Chuyến tham quan, học tập thực tế đã đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc với nhiều trải nghiệm thú vị, không những giúp chúng tôi hiểu thêm về những giá trị văn hóa - lịch sử, có thêm nhiều điều bổ ích để vận dụng trong quá trình công tác của bản thân mà còn tăng thêm sự kết nối giữa các thành viên trong lớp.
Khóa 183 Trung cấp Lý luận chính trị hệ tập trung khai giảng vào giữa tháng 6 năm 2022 với 3 lớp A, B, C. Lớp 183C chúng tôi do cô giáo Nguyễn Thị Thảo Linh - Th.S, GV Khoa Lý luận cơ sở làm chủ nhiệm. Lớp có 20 thành viên đến từ nhiều đơn vị, địa phương khác nhau chủ yếu là ở độ tuổi khá trẻ và nhiều bạn công tác ở lĩnh vực đoàn thanh niên, đó cũng là một trong những yếu tố để tạo nên 183C luôn trẻ trung, năng động và sôi nổi trong tất cả các hoạt động học tập cũng như ngoại khóa.
Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị được đa số học viên quan tâm chính là tham gia học tập khảo sát thực tế. Vì vậy, ngay từ rất sớm, lớp chúng tôi đã đề cập đến nội dung này và bàn bạc khá kỹ lưỡng trên tinh thần “tập trung dân chủ”; lớp đã nhanh chóng đưa ra quyết định lựa chọn Quảng Trị và Huế sẽ là điểm đến cho chuyến học tập khảo sát thực tế vào tháng 11.
Huế là vùng đất của truyền thống và văn hóa, ngoài nét cổ kính, sự trầm lắng thì Huế cũng có rất nhiều điểm đến mới lạ để chúng tôi tham quan học tập và trải nghiệm. Quảng Trị là một vùng đất lịch sử. Bản thân là một viên chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tôi cũng đã từng đến Quảng Trị, Huế rất nhiều lần nhưng có lẽ với tôi chuyến tham quan thực tế trong chương trình Trung cấp Lý luận chính trị lần này thực sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa và rất đáng nhớ.
Theo lịch trình, 7h00 sáng ngày 26/11, xe của Công ty lữ hành quốc tế Thành Sen đón đoàn chúng tôi tại Trường Chính trị Trần Phú. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Thành cổ Quảng Tr ị- Một di tích quốc gia đặc biệt nằm tại Thị xã Quảng Trị.Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương, Vĩ tuyến 17… là những chủ đề được nhiều giảng viên Trường Chính trị Trần Phú đề cập đến trong những bài giảng liên quan đến lịch sử của dân tộc, đó cũng là một trong những lí do để chúng tôi chọn Thành cổ là điểm đến cho chuyến đi thực tế này.
Tham quan Thành Cổ Quảng Trị
Lần thứ 2 trở lại Thành cổ Quảng Trị với tôi vẫn là những cảm xúc rất đỗi thiêng liêng và đầy xúc động. Đoàn chúng tôi theo chân hướng dẫn viên bước nhẹ từng bước vào Thành cổ, dường như không ai bảo ai, nhưng mỗi chúng tôi tự hiểu dưới những tấc đất ấy là biết bao xương máu của những anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống. Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng” (Phạm Đình Lân).
Thành cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc thành lũy cổ nằm bên dòng sông Thạch Hãn. Suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương mà còn có vị trí quan trọng đối với tiến trình phát triển của dân tộc. Cuộc chiến 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) giữ thành đầy khốc liệt là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu. Trong 81 ngày đêm đó để chiếm lại thành cổ Quảng Trị và cả thị xã Quảng Trị, Mỹ đã ném xuống đây 328 nghìn tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước.
Thắp một nén tâm hương, thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, mỗi chúng tôi đều không khỏi giấu được cảm xúc bồi hồi khó tả với lòng biết ơn vô hạn. Những câu nhắn nhủ cuối cùng trong bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết về cho mẹ “Thôi Mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc” vẫn còn đọng lại trong tôi, nhắc nhở bản thân phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh để chúng ta được sinh ra trong thời bình như ngày hôm nay.
Rời Quảng Trị, chúng tôi đến với cố đô Huế thơ mộng. Điểm đến chính trong chuyến đi thực tế là Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp đoàn chúng tôi là Anh Trần Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm. Trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operation Center - IOC) được ví như "bộ não số" của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực. Đến nay đã có hơn 30 tỉnh, thành phố đã triển khai IOC, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương sớm quan tâm, triển khai mô hình này và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, là điểm tham quan học tập của nhiều địa phương khác trên cả nước.
Tham quan, tìm hiểu Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua lời giới thiệu của Anh Hiếu cho biết hiện có hơn 20 dịch vụ đô thị thông minh đang triển khai và vận hành tại Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. Một trong những chức năng “ấn tượng” nhất với tôi là chức năng giám sát phản ánh hiện trường. Trong quá trình triển khai chức năng này, Trung tâm rất chú trọng đến khâu tuyên truyền để người dân có thể tiếp cận, cùng biết, cùng tham gia và phối hợp trong việc xử lý các vấn đề đang xảy ra trên địa bàn mình sinh sống hoặc bất kỳ vấn đề nào gặp phải, đơn giản như đoạn đường này bị xuống cấp, vứt rác không đúng nơi quy định, đặt cây cảnh lấn chiếm lòng lề đường… Mỗi người dân sẽ được Trung tâm hỗ trợ tạo 1 mã cá nhân riêng và có thể gửi phản ánh bất kỳ lúc nào, Trung tâm sẽ tiếp nhận qua đường dây nóng, zalo, email.. và phối hợp với các ban, ngành liên quan để xử lý kịp thời. Đây được xem là kênh phản ánh có tính tức thời, hữu ích và được nhiều người dân quan tâm. Có thể thấy, đây là một điểm tham quan học tập rất thiết thực và bổ ích trong chuyến hành trình của 183C.
Tham quan đầm Phá Tam Giang
Điểm đến tiếp theo tạo cho chúng tôi sự hứng khởi và cũng là điểm mà chúng tôi mong chờ nhất trong chuyến đi, bởi có lẽ đây là lần đầu tiên các thành viên trong đoàn được đặt chân đến, đó chính là đầm phá Tam Giang. Nơi đây được đánh giá là hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á với vẻ đẹp mộc mạc hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn. Thời tiết khá ủng hộ chúng tôi khi đoàn đến Tam Giang trong tiết trời trong xanh và có nắng nhẹ, khung cảnh khá là nên thơ. Chúng tôi được bố trí 2 người lên 1 thuyền Sup, tự chèo thuyền khám phá hệ thống lạch phá Tam Giang, băng qua những rừng ngập mặn sau đó lên một điểm dừng chân để thưởng thức “con Trìa” được người dân đánh bắt ngay tại đầm phá này. Đoạn đường chúng tôi di chuyển đi và về tầm hơn 2km, ban đầu chưa quen cách điều khiển thuyền nên khá là khó khăn trong việc di chuyển, nhưng càng đi chúng tôi càng thuần thục. Không khí của chuyến đi luôn rạo rực, tràn ngập tiếng hát, tiếng cười…
Ngoài những điểm đến này, chúng tôi còn được tham quan một số điểm tại Huế như Đại Nội, Chùa Thiên Mụ, nghe hò Huế trên sông Hương và thưởng thức nhiều món ăn mang đặc trưng xứ Huế.
Tham quan, tìm hiểu Cố đô Huế
Chuyến tham quan, học tập thực tế tại Quảng Trị - Huế đã đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc thật đặc biệt với nhiều trải nghiệm thú vị. Chuyến đi không những giúp chúng tôi hiểu thêm về những giá trị văn hóa - lịch sử, có thêm nhiều điều bổ ích để vận dụng trong quá trình công tác của bản thân mà còn tăng thêm sự kết nối giữa các thành viên trong lớp.
Rồi đây, lớp chúng tôi sẽ tốt nghiệp ra trường, mọi người lại trở về với công việc của mình nhưng tôi tin rằng mỗi chúng tôi sẽ luôn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp cùng Lớp Trung cấp lý luận chính trị 183C, Trường chính trị Trần Phú Hà Tĩnh./.