Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh, đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí Trần Phú cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề dẫn hội thảo
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến hết sức to lớn của đồng chí Trần Phú là di sản quý báu, dệt nên pho sử vàng vinh quang của Đảng.
Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách chiến sỹ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta học tập, noi theo.
Đại biểu Trung ương dự hội thảo.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng của Hà Tĩnh thời gian qua.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chào mừng.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Tấm gương đạo đức cách mạng kiên trung của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là động lực to lớn cổ vũ Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng với Nhân dân cả nước giành thắng lợi vĩ đại trong cách mạng tháng Tám năm 1945, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã vươn lên giành nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí khẳng định: "Hội thảo lần này là cơ hội để Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tốt truyền thống quê hương, khơi dậy chí khí cách mạng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc".
Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh dự hội thảo.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 50 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học từ Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có 7 tham luận được trình bày trực tiếp.
Toàn cảnh hội thảo.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước; nguyên quán ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 18/4/1931, đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn.
Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại TP Hồ Chí Minh và di dời hài cốt của cố Tổng Bí thư về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An tham luận nội dung "Không gian văn hóa Phú Yên và thời niên thiếu của đồng chí Trần Phú ở Phú Yên".
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Hùng tham luận nội dung "Truyền thống quê hương, gia đình với việc hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú".
Các tham luận đã phân tích, làm rõ các nội dung về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Trần Phú đối với quê hương, dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bắt đầu từ người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; đến hình ảnh người cộng sản kiên trung, bất khuất; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh…
PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tham luận nội dung "Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam".
Các tham luận cũng tập trung phân tích những nội dung nhằm phát huy chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú trong giai đoạn hiện nay.
TS Nguyễn Trọng Hòa - Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tham luận nội dung: "Vận dụng những chỉ dẫn của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng hiện nay".
Trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại, phát huy chí khí cách mạng, tấm gương ngời sáng của đồng chí Trần Phú, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tổng kết hội thảo.
Tổng kết hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định, tham luận của các nhà khoa học, các đại biểu tại hội thảo đã làm sáng rõ nhiều nội dung quan trọng, trong đó phân tích rõ những nhân tố tác động tới việc hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú; những đóng góp của đồng chí Trần Phú trong thời gian hoạt động cách mạng, đặc biệt là lúc giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng; hình ảnh tấm gương người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất...
Những đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú và câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam, cổ vũ thế hệ hôm nay xây dựng đất nước.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học đã tham gia viết bài phục vụ hội thảo. Ban Tổ chức xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó tổ chức biên tập, chỉnh lý, xuất bản kỷ yếu trong thời gian tới.