Đã tròn 90 năm ngày Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta - Đồng chí Trần Phú hy sinh tại Nhà thương Chợ Quán ngày 06/9/1931, ở tuổi 27, nhưng những cống hiến của đồng chí đã để lại cho Đảng ta, cách mạng Việt Nam một tấm gương người cộng sản hết mực kiên cường, trung thành, tận tụy, chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Những đóng góp của Trần Phú luôn có giá trị to lớn về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, lý luận, đạo đức, đặc biệt là tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới và đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tổng Bí Thư Trần Phú (1904 - 1931)
Sinh ngày 01/5/1904 trong gia đình có truyền thống nho học, thanh liêm, yêu nước, thương dân, căm ghét chế độ thực dân, phong kiến - cha của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ, mẹ là Hoàng Thị Cát, quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi cha từ 4 tuổi, mồ côi cả cha và và mẹ lúc 6 tuổi, nên sớm tự lập, vượt khó học tập, nuôi chí hướng tinh thần yêu nước. Trong ngày tháng học tập và làm việc với tư cách là học sinh, thầy giáo, học viên, thương nhân, thợ xây, lao công… Trần Phú đã trang bị cho cán bộ, đảng viên hệ thống lý luận cách mạng, kiên quyết đấu tranh khắc phục biểu hiện bệnh ấu trĩ, tả khuynh, hữu khuynh, nóng vội, thoái trào… đồng thời bổ sung nhiều cơ sở thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo từ chi bộ trong các khu mỏ, trường học, nhất là các vùng bị địch đàn áp… đến các cơ quan Xứ ủy và Trung ương. Qua các cuộc khảo sát, trao đổi trong các phong trào công nhân, nông dân, trí thức, ở nông thôn, đô thị… đã bổ sung những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, con đường phát triển cách mạng Việt Nam mà Đồng chí đã trình bày trong Luận cương chính trị là đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, dành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng chủ nghĩa cộng sản, đây là luận điểm thể hiện sự sáng tạo, quá trình tìm kiếm những giá trị lý luận phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của một nước bị thực dân xâm lược và chế độ thực dân nửa phong kiến. Những luận điểm của Trần Phú được thể hiện tính khoa học, hợp lý và kịp trong hoạt động chỉ đạo phong trào như tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3 năm 1931) một mặt đánh giá cao phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và trên cả nước nhất là vai trò xây dựng Đảng về tổ chức, xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, nhưng đồng thời phê phán những sai lầm tả khuynh, cô độc, hẹp hòi, tước bỏ bạn đồng minh trong thực hiện khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, làm thêm thù oán cho lực lượng cách mạng. Đây là những chỉ đạo vừa có tính thực tiễn cao tạo làn gió mới cho phát triển phong trào cách mạng, đồng thời kịp thời uốn nắn những xu hương sai lầm trong phát triển tất yếu của vận động lịch sử của cuộc đấu tranh cách dành độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước như Việt Nam.
Quá trình học tập, hoạt động, chiến đấu của đồng chí Trần Phú đã để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng nhiều bài học có giá trị về phẩm chất, tư cách người cách mạng. Với điều kiện khó khăn về gia đình Trần Phú vẫn vượt lên để học tập đỗ đầu thành chung, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… Để tự học chương trình năm thứ nhất theo kịp năm thứ hai, thứ ba của Trường Đảng dành cho những người cộng sản Phương Đông, Trần Phú đã là người quen thuộc của thư viện gần 5 vạn quyển sách và trở thành học viên suất sắc toàn khóa của Trường Đại học Phương Đông. Hoạt động trong điều kiện thực dân ráo riết khủng bố, đội mật thám theo dõi sát sao nhưng với che chở của đồng bào, đồng chí và tài năng của mình Trần Phú đã thực hiện xâm nhập thực tế, truyền bá lý luận, đánh giá tình hình cách mạng và gây dựng phong trào, tổ chức một cách mạnh mẽ. Những phân tích, đánh giá về phong trào của Trần Phú đối với phong trào nông dân, đến việc thành lập báo Cờ vô sản, Tạp chí Cộng sản, đến việc tổ chức công tác liên lạc của Đảng đã giá trị đột phá trong tư duy lý luận và phương pháp trong công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Trong nhà giam của đế quốc phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của đồng chí Trần Phú lại được thể hiện trọn vẹn trước những thủ đoạn xảo quyệt, dụ dỗ mua chuộc, đồng chí bình tĩnh và sáng suốt nói với chúng rằng: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ” và câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã là nguồn cảm hứng và niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam, cho dù con đường đó không dễ dàng với nhiều chông gai, thách thức…
Trong công cuộc dành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta có những khi khó khăn, phức tạp như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng với sự đồng thuận của Nhân dân, bản lĩnh của Đảng chúng ta đã vượt qua được tất cả. Trong đó cũng có những đóng góp của cuộc đời đấu tranh, công hiến mà đồng chí Trần Phú đã để lại như: Về công tác cán bộ: phải xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng vừa hồng, vừa chuyên, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, sáng tạo, bản lĩnh trước những gian nan, thử thách; Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phải luôn coi trọng củng cố hệ thống tổ chức cơ sở đảng, tổ chức quần chúng ủng hộ cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và lý tưởng của Đảng, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội; Về công tác lý luận phải luôn gắn lý luận với thực tiễn, luôn có tinh thần đổi mới, phát triển lý luận trên cơ sở những tổng kết, đánh giá từ thực tiễn sinh động của phát triển kinh tế - xã hội, tránh xơ cứng, rập khuôn, máy móc; Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp giữa “xây” và “chống” vừa phát huy, kiên trì ủng hộ những nhân tố tích cực điển hình, mô hình hiệu quả, đồng thời phê phán những quan điểm sai trái, đi ngược lại mục tiêu lý tưởng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh tự hào là quê hương của đồng chí Tổng bí thư Trần Phú, những năm qua phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước, đang nỗ lực trong hoàn thành các nhiệm vụ mang tính chiến lược như: công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững… để xứng đáng với sự hy sinh của anh hùng cách mạng đã ngã xuống vì một đất nước “phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Lý luận và thực tiễn của Trần Phú vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện mới nhưng trên cơ sở thực tiễn cao hơn, phức tạp hơn nên “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống...
https://daihoi13.dangcongsan.vn/tu-lieu/tong-bi-thu/dong-chi-tran-phu-108
Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam