Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và thực hiện quyền con người trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 07/12/2021 09:18
Vấn đề xuyên suốt, cốt lõi trong toàn bộ di sản Hồ Chí Minh, chi phối tư tưởng và hành động của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1.
Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân cực khổ, lầm than, quyền làm người bị khinh rẻ, chà đạp…, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, quyết chí giành lại quyền cơ bản cho con người Việt Nam.
Trên nền tảng giá trị yêu thương, quý trọng con người của dân tộc, Hồ Chí Minh lựa chọn, tiếp nhận tinh hoa của nhân loại về quyền con người. Người tán thành những quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng…mà lý thuyết phương Tây nêu ra, bởi lẽ đó là “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đồng thời, Người cũng vạch trần ở các nước thuộc địa, thì đó chỉ là các mỹ từ, châm ngôn sáo rỗng mà bọn thực dân sử dụng để che đậy tâm địa của chế độ phi nhân tính, phản nhân văn, chà đạp các giá trị làm người. “Chưa bao giờ, ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách độc ác, trơ tráo đến thế”2.
 
tai xuong

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và hiểu sâu sắc chân lý quyền con người. Chân lý ấy chỉ ra rằng, chỉ đấu tranh giành được độc lập và quyền tự quyết cho dân tộc mới có thể đem lại “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3 cho cá nhân con người. Đặc biệt, để những quyền đó được bảo đảm với những giá trị cao nhất, đầy đủ, chắc chắn nhất thì độc lập dân tộc phải phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Bởi chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất có thể giải phóng triệt để dân tộc khỏi thân phận nô lệ, bất công xã hội, bất bình đẳng giai cấp, đói nghèo và mông muội; giải phóng triệt để con người, đem lại tự do, sự ấm no và sống một đời hạnh phúc cho mọi người.
Sau Ngày độc lập, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Hồ Chí Minh đã phấn đấu hết mình, vừa không ngừng củng cố, xây dựng, mở rộng quyền con người trên mọi phương diện; vừa thể chế hóa bằng hiến pháp, pháp luật và bảo đảm, bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp năm 1946 và năm 1959 do Người làm Trưởng ban soạn thảo, các đạo luật, sắc lệnh do Người ký ban hành đã khẳng định tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về: dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bình đẳng trước pháp luật…
Về quyền dân sự - chính trị: con người được tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tài sản; quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quyền sở hữu; quyền bầu cử, ứng cử…;
Về quyền kinh tế: quyền phát triển tự do, bình đẳng của các thành phần kinh tế; quyền tư hữu tài sản của công dân; quyền đảm bảo về thu nhập, phân phối…;
 Về quyền văn hóa, xã hội: quyền có việc làm; quyền được học tập nâng cao dân trí; quyền được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; quyền được tiến hành các hoạt động văn hóa; quyền tự do ngôn luận…;
 Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: quyền của phụ nữ, quyền các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, quyền của trẻ em… Quyền con người, quyền công dân luôn gắn chặt với nghĩa vụ công dân.
Để đảm bảo thực hiện các quyền con người, theo Hồ Chí Minh phải hội tụ được các điều kiện, đó là: Kiên định con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong giải quyết vấn đề quyền con người; phát huy dân chủ; phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
images

Đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, từ khi ra đời đến nay, luôn đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng quyền con người, độc lập dân tộc và giải phóng con người, cho tự do, dân chủ, dân sinh, công bằng và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; của hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đã tạo ra những tiền đề cơ bản cần thiết để thực hiện và phát triển quyền con người một cách toàn diện.
Trong thời kỳ xây dựng và phát triển chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong sự nghiệp Đổi mới, tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc phát triển. Hiến pháp năm 2013 khẳng định Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 1, Điều 2, Điều 3). Hiến pháp đã dành Chương II với 36 điều quy định về quyền con người và nghĩa vụ công dân - Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được hưởng thụ, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình.

6v8e 5b

Sau 35 thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhận thức về con người của Đảng và Nhà nước ta “ngày càng toàn diện sâu sắc hơn”, “Phát triển con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”4. Bài học kinh nghiệm quý báu mà Đảng ta rút ra: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”5.
Cùng với cả nước, Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập “đã đạt được những kết quả có tính lịch sử; từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh dẫn đầu khu vực”6. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 95 lần; GRDP bình quân đầu người tăng hơn 100 lần, thu ngân sách nội địa tăng hơn 190 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên và “trở thành động lực nội sinh, thúc đầy sự phát triển kinh tế - xã hội”7...  Thành tựu đó là những minh chứng sinh động về sự cố gắng, n lực của Hà Tĩnh trong việc đảm bảo  mỗi người dân có thể được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người của mình, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; đó đồng thời là nền tảng vững chắc để trong những giai đoạn tiếp theo, Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển bền vững “lấy con người làm trung tâm;…khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh”8, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Trong Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000 có 8 mục tiêu. Trong đó, nhiều nội dung về quyền con người đã được Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện hơn nữa thế kỷ trước. Điều đó chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục soi sáng con đường đấu tranh bảo vệ quyền con người trong thời đại hiện nay; là nền cơ sở vững chắc để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người, đồng thời “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, quê hương phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạng con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”9.

1,3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t4, tr.187, tr.1
2    Hồ Chí Minh: Sđd, t1, tr.406
4,5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, t1, tr.65, tr.27-28, tr.336
6,7,8 Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Kỷ yếu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh - năm 2021, tr.61,91,94
9 Đảng Cộng sản Việt Nam: sđd, t2, tr.336

Tác giả: Th.S Phan Bá Linh - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay12,375
  • Tháng hiện tại278,845
  • Tổng lượt truy cập6,436,615
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây