Khu Trại giam bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

Thứ ba - 19/03/2024 23:11

Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) là bệnh viện xưa nhất ở Sài Gòn được xây dựng xong năm 1864. Bệnh viện chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Do nhu cầu điều trị bệnh tâm thần nên trong bệnh viện có xây một khu riêng biệt để nhốt các bệnh nhân tâm thần. Khu nhốt bệnh nhân đó nay đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa.

Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã bắt bớ, tra tấn dã man đến lâm bệnh nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Vì cần khai thác tin tức, nên chúng đưa tù nhân vào khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần của bệnh viện Chợ Quán để vừa điều trị cầm chừng vừa tiếp tục tra hỏi. Từ đó, khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần trở thành nơi giam giữ nững người tù bị bệnh.

Năm 1931, đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị thực dân Pháp giam giữ và trút hơi thở cuối cùng tại nơi đây.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú đã bị bắt tại nhà số 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng) – cơ quan ấn loát của Đảng . Sau khi giam giữ và dùng nhiều cực hình tra tấn dã man đồng chí Trần Phú ở nhiều trại giam khác nhau, chúng chuyển đồng chí về Khám Lớn Sài Gòn để chuẩn bị xét xử. Lúc này, sức khỏe của đồng chí Trần Phú đã ngày càng suy kiệt. Thực dân Pháp muốn duy trì sự sống của đồng chí để khai thác những bí mật của Đảng, nên ngày 26/8/1931, chúng đưa đồng chí đến trại giam trong bệnh viện Chợ Quán để điều trị bệnh. Tại đây, đồng chí vẫn mang số tù 518431. Ngày đầu tiên, chúng để đồng chí ở phòng tập thể (có khoảng 20 người). Nằm chung phòng với đồng chí Trần Phú có đồng chí Nguyễn Văn Nhung, đồng chí Châu Văn Sanh (đã hy sinh), ông Hương quản Bồ ở Hóc Môn. Các đồng chí trong trại giam, các đồng chí trong phòng và một số y bác sĩ từ tâm đã dành cho đồng chí chế độ thuốc men tốt nhất và sự chăm sóc ưu đãi.
Benh vien Cho Quan 12

Đến ngày thứ 3, nhân viên nhà thương thử đàm và máu, phát hiện triệu chứng ho lao nên chuyển đồng chí qua khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân lao. Đồng chí rất yếu, không nói chuyện được. Sang ngày thứ chín, ngày 5/9/1931, bệnh của đồng chí rất nguy kịch. Ngày 6/9/1931, là ngày chủ nhật, phòng cách ly không đóng cửa, đồng chí Nhung sang thăm, thấy đồng chí Trần Phú quá yếu, đồng chí đã kêu y tá đến cấp cứu, nhưng họ không biết. Biết đồng chí Trần Phú không qua khỏi, đồng chí Nhung ghé sát tai đồng chí Trần Phú hỏi: “Thứ hai địch đưa tôi về khám, đồng chí có nhắn nhủ gì không?”. Dồn hết sức còn lại, đồng chí Trần Phú nói: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”. Đến 5 giờ chiều, y tá vào thay ca. Theo đề nghị của các đồng chí trong trại giam, y tá cho khiêng đồng chí Trần Phú qua trại giam cá nhân để tiện việc chăm sóc. Vì không có cáng, nên 4 người: đồng chí Nhung, Hương quản Bồ và một người khác đã khiêng đồng chí bằng tay, chưa đến phòng cá nhân thì đồng chí Trần Phú tắt thở. Thi hài của đồng chí được đặt ở phòng cá nhân. Các đồng chí trong trại giam đã làm lễ truy điệu đồng chí ở phòng này. Toàn thể tù chính trị trong trại giam đã đứng dọc theo hành lang để tiễn đưa đồng chí Trần Phú – người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Ngoài đồng chí Trần Phú, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chiến sĩ cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi cũng đã từng bị giam giữ ở khu trại giam này.

traigiamtranphugiam 27 1655246499331 1681704004518

Ngày nay, khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán được mở cửa để đón khách tham quan. Di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân; cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng với những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu còn rõ nét trên các bức tường. Từ cổng bệnh viện đi vào khu trại giam, ở phía bên phải, mặt bằng kiến trúc của khu trại giam hình chữ U. Dãy ngang của hình chữ U dài 32m, rộng 12m. Hai dãy dọc bằng nhau, mỗi dãy dài 14m, rộng 7,5m. bên ngoài phía trước cửa trại giam có phòng gác nhỏ, lợp ngói móc. Xung quanh có tường gạch cao 2,5m bao bọc. Góc khu trại giam có một tháp canh cao 3,5m diện tích 2m x 2m. Mái của toàn bộ khu trại giam được lợp ngói, bộ vì kèo bằng thép. Hai dãy được lợp ngói âm dương, một khu lợp ngói móc. Dưới lớp ngói có một hệ thống lướii sắt. Trần không có la-phông. Dãy khu biệt giam có trần bê-tông. Tường nhà giam được xây khá chắc chắn, dày 0,4m. nền nhà xây gạch tàu (30cm x 30cm). Trong mỗi phòng có bục để nằm. Thời Pháp các bục được làm bằng gỗ, thời Mỹ – ngụy các bục được làm bằng xi-măng lót gạch bông, kích thước của các bục khác nhau. Tường của khu trại giam được quét vôi, phần dưới màu xám hoặc đen, phần trên màu vàng. Cửa ra vào các phòng đều hẹp từ 1 – 1,2m, cánh cửa bằng gỗ sơn màu xám. Phía trên cánh cửa ra vào có một lỗ nho (10cm x 10cm) để lính canh có thể theo dõi hoạt động bên trong của tù nhân. Cửa gỗ của phòng giam đều có lưới sắt, thanh sắt tròn có đường kính 2cm. Tường các phòng giam cao 4m.

Từ cửa trại giam đi vào, đầu tiên là phòng giam lớn, giam khoảng 20 người. Đồng chí Trần Phú đã ở phòng này khi mới đến trại giam. Phòng rộng 3,6m x 10,2m, bên trong có bục xi-măng lót gạch bông , kích thước 1,5m x 2m. Cửa sổ có lưới sắt có kích thước 0,8m x 1,7m. Kế đến là 2 phòng giam lớn và 2 phòng giam nhỏ. Giữa lối đi có xây thêm một bức tường từ cửa ra vào đến cuối dãy nhà ngăn cách các phòng giam bên trái và bên phải. Bên trái cửa trại giam, cách 10,5m là 2 phòng giam bằng nhau, bề ngang mỗi phòng 10,75m. gần cuối dãy có 2 phòng giam cá nhân nhỏ, trên nóc phòng có giăng lưới sắt. Cuối dãy có 3 phòng vệ sinh nhỏ.

Cuối dãy nhà đầu tiên, quẹo tay phải đi qua khu cách ly. Khu này có cửa sắt ngăn cách với khu bên ngoài, cửa có bề ngang 1,4m. Bên trái khu cách ly có 3 phòng giam, 2 phòng đầu là phòng cá nhân, phòng thứ 3 là phòng tập thể. Đồng chí Trần Phú đã bị giam tại phòng này khi bệnh viện phát hiện đồng chí bị bệnh lao. Cửa phòng rộng 1,2m, chiều dài phòng 10,2m, rộng 3,6m. Trong phòng có bục xi măng rộng 0,2m, dài 2,5m. Phía bên phải khu cách ly có 3 phòng giam. Phòng đầu dãy là phòng giam cá nhân, nơi đặt thi hài đồng chí Trần Phú, gọi là phòng 3A. trong phòng có bục xi-măng rộng 1,2m, dài 2m. Cửa phòng giam có lưới sắt cao 1,8m, ngang 0,7m. Thanh lưới sắt có đường kính 1,5cm. Tiếp sau phòng cá nhân là 2 phòng giam nữa. Toàn khu cách ly có 6 phòng: 4 phòng cá nhân và 2 phòng tập thể.

Từ cửa trại giam quẹo phải qua dãy biệt giam, dãy này gồn 4 phòng bằng nhau. Khác với 2 dãy kia, dãy này được đúc phía trên. Cửa sổ có lưới sắt phía ngoài và có khung che cửa sổ để tránh sự quan sát hoặc liên lạc với bên ngoài.

dsc09269 15175668296151579788517

Nhìn chung, khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán là một di tích lịch sử khá nguyên vẹn. Những năm gần đây, quận 5 đã đầu tư gần 700 triệu đồng để trùng tu giai đoạn một di tích, làm một trong những địa điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Sau khi khánh thành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận 5 chịu trách nhiệm quản lý và giới thiệu, hướng dẫn khách đến tham quan di tích . Di tích có tác dụng giáo dục rất lớn đối với thế hệ trẻ, từ tấm gương sáng chói của đồng chí Trần Phú về lòng dũng cảm, tinh thần kiên định cách mạng và tình thương nhân ái đối với đồng chí, đồng đội. Di tích này sẽ mãi mãi nhắc nhở thế hệ sau lời di huấn của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.

Khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988./.

 

Nguồn tin: www.quan5.hochiminhcity.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay13,381
  • Tháng hiện tại284,394
  • Tổng lượt truy cập9,968,719
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây