh ủy đã tổ chức phát động triển khai đến tận chi bộ với với ba nhiệm vụ chính: Đào tạo cán bộ (cung cấp cho nhu cầu công tác hiện tại; cung cấp cho cuộc tổng phản công sắp tới); học tập lý luận (nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho cán bộ và đảng viên; gây một phong trào học tập sôi nổi, thường xuyên, bền bỉ và liên tục trong cán bộ và đảng viên); xây dựng chi bộ (để làm cho chi bộ trong toàn tỉnh tiến tới hoàn toàn tự động; làm cho chi bộ có một nề nếp lãnh đạo và vận động quần chúng để thực hiện thi đua, chuẩn bị tổng phản công). Mục tiêu học tập là nhằm ba khẩu hiệu: “cán bộ tốt làm gì cũng được”, “học tập lý luận để chiến thắng”, “Chi bộ lãnh đạo được dân làm gì cũng xong”.
Để việc huấn luyện cán bộ đạt kết quả tốt, Tỉnh ủy đã giao cho các cấp phải chú ý tăng cường Ban Giám đốc các nhà trường, ban phụ trách việc học tập trong lớp, chú ý cung cấp đầy đủ giảng viên để các lớp học khỏi bị gián đoạn. Tỉnh ủy còn xác định cụ thể về yêu cầu đối với việc học tập lý luận là nhằm “nâng cao trình độ lý luận căn bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, trình độ văn hóa, trau dồi tư cách đạo đức cách mạng, sửa chữa tư tưởng cho toàn Đảng bộ, gây một tác phong học tập, tu dưỡng thường xuyên, bền bỉ trong đảng viên, cán bộ”.
Nhờ được chỉ đạo quyết liệt, cụ thể từ việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phân công cán bộ phụ trách nên công tác đào tạo, huấn luyện về lý luận đạt nhiều kết quả, hàng ngàn lớp học với hàng vạn cán bộ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng. Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh mở rộng từ ngày 10 đến ngày 14/12/1950 nhận định: “Phong trào học tập lý luận sôi nổi trong toàn tỉnh, nhất là ở những chi bộ cơ quan, xí nghiệp”.
Hội nghị cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và học tập lý luận đó là: “Nhìn chung, việc học tập lý luận còn nặng về hình thức và thiếu phối hợp. Chưa vận dụng được việc học tập lý luận vào thực tế để sữa chữa những sai lầm của ta về chủ trương, chính sách để bồi bổ cho trình độ lãnh đạo của Đảng”; “Cán bộ công nông vẫn còn hiện trạng khinh lý luận, chưa cố gắng học tập nên kém lý luận, cán bộ trí thức và các thành phần khác vẫn còn xa rời thực tế. Tình trạng đó ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng chưa kết hợp được lý luận và thực tế”. Từ đó, hội nghị đã xác định phải tiếp tục “Đẩy mạnh cuộc vận động học tập lý luận, đào tạo cán bộ” với yêu cầu mới: chấn chỉnh việc học tập để đảm bảo phương châm: “Vận dụng lý luận vào thực tế, đối chiếu với tư tưởng để nâng cao trình độ lãnh đạo của cán bộ, đảng viên. Phối hợp học tập trong Đảng với ngoài nhân dân”; “Nắm vững tinh thần học tập thấu đáo để nâng cao lòng tin tưởng của đảng viên với sứ mệnh của Đảng và nâng cao sự giác ngộ về lập trường Đảng”. Về hình thức học tập cần phải phát triển hình thức học tập dân chủ, để cả giảng viên và học viên cùng thảo luận đi đến thống nhất chung về nhận thức.
Bước vào giai đoạn từ 1951 - 1954, để đáp ứng nguồn cần cung cấp cán bộ cho kháng chiến, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 02/01/1951 đã quyết nghị 8 vấn đề lớn của tỉnh trong đó có vấn đề “chấn chỉnh hai trường văn hóa và chính trị” nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, theo đó Tỉnh ủy đã tăng cường cán bộ và cơ sở vật chuất cho Trường Chính trị Trần Phú để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, từ đó công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ đã đạt nhiều kết quả. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII họp từ 26/6 đến 03/7/1951 đã đánh giá: “Phong trào học tập sôi nổi, rộng rãi trong Đảng cũng như ngoài nhân dân, các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa được mở liên tiếp… Việc đào tạo cán bộ mới, bổ túc cán bộ cũ và cán bộ công nông rất được chú ý”. Đại hội cũng đã chỉ ra những yếu kém trong công tác đào tạo, huấn luyện chính trị, đặc biệt đã chỉ ra nguyên nhân yếu kém là do “Chưa kết hợp được việc học tập lý luận với phong trào thực tế, chưa gắn liền việc học tập chính sách, chủ trương của Đảng với việc kiểm thảo các chủ trương công tác trong địa phương với việc học tập chính trị nói chung với việc sữa chữa sai lầm trong Đảng bộ”. Từ đó, Đại hội đã chủ trương tiếp tục “Đẩy mạnh và gắn liền hai cuộc vận động học tập lý luận, đào tạo cán bộ và phê bình, tự phê bình.Học tập phải gắn liền sữa chữa tư tưởng.Sữa chữa tư tưởng phải gắn với kiểm thảo. Học tập và sữa chữa tư tưởng phải gắn liền với thực tế phong trào”,nhờ vậy từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và thực hiện cải cách ruộng đất, trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn, chính quyền còn non trẻ, lực lượng đảng viên, cốt cán của tỉnh còn ít, trong khi nhiệm vụ xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến lại hết sức nặng nề, nhưng Đảng bộ Hà Tĩnh đã luôn luôn tập trung cho công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác huấn luyện, đào tạo nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ từ đó đã tạo được sự thống nhất cao về chính trị và tinh thần trong toàn Đảng bộ, tạo sự thống nhất giữa Đảng và Nhân dân.
Từ 1954 - 1960, đây là thời kỳ Hà Tĩnh cùng cả nước tập trung khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà. Kết quả to lớn của cuộc vận động cải cách rộng đất đã làm cho hàng vạn nông dân trong tỉnh được giải phóng khỏi áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến; giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ, quan hệ sản xuất phong kiến bị xóa bỏ và từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới. Tuy nhiên, cải cách ruộng đất đã phạm phải một số sai lầm lớn cả trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn dẫn đến những tổn thất nặng nề, kéo dài trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng đòi hỏi phải tập trung sửa sai. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mới đang đặt ra, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng nhằm tạo ra sự thống nhất về chủ trương cũng như những biện pháp chỉ đạo thực hiện.
Công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ tiếp tục phải được đẩy mạnh. Ngày 02/2/1956 thực hiện chủ trương của Liên khu ủy, Tỉnh ủy đã có chị thị về việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở sau cải cách ruộng đất; tiếp đó ngày 16/4/1956 Tỉnh ủy tiếp tục ra chỉ thị về việc mở lớp bồi dưỡng cấp tốc cho cán bộ cơ sở xã nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ, tư tưởng, lập trường, chính sách, nề nếp lãnh đạo.
Các lớp huấn luyện, bồi dưỡng được mở liên tục và cấp bách nhưng nhà trường đã luôn luôn quán triệt đào tạo lý luận phải gắn với thực tiễn, cùng với việc học tập lý luận học viên còn được tổ chức nghiên cứu tìm hiều các điển hình về lao động, công tác, lãnh đạo tư tưởng, lề lối làm việc. Từ cuối 1956, thực hiện nghị quyết về công tác tư tưởng của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất cho Trường Chính trị Trần Phú để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ 1958 -1960, Đảng bộ Hà Tĩnh cùng cả nước tập trung lãnh đạo cải tạo Xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Thực hiện Chỉ thị 85-CT/TW về kế hoạch học tập lý luận chính trị Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, ngày 27/5/1958 Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra Thông tri số 255-TT/TU “về kế hoạch học tập lý luận Mác - Lênin về thời kỳ quá độ cho cán bộ”, mục đích là nhằm “Tăng thêm đoàn kết trong Đảng và trong hàng ngũ cách mạng trên cơ sở tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao tinh thần phấn khởi và ý chí đấu tranh cho công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thông nhất nước nhà”. Kế hoạch của Tỉnh ủy còn quy định cụ thể yêu cầu về nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện cho từng đối tượng học. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục bổ sung nhân lực và cơ sở vật chất cho Trường Chính trị Trần Phú, cho xây dựng cơ sở vật chất mới.
Từ 1961 - 1965, bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thực hiện quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III về nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (vòng 2) đã đánh giá: “Việc huấn luyện, đào tạo cán bộ về các mặt Đảng, chính quyền, chuyên môn, văn hóa được tiến hành tích cực hơn trước nhiều. Đại đa số là cán bộ thành phần công nông và cơ sở”; “Các ngành, đoàn thể đều đã tiến hành nhiều đợt huấn luyện cho cán bộ các cấp của mình”. Đại hội cũng chỉ ra yếu kém trong công tác huấn luyện lý luận chính trị: “Việc tổ chức lớp ở một số nơi chưa chặt chẽ; việc đôn đốc kiểm tra theo dõi tình hình học tập chưa thực sự được chú ý… Về lãnh đạo của một số cấp ủy chưa có sự quan tâm đúng mức”. Để phát huy những kết quả của phong trào học tập lý luận, ngày 13/2/1961 Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 09-CT/HT bổ sung kế hoạch học tập lý luận tại chức, chỉ thị yêu cầu việc đầu tiên là “Phải khắc phục biểu hiện lệch lạc như coi thường lý luận, chạy theo công tác một cách sự vụ, không đặt vấn đề học tập thành chế độ”. Do điều kiện hiện tại việc học tập trung tại trường khó khăn cho nên Tỉnh ủy đã xác định “Việc tổ chức học tại chức là hình thức chủ yếu”, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy “phải đặt việc học tập lý luận vào chương trình công tác, phải kế hoạch hóa công tác học tập, phải chú ý lãnh đạo nội dung, phương châm, phải tạo điều kiện cho công nhân viên học tập, nhất là các cán bộ lãnh đạo và chỉ đạo phải gương mẫu trong học tập và trong khi mình theo học ở lớp nào, tổ chức nào thì phải có nhiệm vụ xây dựng phong trào học tập ở đó được tốt”.
Để đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, khắc phục những yếu kém trong công tác giáo dục lý luận chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị 62-CT/TW về việc cải tiến công tác trường Đảng. Quán triệt tinh thần lãnh đạo của Trung ương và trên cơ sở thực tế của Hà Tĩnh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh tháng 8/1963 đã khẳng định nhiệm vụ tiếp tục nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và coi công tác này là “nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng”. Đại hội chỉ rõ: “Tiếp tục củng cố việc học tập lý luận tại chức, việc huấn luyện chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, củng cố Trường Đảng tỉnh, tiến hành mở các lớp huấn luyện ở huyện, bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các cấp ủy Đảng”.
Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ, hàng ngàn cán bộ thuộc các cấp, các ngành được tham gia các lớp học. Nội dung, phương pháp huấn luyện cũng luôn luôn được cải tiến, bổ sung gắn chặt với yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh. Tuy vậy, việc tổng kết thực tiễn để bổ sung vào chương trình đào tạo vẫn còn yếu, chưa xoáy sâu vào việc giải quyết những mặt yếu, khâu yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nhận thức tư tưởng.
Để phát huy các kết quả và tiếp tục khắc phục những mặt yếu kém nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục nâng cao trình độ lý luận, ngày 20/9/1963, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02 về cải tiến công tác giáo dục lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỷ thuật và văn hóa cho cán bộ trung sơ cấp và cơ sở”, đồng thời đã ra chỉ thị 02-CT/TU “về việc cải tiến và tăng cường công tác trường Đảng”, lúc này do điều kiện cụ thể của Hà Tĩnh nên Tỉnh ủy không chủ trương thành lập thêm trường Đảng đào tạo cán bộ sơ cấp mà giao cho Trường Chính trị Trần Phú phải vươn lên để đảm đương cả việc đào tạo cán bộ cơ sở và bồi dưỡng cán bộ sơ cấp. Thời kỳ này nhu cầu đào tạo cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đặt ra ngày càng cao, do đó để đáp ứng yêu cầu, Tỉnh ủy đã tiếp tục tăng cường nhân lực cho Trường Chính trị Trần Phú, đồng thời chỉ đạo tăng cường sử dụng giảng viên kiêm nhiệm là các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, các đoàn thể.
Tỉnh ủy cũng đã ra Nghị quyết số 217-NQ/NS ngày 28/11/1963 về việc thành lập Trường Chính trị tại chức, theo đó các lớp học tại chức trên toàn tỉnh sẽ chuyển về học tại Trường chính trị tại chức. Như vậy tại thời điểm này ở Hà Tĩnh đã có 2 cơ sở huấn luyện chính trị đó là Trường Đảng Trần Phú và Trường Chính trị tại chức.
Thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngày 05/8/1964 Đế quốc Mỹ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ và tiến hành bắn phá miền Bắc. Đảng bộ Hà Tĩnh lại cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ mới là chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, công tác giáo dục chính trị tiếp tục phải tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới ngày 18/6/1965 Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 20 trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo cán bộ trong tình hình mới, theo đó Trường Đảng Trần Phú cùng với các ban của Tỉnh ủy có nhiệm vụ dự thảo một chương trình huấn luyện mới và giúp Tỉnh ủy chỉ đạo các lớp học để đáp ứng tình hình nhiệm vụ thời chiến. Như vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên đã có những thay đổi nhằm đảm bảo mục tiêu “làm cho cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc tình hình đặc điểm, nhiệm vụ mới. Kiên định lập trường chính trị vững vàng trong mọi tình thế, nâng cao hơn nữa ý chí quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược.Nhận rõ phương hướng nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu trong thời kỳ mới. Nắm được nội dung chuyển hướng kinh tế, công tác tư tưởng và tổ chức trong hình hình mới”.
Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào gay go, ác liệt, để giữ vững niềm tin và tinh thần chiến đấu cho quân và dân, Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 20-CT/TU “về tăng cường giáo dục cho cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở ở nông thôn, xí nghiệp” đã xác định rõ chỉ tiêu mở lớp huấn luyện cho các huyện, các ngành và trách nhiệm của các cấp ủy, của cán bộ, đảng viên đối với việc học tập nâng cao nhận thức chính trị.
Năm 1968 chiến tranh càng ác liệt, với thủ đoạn ném bom hạn chế đế quốc Mỹ đã dồn sức hủy diệt khu vực từ Nghệ An đến Vĩnh Linh, để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ, ngày 04/11/1968 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 58-NQ/TU về mở rộng và tăng cường tổ chức Trường Đảng tỉnh, theo đó, Trường Đảng tỉnh được mở thêm 2 phân hiệu và được tăng cường thêm cán bộ lãnh đạo quản lý và giảng dạy.
Có thể nói, giai đoạn từ 1965 - 1975, nhất là trong những năm 1967 đến 1972, đây là thời kỳ vẻ vang oanh liệt của vùng đất, con người Hà Tĩnh trong trang sử chống giặc ngoại xâm. Thời kỳ mà công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể thành công đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Từ 1976, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hợp nhất, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị tiếp tục được đặt ra hết sức quan trọng đối với Đảng bộ Nghệ Tĩnh. Đến năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh tái lập, thời kỳ đầu trong bộn bề công việc và thiếu thốn khó khăn, nhưng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên vẫn được đẩy mạnh.
 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIII khai mạc từ 20 - 22/1/1992 đã xác định: “Tiếp tục bồi dưỡng nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, về kiến thức văn hóa, khoa học, công nghệ, kiến thức quản lý, về lòng yêu quê hương, có ý thức phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, chống tư tưởng bảo thủ, ỷ lại, tự ti, hẹp hòi. Xây dựng niềm tin và có lập trường kiên định vững vàng vào con đường xã hội chủ nghĩa”, “Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng phải hết sức coi trọng, kiện toàn đội ngũ làm công tác tư tưởng, lý luận, củng cố các trung tâm giáo dục chính trị và mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng”.
Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 85-QĐ/TU, ngày 4/4/1992 về thành lập và công nhận đội ngũ giảng viên kiêm chức các bộ môn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.Tiếp đó, ngày 08/4/1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 60-QĐ/TU về thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đó, các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp được mở liên tục tại các huyện. Ngoài ra để đáp ứng yêu cầu về nguồn cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp với Trường Nguyễn Ái Quốc I (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) để mở các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/W ngày 05/9/1994 của Ban Bí thư và để đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ, ngày 18/11/1995 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 95-QĐ/TU về thành lập Trường chính trị tỉnh, từ đó công tác đào tạo bồi dưỡng đã đạt nhiều kết quả, có hàng trăm lớp học và hàng ngàn cán bộ được đào tạo.
Tổng kết công tác tư tưởng 5 năm từ 1992 - 1996, Tỉnh ủy đã khẳng định: “5 năm qua trong bước thử thách lớn của thế giới và trong nước, chúng ta đã thể hiện được sự trung thành và kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thường xuyên chăm lo việc giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cộng sản chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Từ năm 1992 đến 1996 đã có 21.842 lượt đồng chí tham gia học tập, bồi dưỡng qua các trường chính trị Trung ương và địa phương. Chúng ta đã tổ chức 211 lớp lý luận chính trị với 9.844 đồng chí, mở 78 lớp Bồi dưỡng cấp ủy với 6.300 đồng chí. Qua đó góp phần đáng kể vào việc giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng”.
Từ 1996 đến 2018 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa XIV, XV, XVI, XVII, XVIII, công tác đào, bồi dưỡng lý luận chính trị đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, ngoài việc củng cố, nâng cấp, mở rộng Trường Chính trị Trần Phú, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập trung tâm Bồi dưỡng các huyện, thành phố, thị xã. Từ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên được thực hiện liên tục cho tất cả các đối tượng cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến tận chi bộ và chi đoàn, chi hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ngày 20/11/2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị Trần Phú và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã”. Ngày 15/10/2013, Ban Thường vụ Tỉnh khóa XVII đã ban hành Kết luận số 20 về tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy cấp huyện, cấp xã, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng đạt nhiều kết quả. Từ năm 1991 - 2019 chỉ tính tại Trường Chính trị Trần Phú đã đào tạo 157 lớp Trung cấp lý luận chính trị và lý luận chính trị - hành chính với 11.951 học viên; phối hợp đào tạo 13 lớp Cao cấp lý luận chính trị với 1.371 học viên; 104 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước từ cán sự đến chuyên viên chính với 7.864 học viên; tổ chức bồi dưỡng chuyên đề lý luận và chỉnh huấn cán bộ 305 lớp với 28.854 học viên. Kết quả đó đã góp phần tích cực nâng cao trình độ lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng vững mạnh.
Có thể khẳng định rằng từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã luôn quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhờ đó trải qua nhiều bước thăng trầm trong lịch sử cách mạng của Đảng và của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vẫn luôn tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vững bước trước mọi khó khăn thử thách, đoàn kết, chủ động, sáng tạo để không ngừng vươn lên góp phần cùng cả dân tộc thực hiện thành công hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đang từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương mình, khu kinh tế Vũng Áng đã trở thành một trong năm khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, kinh tế liên tục tăng trưởng, các vấn đề xã hội được giải quyết có hiệu quả, nông thôn mới đang hiện hữu, khát vọng của bao lớp người đi trước đang trở thành hiện thực, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước với cách làm sáng tạo, mạnh mẽ, quyết liệt, niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng không ngừng được nâng lên./.
 
 
[1] V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 6, tr. 30, 32.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay19,511
  • Tháng hiện tại111,965
  • Tổng lượt truy cập10,208,547
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây