Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cải cách hành chính nhà nước

Thứ sáu - 18/03/2022 05:30
Đổi mới hệ thống chính trị, hoạt động của Nhà nước và cải cách hành chính là vấn đề ở tất cả các quốc gia, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là phản ánh tư duy và tư tưởng tiến bộ của đảng cầm quyền. Từ lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước cho thấy tính hiệu quả của cải cách hành chính là nhằm hiện đại hoá nền hành chính, đảm bảo sự dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm, sáng tạo, phục vụ hiệu qủa, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, cải cách hành chính đã được chú trọng, cụ thể bằng Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức; Nghị quyết số 08-NQ/HNTW, ngày 23/1/1995 của BCHTW Đảng khoá VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính; Quyết định số 136/2001/-TTG, ngày 17/9/ 2001 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010; Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
20220218034848 40c42ec9bc1e7040290f

Chương trình cải cách hành chính nhà nước được cả hệ thống chính trị thống nhất ý chí, quyết tâm và hành động đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, hội nhập quốc tế: ngày càng hoàn thiện cơ chế quản lý xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với yêu cầu quan trọng của Đảng và nguyên tắc hiến định là: nền hành chính của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nâng lên rõ rệt qua công tác kiểm tra, kiểm soát, công khai, minh bạch, tăng mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp, tạo ra bước chuyển căn bản từ nền hành chính kiểm soát sang nền hành chính phục vụ. Phân cấp, phân quyền hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi đối tượng, làm rõ tính thống nhất trong tổ chức quyền lực nhà nước, đồng thời phát huy tối đa hoạt động kiểm soát quyền lực và tính dân chủ xã hội chủ nghĩa trong nền hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước được nâng lên về nhiều mặt: đạo đức, thái độ, năng lực, chuyên nghiệp… cơ chế quản lý, chính sách đãi ngộ ngày càng đáp ứng được yêu cầu quản lý hành chính nhà nước. Quản lý tài chính, ngân sách đảm bảo hiệu quả, minh bạch trong chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy sự sáng tạo, năng động và cạnh tranh trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước. Công nghệ thông tin và các mô hình quản lý mới được ứng dụng một cách đồng bộ đã hiện thực hóa tính chất phục vụ của nền hành chính, phản ánh sự đổi mới toàn diện, có chiều sâu của nền hành chính quốc gia.
Tuy nhiên, gần đây một trong các thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường xuyên nhắm đến là phủ nhận những thành quả của công cuộc cải cách hành chính, lợi dụng vào những hạn chế yếu kém trong cải cách hành chính nhà nước để thực hiện âm mưu phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xuyên tạc phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phủ định giá trị lịch sử và những thành quả, nỗ lực cải cách hành chính nhà nước. Bóp méo các sự kiện chính trị, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, thiếu đồng bộ liên quan đến nền hành chính nhà nước, suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên để hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ngành, địa phương; tuyên truyền, phụ họa một cách vô nguyên tắc, một chiều cho các cơ chế dân chủ của pháp quyền tư sản, về mô hình: “Đa nguyên, đa đảng”, “Tam quyền phân lập”, lôi kéo những người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhà nước, và nền hành chính pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1l7a7676


Cải cách hành chính nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền như: kiểm soát quyền lực, tính hiến định, dân chủ, tính phụ thuộc vào chính trị... bị chi phối mang tính đặc thù của Việt Nam là hệ thống chính trị một đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó Đảng thống nhất trong lãnh đạo công tác cải cách hành chính: quyết định mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn; xây dựng tiêu chuẩn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đảm bảo trong lãnh đạo, quản lý; tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, thống nhất hành động; đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính nhà nước. Cải cách hành chính nhà nước phải đồng bộ với các hoạt động cải cách khác như: Với bên ngoài là: cải cách chính trị (Đảng, tổ chức chính trị - xã hội…), cải cách kinh tế, văn hóa, giáo dục… Với bên trong: cải cách lập pháp, hành pháp. Đồng thời đảm bảo sự ổn định trong vận hành, phát triển chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội của đất nước, kiểm soát khó khăn, phức tạp và tránh những rủi ro, xung đột trong cải cách hành chính.
Để thực hiện mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 – 2030” [1] và để bảo vệ, phát huy giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng trong cải cách hành chính nhà nước cần thực hiện một số nội dung:
Một là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cải cách hành chính nhà nước. Thực hiện tốt vai trò của các cấp ủy Đảng lãnh đạo trong lãnh đạo, sự quản lý điều hành của chính quyền, tuyên truyền, vận động, giám sát của tổ chức chính trị - xã hội và phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Đảm bảo cải cách hành chính phải trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Hai là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về cải cách hành chính nhà nước, trong đó xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, lâu dài, thực hiện một cách đồng bộ từng bước, hiệu quả phải được xem xét toàn diện. Đúc kết các giá trị truyền thống dân tộc, các nguyên lý, nguyên tắc của Đảng ta và những thành tựu của quốc tế để đề ra chủ trương, biện pháp, mô hình cải cách hành chính phù hợp với Việt Nam.
Ba là, xây dựng chính sách, kế hoạch khoa học, hợp lý, đảm bảo sự kiên trì, sáng tạo, cầu thị, đúng nguyên tắc để thực hiện các nội dung cải cách hành chính nhà nước. Đảm bảo tạo sự đồng bộ với cải cách lập pháp, tư pháp, đổi mới hệ thống chính trị và hội nhập và phát triển đất nước. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong hiệu quả cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội đồng thời gắn với sự tiến bộ về môi trường làm việc, cơ sở vật chất, thu nhập và phát triển chính phủ điện tử trong thực hiện cải cách hành chính nhà nước.
Bốn là, thực hiện tốt cơ chế thông tin, dân vận chính quyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội, huy động đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để xã hội hóa và chuyển giao các hoạt động quản lý nhà nước. Phát huy tối đa sự phản biện, giám sát và đóng góp trí tuệ của các tổ chức, cộng đồng dân cư trong quá trình cải cách hành chính nhà nước. Tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật về những thành công và kết quả trên các nội dung cải cách hành chính nhà nước.
Năm là, làm tốt công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả trong cải cách hành chính. Thực hiện vinh danh, khen thưởng, phê bình kỷ luật để tạo động lực, sự cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị hướng tới giá trị cốt lõi để thực hiện xây dựng nền hành chính pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền hành chính “quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ” [2].
Đất nước Việt Nam đã đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khó với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" để có "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", một phần quan trọng có sự đóng góp của cải cách hành chính nhà nước. Các thế lực thù địch, cơ hội chưa bao giờ từ bỏ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận để đi tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam... Song chúng ta vững vàng, tự tin, khoa học, cầu thị trên con đường đã chọn, phải dành nguồn lực tối đa, tập trung trí tuệ để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị, tạo cơ sở hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn.

 

[1] Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

[2] Nguyễn Phú Trọng, "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Tác giả: Th.S Hồ Thanh - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay8,271
  • Tháng hiện tại247,513
  • Tổng lượt truy cập9,931,838
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây