“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” - Lời hiệu triệu và chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú

Thứ ba - 30/04/2024 22:27
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Lời hiệu triệu “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí thể hiện khí phách kiên cường, bất khuất và bản lĩnh chính trị vững vàng của người cộng sản; lòng trung thành, niềm tin tuyệt đối với Đảng và con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng có sức lan toả mạnh mẽ, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại, đưa đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đồng chí Trần Phú - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và là nhà lãnh đạo xuất sắc. Với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại những di sản quý báu, những bài học có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ và chiến lược, sách lược cách mạng được xác định trong Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo, về cơ bản là thống nhất với quan điểm, đường lối của Đảng được nêu trong Chính cương, Sách lược vắn tắt trước đó. Điều đó cũng thể hiện tính nhất quán và xuyên suốt trong nhận thức của Đảng ta về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và trở thành nhân tố quan trọng, đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
z5398031858997 b5076c3d2088bf5b75fee65abde18d00

Truyền thống văn hóa và lịch sử của quê hương Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tư­ tưởng yêu n­ước, giác ngộ cách mạng, để từ một thanh niên trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú đến với cách mạng và trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc và Nhân dân. Sớm lựa chọn con đường hiến thân cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, được chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, yêu nước trong con người Trần Phú đã nhanh chóng chuyển từ yêu nước truyền thống sang yêu nước cách mạng - Yêu nước trên quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân. Đến với lý tưởng cộng sản, đồng chí Trần Phú hiểu sâu sắc rằng con đường duy nhất để cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn là con đường theo lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải được đặt trong quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội; độc lập cho dân tộc phải gắn với xóa bỏ tận gốc mọi áp bức bóc lột, đưa lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Mặc dù kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc và dùng đủ mọi cực hình tra tấn, nhưng với khí tiết của người cộng sản, đồng chí đã không hề khuất phục, một lòng một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, đồng thời tranh thủ mọi cơ hội để liên hệ, dặn dò mọi người phải giữ gìn bí mật của Đảng, không ngừng học tập, rèn luyện để tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Trước khi hy sinh, đồng chí đã dặn lại đồng chí, đồng bào: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!
Lời căn dặn cũng là hiệu triệu “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là sự thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng; là khí phách kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; là bản lĩnh chính trị vững vàng trước những những khó khăn, thử thách và là niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng và con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lời hiệu triệu ấy nhắc nhở các thế hệ cán bộ, đảng viên, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, kiên cường khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu cống hiến thật nhiều cho cách mạng. “Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của Trần Phú là tấm gương cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân ta”1.
Trong gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đã trải qua nhiều chặng đường đấu tranh oanh liệt và giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Trong những thời điểm lịch sử đặt ra thử thách “ngặt nghèo”, thậm chí có lúc vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, thực hiện lời hiệu triệu của vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, “chí khí chiến đấu” của lớp lớp những người cộng sản đã tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, ý chí quyết chiến, quyết thắng và bản lĩnh chính trị vững vàng để Đảng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử đối với giai cấp và dân tộc.
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng phát triển lớn mạnh, “khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản mà đại biểu là Đảng ta”[1]. Trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp đã thi hành chính sách khủng bố hết sức dã man. Nhiều đồng chí lãnh đạo và hàng ngàn chiến sỹ cộng sản bị bắt; cơ sở Đảng ở Trung ương và địa phương lần lượt bị phá vỡ. Tâm lý bi quan, dao động xuất hiện trong quần chúng nhân dân và một bộ phận trong hàng ngũ những người cách mạng. Tuy nhiên, chính sách khủng bố dã man của kẻ thù chẳng những không thể lung lay tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng, mà trái lại nó đã trở thành một thứ lửa thử vàng, tôi luyện ý chí cách mạng của người cộng sản. Với bản lĩnh và trí tuệ, Đảng luôn giữ vững “chí khí chiến đấu” và niềm tin tất thắng, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật và kịp thời trong công tác tư tưởng để lãnh đạo đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách. Tổng kết thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí của ta đã lợi dụng những ngày ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được những bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”[2].
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một trong những minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trước những diễn biến rất nhanh của tình hình thế giới và trong nước, nếu không giữ vững “chí khí chiến đấu”, không có bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc chắn sẽ rơi vào lúng túng, do dự. Thấm nhuần lời dạy của Lênin: “Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả”[3], sau khi phân tích tình hình, Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 13/8/1945 đã nhận định: “cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng và trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Trong những giờ phút quyết định của lịch sử, “chí khí chiến đấu” của một Đảng cách mạng được thể hiện ở bản lĩnh và ý chí sắt đá, ở quyết tâm “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[4]. Nhờ vậy, cách mạng đã giành được thắng lợi trong thời gian ngắn và ít tổn thất, đồng thời đã thay đổi vị thế đất nước khi đón tiếp quân Đồng minh - một trong những nhân tố quan trọng góp phần hạn chế và từng bước đập tan âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào Việt Nam.
Mặt khác, sau Cách mạng Tháng Tám, nền độc lập non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là những âm mưu, toan tính đen tối của thù trong, giặc ngoài. Bất chấp nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc đã câu kết với nhau thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Một lần nữa “chí khí chiến đấu” của Đảng lại được thể hiện trước những thử thách “ngặt nghèo” của lịch sử. Trước thù trong, giặc ngoài, việc kiên trì chính sách đối ngoại cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, xử lý khoa học mối quan hệ giữa chiến lược, sách lược và nghệ thuật lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù đã hạn chế tới mức thấp nhất và thủ tiêu sự phá hoại của các lực lượng phản động, giữ vững thành quả cách mạng trước cơn sóng gió. Để chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do trước kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quốc phòng mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần cùng với những âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc và tàn bạo, lời hiệu triệu “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú đã được toàn Đảng, toàn dân cụ thể hoá trong quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”[5]. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng đã động viên được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn, giành được những chiến công vĩ đại, góp phần làm sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới, đưa cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm chia làm hai miền; mưu đồ thực dân của đế quốc Mỹ lại đặt dân tộc ta trước những khó khăn, thách thức mới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng diễn ra trong một bối cảnh quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp. Ở trong nước, sau năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau và cách mạng Việt Nam phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự số một thế giới. Mặt khác, sự bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng sâu sắc dẫn đến sự phân liệt giữa các đảng cộng sản. Bối cảnh đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định đường lối cho cách mạng Việt Nam. Đấu tranh bằng phương pháp nào để đưa cách mạng miền Nam thoát ra khỏi cảnh “nước sôi lửa bỏng” nhưng không đi ngược lại xu thế giải quyết mâu thuẫn của thế giới, góp phần giải quyết những bất đồng và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa? Việt Nam có đánh được Mỹ không, đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào?... Đó là những câu hỏi rất khó mà thực tiễn đặt ra, đòi hỏi Đảng ta, dân tộc ta phải có câu trả lời. Trước một trong những khúc quanh phức tạp nhất của lịch sử, “chí khí chiến đấu” của những người cộng sản đã được thể hiện ở việc Đảng vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định nội dung, mối quan hệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới bằng đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền; ở tư tưởng độc lập, tự chủ, không phụ thuộc trong phương pháp tiến hành bạo lực cách mạng, mở đầu cuộc kháng chiến bằng hình thức đồng khởi - bước đi vừa phù hợp với năng lực cách mạng của nhân dân miền Nam, vừa phù hợp với xu thế chung và làm yên lòng bạn bè quốc tế; ở tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; ở tư tưởng chiến lược tiến công, kiên quyết tiến công, liên tục tiến công và quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”... Nhờ vậy, trải qua 21 năm chiến đấu ngoan cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do lạc hậu về nhận thức lý luận và những sai lầm “tả khuynh” trong tổ chức thực hiện, nên sau hàng chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy cũ, giáo điều, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Khó càng thêm khó khi nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũng lâm vào khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng; Việt Nam không còn sự ủng hộ truyền thống, lại chịu sự bao vây, cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch. Thời điểm này, “trong Đảng và ngoài xã hội xuất hiện tư tưởng dao động, cơ hội về chính trị”; thậm chí có bộ phận không còn giữ vững “chí khí chiến đấu”, xét lại, trở cờ, cùng nhiều luồng tư tưởng đối lập nhau về đổi mới hay không đổi mới, đổi mới bằng con đường nào... Trong hoàn cảnh cách mạng phải đối diện với những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể vượt qua đó, nếu thiếu bản lĩnh, trí tuệ, không giữ vững “chí khí chiến đấu”, thì chỉ một quyết định sai lầm cũng có thể đưa đến những nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng và vận mệnh của dân tộc. Một lần nữa “chí khí chiến đấu” của người cộng sản lại được thể hiện ở thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, dứt khoát  đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương 6 khoá VI khẳng định: “Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp”; đổi mới là “vận dụng sáng tạo và phát triển chứ không phải xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”[6]. Có thể thấy rằng, đường lối đổi mới tại Đại hội VI và những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới tại Hội nghị Trung ương 6 khoá VI thể hiện rõ sự kiên định, niềm tin khoa học, trí tuệ và bản lĩnh, trách nhiệm và nhân văn của Đảng ta, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới phát triển đúng hướng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, bảo vệ và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ vậy, “qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”[7].
 
z5398031861944 3026f0720ac9d098a85d714daea1ced6

Có thể khẳng định rằng, bản lĩnh giữ vững “chí khí chiến đấu” của những người cộng sản còn được thể hiện ở thái độ dám thừa nhận và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Tháng 12/1930, đồng chí Trần Phú đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản nhằm “mục đích làm rõ chính sách và phê bình mọi sai trái, lầm lỗi và yếu kém” trong công tác của Đảng, đồng thời cũng để đăng “những bài luận, giải thích” để “các đồng chí có thể bày tỏ ý kiến”. Có thể thấy rằng, trong gần 95 năm lãnh đạo cách mạng, đã có lúc do ấu trĩ, “tả khuynh”, nóng vội, dẫn đến việc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chứng minh, Ðảng không che giấu những sai lầm, khuyết điểm, không sợ phê bình, luôn dũng cảm tự phê bình và quyết tâm sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[8]. Tháng 5/1931, Đảng đã có Chỉ thị phê bình những quan điểm sai lầm “tả” khuynh của Xứ uỷ Trung Kỳ trong chủ trương về vấn đề thanh Đảng; trong giai đoạn 1936-1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” về khuyết điểm của Đảng trong nhận thức và vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, về thái độ của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình...; năm 1947, khi nhìn thấy những nguy cơ Đảng cầm quyền dễ phạm sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; năm 1952, Đảng thực hiện cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn ngay trong kháng chiến; năm 1956, Đảng đã nhận lỗi trước Nhân dân về sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, rồi kiên quyết sửa sai, có cách sửa sai có hiệu quả; năm 1961, tiếp tục thực hiện chỉnh huấn khi miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội; năm 1963, thực hiện cuộc vận động “3 xây, 3 chống”; năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Mở đầu thời kỳ đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật về thực trạng đất nước và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, rồi kiên quyết, dũng cảm tiến hành công cuộc đổi mới. Tiếp đó, các Nghị quyết Trung ương 5 khoá VI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng; Nghị quyết Trung ương 3 khoá VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá”... là minh chứng khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng cũng luôn thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Trần Phú, luôn giữ vững “chí khí chiến đấu” và xem đó như một phẩm chất quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
“Chí khí chiến đấu” của người cộng sản được xem như là một nội dung quan trọng của đạo đức cách mạng, nó được hình thành từ lý tưởng, niềm tin khoa học, được thử thách qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời mới có được. Hiện nay, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đang đặt Đảng ta đứng trước nhiều thử thách mới hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận chưa đủ sáng tỏ; thực tiễn Đổi mới làm xuất hiện nhiều mối quan hệ lớn cần giải quyết; trình độ nhận thức, trí tuệ của cán bộ, đảng viên có mặt còn hạn chế; Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại và có mặt diễn biến phức tạp. Một số tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên đã sa sút “chí khí chiến đấu”, biểu hiện ở tình trạng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; ở việc vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, chuyên quyền, độc đoán, dân chủ hình thức, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình yếu; ở biểu hiện xa dân, xa rời mục tiêu, lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; ở xu hướng diễn biến phức tạp của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; ở sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... Sự sa sút “chí khí chiến đấu” đã và đang tạo môi trường cho chủ nghĩa cá nhân lấn át “dĩ công vi thượng”, làm cho cái xấu có cơ hội phát triển và nguy hại hơn là làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm lung lay cơ sở xã hội - chính trị của Đảng, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch phá hoại sự nghiệp cách mạng. Và suy đến cùng, đó là những biểu hiện của sự sa sút, không giữ vững “chí khí chiến đấu” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước tiền tài, địa vị, danh vọng, lợi ích cá nhân.
Trong bối cảnh đó, lời hiệu triệu và chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú là bài học quý báu, là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để toàn Đảng, toàn dân cũng như mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”, tu dưỡng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng; luôn giữ vững “chí khí chiến đấu” để trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu cống hiến cho phong trào, cho cách mạng, cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
 
1 Lời Điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú. “Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt”. Nxb Chính trị Quốc gia. H.2004. tr19.
[1] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H, 1975, tr386.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 402.
[3] V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M,1976, T.34, tr 571.
[4] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử. NXB Chính trị quốc gia 1994, tr.196.
[5] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
[6] Nghị quyết số 06-NQ/HNTW ngày 29/3/1989, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T.5, tr 301.

Tác giả: TS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Hiệu trưởng, Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay11,503
  • Tháng hiện tại280,483
  • Tổng lượt truy cập10,377,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây