Một số vấn đề về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng

Chủ nhật - 20/09/2020 09:39
Trong lịch sử 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó công tác chuẩn bị nhân sự đại hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Về việc chuyển giao thế hệ

Thời điểm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng đúng vào thời kỳ chuyển giao thế hệ“từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”(1)Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Có vấn đề cực kỳ quan trọng đó, vì rằng: Cách mạng vô sản được chia làm hai giai đoạn rõ rệt: Giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ ách thống trị của phong kiến, đế quốc, lập nên chính quyền nhân dân của chế độ mới và tiếp theo là giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước đã được giải phóng. Ở giai đoạn đầu, mặc dù đầy gian khổ, hy sinh và tổn thất vô cùng lớn, nhưng xét về thời gian thì vẫn là “hữu hạn”, tức là có thể lượng ước được tương đối chính xác thời điểm của thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười Nga, kể từ khi thành lập Đảng của giai cấp công nhân Nga năm 1898 đến khi hoàn toàn thắng lợi vào năm 1917 là 19 năm. Cách mạng Tháng Tám ở nước ta, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữ vai trò lãnh đạo đến khi thành công cũng chỉ có 15 năm... Còn nếu tính đến các cuộc chiến tranh thì chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam chỉ trong 9 năm, chiến tranh chống Mỹ, cứu nước 21 năm (cộng lại là 30 năm). Còn chiến tranh vệ quốc của Liên Xô chỉ diễn ra trong vòng 4 năm, nếu kể từ khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai đến ngày chiến thắng phát-xít (ngày 9-5-1945) cũng chỉ có 6 năm... Trong thời gian của cách mạng giải phóng dân tộc thường chỉ do một đến hai thế hệ cán bộ nối tiếp nhau giữ vai trò lãnh đạo. Bởi vậy, tính liên tục, tính kiên định, tính nhất quán đường lối cách mạng được bảo đảm chắc chắn.

Còn giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội là lâu dài, khó đoán định chính xác được đến năm, tháng nào thì cơ bản hoàn thành, phải chuyển giao nhiệm vụ qua nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và chưa định hình được mô hình chủ nghĩa xã hội hoàn chỉnh, phải vừa làm, vừa tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận kiểu “qua sông phải dò từng bước”. Trong điều kiện đó, việc chuyển giao thế hệ cán bộ lãnh đạo sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp. Nếu chuyển giao không bài bản, không tỷ mỷ, không chi tiết, không cặn kẽ, không “chọn được mặt gửi vàng” thì sẽ xuất hiện những trục trặc lớn. Đặc biệt là càng về sau các “hậu duệ” càng ít thấm nhuần những gian khổ, hy sinh, tổn thất của các thế hệ cha ông nếu họ không được giáo dục kỹ càng, không có sự hiểu biết sâu sắc lịch sử của đất nước, của dân tộc. Trong những điều kiện đó, người ta dễ “lãng quên” lịch sử, dễ lung lay bởi những cám dỗ. Ngay sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ vào năm 1991, một số vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô trước đây đã viết hồi ký, bình luận với những lời lẽ nuối tiếc, thanh minh... Nhưng biết vậy thôi chứ còn làm sao cứu vãn được nữa! Cũng ngay sau đó, Mai-cơn Đa-vít Đoi, một trí thức người Mỹ đã từng sống ở Liên Xô trước đây 16 năm, từng đi khắp 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết, có một nhận xét tinh tế rất đáng lưu tâm: “Theo tôi, những gian khổ trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã khiến rất nhiều người đi đến kết luận sai lầm rằng ở phương Tây có một con đường khác ít gian khổ hơn nhiều, khi xây dựng một thế giới “văn minh”, và sự kém hiểu biết về bản chất của chủ nghĩa tư bản đã làm cho nó trở thành sự tìm kiếm dễ dàng và là vật hy sinh cho những điều kỳ diệu của thương trường”(2). Nói lại những chuyện này là muốn lưu ý đến những sai lầm chủ quan, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của những lớp người hậu thế chịu trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, của nhân dân ở những nước mà cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công rất sớm, đã có thời gian dài xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí có nước đã trở thành cường quốc hùng mạnh... mà còn sụp đổ. Đó là bài học xương máu, rất đau đớn mà chúng ta phải hết sức quan tâm, phải luôn luôn cảnh giác và phòng ngừa. Bởi vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất”(3).

Trở lại công việc của chúng ta, làm sao để có thể chuyển giao thế hệ một cách đúng đắn nhất. Đó là vấn đề phải được xem xét, tiến hành thận trọng và bảo đảm chắc chắn nhất. Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì từ nhiều nguồn, nhưng đào tạo, giáo dục chính trị thì chủ yếu là nguồn trong nước. Đảng ta đã tiến hành đào tạo thường xuyên, liên tục qua trường, lớp, qua sinh hoạt đảng đối với tất cả các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế tiếp nhau, cả trong lý luận và cả trong hành động thực tế. Bây giờ là lúc lựa chọn cho được những người “học và hành”, “nói và làm” tốt nhất, bằng các tiêu chí cụ thể có tính chất là “thước đo” căn bản:

Thứ nhất, thế hệ nhân sự mới được chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới phải là những người kiên định, thống nhất cao độ và hành động quyết liệt trên vị trí công tác của mình, góp phần phục vụ đắc lực cho mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, đó là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Có nhận thức đúng đắn, nhiệt tình, lao tâm khổ tứ, chí thú với nhiệm vụ và trách nhiệm cao trước công việc. Kết quả công tác phải là những “sản phẩm” cụ thể, hoàn thiện, được đánh giá tốt, xuất sắc. Bảo vệ, kế tục, phát huy và phát triển được những thành quả to lớn, quý báu của các thế hệ cha anh, của các lớp người tiền nhiệm.

Thứ hai, thế hệ nhân sự mới được chuyển giao phải là những người có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt, có cuộc sống lành mạnh, trong sáng. Đặc biệt, trước hết và trên hết là bản thân phải tuyệt đối không tham nhũng; gia đình, vợ, chồng, con cái không liên quan gì đến tham nhũng, sống trong phạm vi công sức, thành quả lao động với những thu nhập hợp pháp của chính mình. Cũng phải nói thêm rằng, tham nhũng là “căn bệnh” tệ hại nhất trong xã hội. Nếu nhà tư bản thực hiện bóc lột giá trị thặng dư, họ còn phải đầu tư vốn liếng, công sức quản lý, điều hành công nhân sản xuất; còn tham nhũng thì không mảy may vốn liếng, không chút tiêu hao lao động mà thu về khối tài sản lớn, thậm chí rất lớn, cực lớn (như vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, có người một lần nhận quà biếu tới 3 triệu USD) thì đó là siêu bóc lột, trong khi Điều lệ Đảng đã chỉ rõ, đấu tranh để “không còn người bóc lột người...”.

Thứ ba, thế hệ nhân sự mới được chuyển giao phải là những người có tri thức khoa học, biết nhìn xa, trông rộng, có tầm hiểu biết sâu sắc nhiều mặt và luôn luôn tự bổ sung kiến thức, tổng kết thực tế làm giàu có thêm, phong phú hơn kinh nghiệm thực tiễn cho mình, vì trong số họ sẽ có nhiều người được tham gia cơ quan chính trị ở các cấp. Ở Ban Chấp hành Trung ương, họ có trách nhiệm tham gia, quyết định đường lối, chủ trương của Đảng; ở đảng bộ cấp tỉnh, họ có vai trò cụ thể hóa đường lối thành chương trình hành động, hoạch định những chính sách riêng, “đặc thù” phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình. Họ phải là những người có đầy đủ bản lĩnh, năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý và là người hoạt động thực tiễn có hiệu quả cao. Lại cũng phải nói thêm, trong chiến tranh, khi thủ trưởng hô “xung phong” thì tất cả các chiến sĩ đều bật dậy, xông lên như vũ bão về phía quân thù; nhưng trong chỉ đạo phát triển kinh tế thời bình (tỷ dụ, muốn cho con lợn mau lớn, củ khoai mau to, bông lúa mẩy hạt...) thì không thể sử dụng “khẩu lệnh” đó được. Phải có và phải biết ứng dụng, tích hợp nhuần nhuyễn, kiên trì nhiều vấn đề có tính quy luật về đất đai, thổ nhưỡng, về giống cây trồng, vật nuôi... mới hy vọng đạt được kết quả mong muốn... Nghĩa là đảng viên, người lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải là những người thực sự có tri thức, nhiệt huyết, có năng lực sáng tạo và hành động kiên nhẫn, quyết liệt mới đạt được mục tiêu đã định.

Thứ tư, thế hệ nhân sự mới được chuyển giao phải là những người biết giữ gìn và phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, vì đoàn kết là sức mạnh và là một truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta. Trong phạm vi quản lý, lãnh đạo, họ phải là những người quy tụ được đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trên cơ sở thực thi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của địa phương. Họ phải là hạt nhân của đoàn kết, phải biết tập hợp đội ngũ trí thức và biết sử dụng có hiệu quả “chất xám” của đội ngũ đó. Hơn thế nữa, họ còn phải biết bồi dưỡng, phát huy, nhân lên tri thức của cán bộ chuyên môn, cán bộ khoa học. Họ phải là những nhà tổ chức, quản lý, lãnh đạo có tâm, có tầm thực hiện công việc có hiệu quả nhất. Họ phải là người nắm vững và nhận xét cán bộ một cách khách quan, công minh, đúng đắn nhất; thật lòng thương mến đội ngũ lao động, cán bộ, công chức dưới quyền quản lý nói chung, biết quý trọng những người “làm được việc” nói riêng...

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII _Ảnh: TTXVN

Về nhiệm vụ và trách nhiệm lựa chọn nhân sự

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng đã đúc rút một cách súc tích, ngắn gọn và cô đọng về yêu cầu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là những người “phải vừa có Đức, vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)”(4). Từ nay đến Đại hội XIII của Đảng thời gian không còn nhiều, do đó, công tác lựa chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương là phải lựa chọn những người đã có trong quy hoạch, đã trải qua các công đoạn trước của quy hoạch (trường hợp thật đặc biệt “xuất sắc” mới bổ sung). Đây là một trong những nhiệm vụ “cốt lõi” của “cốt lõi” nên phải thực hiện cho được “4 đúng”: đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ.

1- Đánh giá đúng cán bộ

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì, đánh giá cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng và khách quan. Trong quy trình đó có nhiều công đoạn mà các chủ thể phải chịu trách nhiệm, nhưng phải đặc biệt chú ý tới bốn chủ thể ở những công đoạn đầu của quy trình, đó là: bản thân nhân sự, người giới thiệu, tổ chức đảng có nhân sự được quy hoạch và Tiểu ban Nhân sự của Đại hội. Cả bốn chủ thể này đều phải chịu trách nhiệm tuyệt đối với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong phạm vi nhiệm vụ của mình thì mới thực hiện được sự chỉ đạo nói trên. Bản thân người được quy hoạch phải báo cáo xem tài của mình như thế nào, đức của mình ra sao; quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu có thuận lợi, khó khăn gì? Bản thân tự đánh giá và xác nhận có đạt các tiêu chuẩn làm Ủy viên Trung ương không? Báo cáo của bản thân nhân sự phải bảo đảm thông tin đúng đắn, rõ ràng, chính xác và tuyệt đối trung thực.

Người giới thiệu nhân sự phải báo cáo với tổ chức đảng ít nhất ba nhóm vấn đề: Một là, về bản thân nhân sự (công việc, sinh hoạt, tư tưởng chính trị...); hai là, về những điều cơ bản của gia đình nhân sự (hoạt động của vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em nội, ngoại có ảnh hưởng đến công việc, uy tín của nhân sự như thế nào); và ba là, về quan hệ xã hội, nhất là ở nơi làm việc và ở nơi sinh sống (ở nơi làm việc có được tín nhiệm không?; ở nơi sinh sống có quan hệ tốt với tổ dân phố, bản, làng không?, ý kiến của họ thế nào, có tham gia sinh hoạt chi bộ đều đặn “hai chiều” không...?). Nhận xét, đánh giá của người giới thiệu nhân sự phải chắc chắn, dứt khoát, cụ thể và mức độ đạt được của các tiêu chuẩn phải thật rõ ràng.

Tổ chức đảng nơi có nhân sự được giới thiệu phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự Đại hội bằng cách xem xét kỹ lưỡng, chi tiết báo cáo của nhân sự và báo cáo của người giới thiệu xem tính chính xác, minh bạch, tính trung thực và mức độ đạt được tiêu chuẩn của nhân sự đến đâu? Công đoạn này lâu nay thường được biết là có nhiều khó khăn, vì có những người tuy không làm nghệ thuật, song tài nghệ “ảo thuật”, “hóa trang” lại rất siêu đẳng! Có lẽ vì thế nên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mới chỉ ra rằng, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Chỉ có tổ chức đảng “tai, mắt tinh tường”, giàu sức chiến đấu mới có thể nhìn thấu đáo, xác định được cả nội dung “bên trong” và cả hình thức thể hiện “bên ngoài” của con người (“Hồng vỏ, đỏ lòng” hay “Ngoài vỏ hồng hồng, bên trong bạc phếch”). Tiểu ban Nhân sự Đại hội, đương nhiên là người xem xét cuối cùng mức độ đạt được các tiêu chuẩn rồi quyết định và chịu trách nhiệm chính trị về việc có giới thiệu nhân sự đó ra Đại hội hay không? Các công việc trên đây vừa bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa bảo đảm phát huy dân chủ trực tiếp trong Đảng. Song, những công việc đó phải được xem xét liên tục, liên hoàn với tinh thần trách nhiệm lớn nhất của tổ chức cơ sở đảng ở mỗi cấp.

2- Lựa chọn đúng người

Lựa chọn đúng người có nghĩa là lựa chọn cho được những người có Đức, có Tài song song, trong đó Đức là gốc. Về Đức, phải thể hiện được phẩm chất qua hai tiêu chí, một là, phẩm chất chính trị, hai là, phẩm chất cá nhân. Về phẩm chất chính trị, nói cho cùng, đó là, “có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc”(5). Về phẩm chất cá nhân, nhất thiết phải có “lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”(6). Đương nhiên phẩm chất chính trị là cực kỳ quan trọng, nhưng không thể châm chước, xem nhẹ đạo đức, lối sống, sinh hoạt đời thường (một lãnh đạo cấp cao mà tham nhũng, mất đoàn kết, sinh hoạt bê tha... thì còn nói chi đến quản lý, lãnh đạo ai). Về Tài, phải đánh giá qua ba tiêu chí: kiến thức, trình độ và khả năng. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì càng phải chú ý một cách thích đáng đến chuyên môn, tri thức khoa học, trình độ nhận thức và khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành. Thời đại ngày nay, là lãnh đạo cấp cao thì chí ít phải có một chuyên môn chuyên sâu để có thể lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu lực, hiệu quả (không thể nói chính trị suông chung chung). Thực tiễn cho thấy, nếu chuyên môn càng giỏi, chỉ đạo càng có hiệu lực, hiệu quả, thì càng tô thắm thêm “vẻ đẹp” của vị thế chính trị. Lựa chọn nhân sự có Đức, Tài song song còn phải qua một cuộc kiểm nghiệm của nhân dân, đó là mức độ“được quần chúng tín nhiệm, tin cậy” đến đâu. Cuộc kiểm nghiệm đó có nghĩa là cần lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức thích hợp.

Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 _Nguồn: baonghean.vn

3- Sắp xếp đúng việc

Nói thì đơn giản, nhưng thực thi thì rất khó, cái khó lâu dần thành “khuyết tật”. Ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã chỉ ra rằng, “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” và “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng”(7)Theo lời dạy của Bác, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã khắc phục từng bước có hiệu quả tình trạng đó. Trong công tác cán bộ, vào lúc này, sắp xếp đúng người, đúng việc nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng nhân lực nói chung, nhân lực cấp cao (cấp chiến lược) nói riêng đang là vấn đề vô cùng cấp bách.

Mới đây, trong Quy định số 214, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, về Khung tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, .trong đó có chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tại Điểm 1.3. của Quy định xác định trình độ chung của các chức danh như sau: “Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp”. Còn tiêu chuẩn cụ thể của Ủy viên Trung ương, tại Điểm 2.1. đã nói rất rõ rằng, “Có kiến thức toàn diện... Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn đổi mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách...”. Tiêu chuẩn chung về lý luận chính trị, quản lý nhà nước... cơ bản là giống nhau, nhưng chuyên môn, nghiệp vụ chính, “sở trường, sở đoản” của mỗi người là khác nhau, vì trường, lớp đào tạo khác nhau, khả năng tiếp nhận kiến thức là khác nhau, do đó, kết quả đào tạo cũng khác nhau; thâm niên nghề nghiệp ngắn - dài càng khác nhau... Bởi vậy yêu cầu là phải sắp xếp đúng người, đúng việc. Trước hết là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và khắc phục tình trạng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ, “Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường”(8). Tiếp đó là tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ sớm ứng dụng, thực hành kiến thức đã có, phát huy sở trường trong môi trường quen thuộc (“thợ rèn” nhất định phải sắp xếp vào lĩnh vực cơ khí; “thợ mộc” có thể phải bố trí vào lĩnh vực chế tác lâm sản), nghĩa là phải sắp xếp cán bộ đúng với chuyên môn, nghiệp vụ mà họ được đào tạo, đã kinh qua thực tiễn.

4- Bố trí đúng chỗ

Sắp xếp cán bộ đúng việc, đúng chuyên môn, nghiệp vụ rồi, nhưng đã thật đúng chỗ chưa cũng là vấn đề lớn. Cùng là lĩnh vực nông nghiệp, nhưng có người hoạt động ở cơ sở (tổ chức thực hiện) thì tốt; có người nghiên cứu ở tầm vĩ mô lại thuận lợi hơn là tác nghiệp ở địa bàn. Công tác cán bộ ở tầm vĩ mô đã có nhiều bài học về việc này. Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một số cán bộ lãnh đạo giỏi ở lâm trường, ở xí nghiệp được điều lên lãnh đạo ngành, không lâu sau phải bố trí lại, vì không đúng sở trường nên rất khó khăn trong công việc. Ở lâm trường, xí nghiệp, hiệu quả của lãnh đạo là làm ăn có lãi, đóng góp được nhiều cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống công nhân, từng bước tái mở rộng sản xuất. Ở tầm vĩ mô (quản lý nhà nước về lĩnh vực), hiệu quả của lãnh đạo là phải có tư duy, tầm nhìn dài hạn phát triển ngành, lĩnh vực đó, tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền pháp luật, chính sách, chế độ đúng với thực tế, ăn nhập với cuộc sống, giúp cho ngành, lĩnh vực phát triển tốt, góp phần quản lý kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng. Hai loại công việc rất khác nhau, đòi hỏi tư duy khác nhau, nếu muốn bố trí lại thì phải có điều kiện, có bước đi với thời gian hợp lý (không đốt cháy giai đoạn).

Hiện nay, cán bộ cấp chiến lược đã được quy hoạch (trong quy hoạch đã tính đến nhiều yếu tố ràng buộc), trong đó có cán bộ ngành, lĩnh vực; có cán bộ địa phương, cơ sở, có cán bộ thuộc các lực lượng vũ trang. Do đó, việc bố trí đúng chỗ có phần thuận lợi hơn thời xưa khi chưa có quy hoạch. Cái khó là, mỗi cán bộ chỉ biết một, hai chuyên môn hẹp mà bộ, ngành thì đa lĩnh vực, ở địa phương cũng như ở Trung ương (khác nhau chỉ là phạm vi toàn quốc và một tỉnh, thành phố). Do đó, khi nghiên cứu “đặt chỗ” phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố khác mà Quy định số 214 đã chỉ dẫn, đó là: Có kiến thức toàn diện; có tố chất lãnh đạo, quản lý; có năng lực dự báo và xử lý hợp lý những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập và đã kinh qua hoạt động có hiệu quả trước đó. Tổng hợp các yếu tố đó với chuyên môn, nghiệp vụ đã có, chắc chắn sẽ có được phương án bố trí chỗ làm việc của nhân sự có tính khả thi cao nhất, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân./.

TS. BÙI NGỌC THANH
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

------------------------------

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 941 (5-2020), tr. 6
(2) M.Đ. Đoi: “Niềm tin bất tử vào “huyền thoại””, Báo Sự thật, Nga, ngày 12-5-1994
(3) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tlđd, tr. 4
(4) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tlđd, tr. 5
(5), (6)  Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”
(7) Hồ Chí Minh: Về vấn đề cán bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 34
(8) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tlđd, tr. 5

Nguồn tin: www.tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay11,416
  • Tháng hiện tại312,386
  • Tổng lượt truy cập10,408,968
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây