Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ hai - 25/01/2021 10:05
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 - 10 - 2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Hiện nay, Việt Nam là nước có số lượng người sử dụng internet xếp vào hàng cao trên thế giới. Phát triển internet trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm tạo nên những bước tiến đột phá trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích do internet mang lại thì hiện nay các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng sự phát triển của internet để tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do vậy, tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên internet là một việc hết sức cấp bách, cần thiết.
Để thực hiện mục đích, thế lực thù địch đã sử dụng các hình thức: thành lập các trang website, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt qua các kênh internet như BBC, VOA, RFA, RFI Chúng thành lập hàng nghìn Blog, trang Facebook, twitter, youtube, zalo… để livestream, đăng tải các nội dung sai trái, xuyên tạc; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực tuyến hàng năm hoặc qua tiếp xúc với các cá nhân, cơ quan trong nước. Đặc biệt, hiện nay chúng lợi dụng internet để dựng lên nhiều bộ phim với việc dùng kỹ thuật và công nghệ chỉnh sửa dữ liệu để tạo bằng chứng và thông tin giả; tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, các trang hồ sơ liên quan đến các nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo,.. để bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc, vu khống các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
unnamed

Sự công kích, xuyên tạc kết thành những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch thường diễn ra ở những thời điểm nhạy cảm, diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các chuyến thăm cấp cao của đoàn Việt Nam đến các nước phương Tây.
Chỉ tính trong năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, lên danh sách, phân loại và tổ chức công tác an ninh đối với hơn 500 hội nhóm, với hơn 500.000 đối tượng tham gia trên không gian mạng có hoạt động có liên quan đến an ninh quốc gia. Hầu hết các nhóm đều do các đối tượng, tổ chức phản động lưu vong, khủng bố nước ngoài thành lập, điều hành hoạt động. Đáng chú ý một số hội nhóm đặt dưới sự điều hành quản lý của các đối tượng cốt cán thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân, Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, Triều đại Việt, BPSOS. Một số đối tượng trên địa bàn Hà Tĩnh là quản trị viên, người kiểm duyệt tham gia điều hành hoạt động của nhóm, phát tán, chia sẽ, hội luận kín, đào tạo, huấn luyện các phương thức chống trả lực lượng công an, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước.
Mục đích để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới, “nhào nặn” trộn lẫn các thông tin đúng - sai, thật - giả; đưa ra các thông tin sai lệch, định hướng dư luận bằng các luận điệu sai trái; đưa thông tin giật gân, lấp lửng để gây tâm lý bi quan, hoài nghi, hoang mang… vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Nếu không nắm bắt được bản chất của vấn đề, người tiếp xúc luận điệu xuyên tạc, tin giả hoặc dễ bị dẫn dắt theo chủ đích của kẻ xấu, rất dễ tự biến mình thành “cột thu phát” một cách vô ý thức.
Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động này cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, cấp ủy đảng các cấp cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, Nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới; vạch rõ những nội dung, đường lối chiến lược, sách lược trong cuộc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này qua đó chủ động phát hiện các hành vi sai phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, khẳng định vị thế, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước, làm cho nó có sức sống mãnh liệt và giữ vai trò chủ đạo trong đời sống của xã hội. Gắn kết chặt chẽ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt coi trọng phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch nhằm tạo “rào chắn”, tăng cường khả năng “miễn dịch”, sức “đề kháng” trước những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch.
Thứ ba, cần chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các đối tượng để kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như phát hiện các trang web, diễn đàn, blog thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp đã và đang được triển khai… để đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động nắm bắt và yêu cầu các tập đoàn truyền thông như Google, Youtube, facebook, zalo, twitter… gỡ bỏ các clip, bài viết với nội dung xuyên tạc.
dcsvn 20201030051824pm

Thứ tư, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt, tiên phong là lực lượng báo chí, truyền thông. Các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam và tính đúng đắn của con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; làm rõ cơ sở khoa học của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ phóng viên báo chí và cộng tác viên của các cơ quan báo chí, truyền thông là những “chiến sĩ xung kích” vừa là người trực tiếp đấu tranh, ngăn chặn, phản bác vừa định hướng cho công chúng phương pháp, cách thức đấu tranh, ứng phó với các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta.
Tăng cường thành lập một số chuyên trang, chuyên mục đăng tải các tin, bài đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch; xây dựng các diễn đàn mở để trao đổi, thảo luận làm rõ đúng, sai, thật, giả các ý kiến, quan điểm khác biệt, cung cấp thông tin chống phá của các thế lực thù địch. Các báo, trang thông tin điện tử phải không ngừng nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút lượng truy cập ngày càng nhiều hơn; chú trọng đổi mới, tạo ra nhiều kênh tiếp xúc khác nhau; xây dựng giao diện riêng cho điện thoại di động để dễ khai thác, tìm kiếm và chia sẽ thông tin chính thống./.                                                                                                  

Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Thảo Linh - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay13,217
  • Tháng hiện tại289,119
  • Tổng lượt truy cập10,385,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây