Tổng tuyển cử Quốc hội Khoá I - Dấu mốc pháp lý quan trọng của dân tộc Việt Nam

Thứ ba - 05/01/2021 04:55
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đẩu tiên ngày 6/01/1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Xây dựng nền pháp lý Việt Nam là một nội dung quan trọng mà Hồ Chí Minh đã ấp ủ và xây dựng kế hoạch khoa học và cụ thể để thực hiện trong quá trình hoạt động cách mạng, gìành độc lập dân tộc và chính quyền cho Việt Nam. Ngay từ năm 1919 trong Bản Yêu sách gửi Hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Năm 1922, trong “Việt Nam yêu cầu ca” Người khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Thực hiện Nghị quyết Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào ngày 16-8-1945 Nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, chính quyền trong cả nước đã thuộc về Nhân dân, chiều 30/8/1945 vua Bảo Đại làm lễ thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”[1]. Ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, thay mặt Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 14-SL quy định: “Trong thời hạn 2 tháng sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Tất cả công dân Việt Nam đều có quyền tuyển cử và ứng cử. Số đại biểu Quốc dân Đi hội là 300 người. Quốc dân đại biểu có toàn quyền ấn định hiến pháp cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Sẽ thành lập một Ủy ban dự thảo thể lệ tổng tuyển cử. Sẽ thành lập một Ủy ban khởi thảo hiến pháp gồm 7 người”[2]. Tiếp theo đó, Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử. Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật, 6/1/1946. 
Các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Ủy ban Nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
21baucu1 15 1

 Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Hưởng ứng lời Lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6/1/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
21baucu 3

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam đã khẳng định một dân tộc sáng suốt, dũng cảm, kiên trì đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, phá bỏ chế độ phong kiến có Đảng chính trị tiến bộ lãnh đạo nhất định sẽ dành được thắng lợi và đem lại toàn thể nhân dân quyền độc lập, quyền dân chủ “là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”[3]. Đây là bước tiến bộ mà nhiều nhà nước tiến bộ trên thế giới phải nhiều năm mới đạt được, như Tu chính số 15 Hiến pháp Hoa Kỳ thông qua ngày 03/02/1870 (sau 81 năm có Hiến pháp) mới công nhận quyền bầu cử cho tất cả các công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không phân biệt “vì lý do chủng tộc, màu da hay tiền sử nô lệ của công dân”[4]; Tu chính số 19 thông qua ngày 18/8/1920 (sau 131 năm có Hiến pháp) mới công nhận quyền bầu cử phụ nữ “Quyền bầu cử của công dân Mỹ không bị từ chối, ngăn cản bởi Liên bang hay bất kỳ tiểu bang nào vì lý do giới tính”[5].
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Lần đầu tiên dân tộc Việt Nam, đất nước hình chữ S công bố với thế giới một nhà nước có đủ tư cách pháp lý theo đúng thông lệ quốc tế, mang tính dân chủ cao về thành lập nhà nước từ Tuyên ngôn độc lập, đến bầu cử Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua Tổng tuyển cử một nhà nước hợp pháp được thành lập, được nhân dân cả nước ủng hộ, tin tưởng như Bác viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[6].
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã đi vào lịch sử không chỉ của dân tộc Việt Nam, cả các nước Đông Nam Á một nhà nước hợp pháp, hợp hiến đầu tiên được thành lập mà còn là ngọn cờ đầu các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đang bị thực dân đô hộ nhanh chóng đoàn kết xóa bỏ xiêng xích. Đến nay sau 75 năm những bài học về đấu tranh cách mạng, dành chính quyền, xây dựng nhà nước mà dấu ấn nổi bật là việc tổ chức Tổng tuyển cử vẫn còn nguyên giá trị cho cả Việt Nam và nhiều quốc gia dân tộc trên toàn thế giới./.

 
 
[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3
[2] Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945. Trích Biên niên lịch sử Chính phủ 1945 -2005, tập 1, trang 32, NXB Văn hóa thông tin.
[3] Hồ Chí Minh, Báo Cứu Quốc, số 130, ngày 31 tháng 12 năm 1945.
[4] Tiến sỹ Lê Vinh Danh, Chính sách công Hoa Kỳ, giai đoạn 1935 – 2001, trang 892, NXB Thống Kê.
[5] Tiến sỹ Lê Vinh Danh, Chính sách công Hoa Kỳ, giai đoạn 1935 – 2001, trang 893, NXB Thống Kê.
[6] Hồ Chí Minh, Báo Cứu Quốc, số 130, ngày 31 tháng 12 năm 1945.

Tác giả: ThS Hồ Thanh - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay13,217
  • Tháng hiện tại290,519
  • Tổng lượt truy cập10,387,101
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây