Những nhân tố hình thành nhân cách đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
Thứ sáu - 29/04/2022 04:19
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Quê hương của đồng chí Trần Phú là Hà Tĩnh - Vùng đất “địa linh nhân kiệt”- Nơi tụ khí núi sông. Mạch nguồn đó đã tạo nên những con người thông minh, đôn hậu, trọng lễ tiết, sống có nghĩa, có tình. Quá trình chống thiên tai và giặc ngoại xâm cũng hun đúc cho con người nơi đây truyền thống yêu quê hương đất nước, kiên cường dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù xâm lược. Chính truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương xứ Nghệ khi bắt gặp, kết hợp được với Chủ nghĩa Mác - Lê nin đã hình thành phẩm chất của người chiến sỹ cộng sản Trần Phú.
Đồng chí Trần Phú được sinh ra trong một gia đình trí thức phong kiến, có truyền thống nho học, khoa bảng. Đây chính là nhân tố rất quan trọng, là môi trường giáo dục tác động tới việc hình thành nhân cách đồng chí từ khi còn nhỏ và trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Quãng đời thơ ấu của đồng chí Trần Phú đã sớm phải gánh chịu những nỗi đau mất mát quá lớn của gia đình, cùng với nỗi đau thân phận của người dân mất nước đã khơi dậy và làm lớn lên ý chí tự lập, lòng căm thù giặc sâu sắc và khát vọng giải phóng dân tộc, quê hương, đất nước đã thôi thúc đồng chí quyết tâm đi theo con đường cách mạng.
Thời đại đồng chí Trần Phú sinh ra và lớn lên khi mà chủ nghĩa tư bản đã chuyển thành chủ nghĩa Đế quốc và cách mạng vô sản được mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã nhanh chóng lan tỏa trên toàn thế giới, trở thành nhân tố cốt lõi cho phong trào tranh đấu chống áp bức, bóc lột cường quyền, đòi tự do độc lập. Dòng chảy cách mạng mạnh mẽ đó đã cuốn hút những con người như Trần Phú sôi nổi, hăm hở đi theo tìm ra chân lý đấu tranh để giải phóng dân tộc mình.
Những nhân tố khách quan như quê hương, gia đình, thời đại là rất quan trọng, nhưng vẫn không thể đủ nếu như thiếu những nhân tố nội sinh bên trong quyết định hình thành nhân cách của một con người lịch sử - một lãnh tụ cách mạng ở trong một thời điểm lịch sử quyết định.
Trước hết, đồng chí Trần Phú có tư chất thông minh, ham học hỏi, có ý chí rèn luyện kiên trì, không quản ngại khó khăn dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng vượt qua để học tập và hoạt động cách mạng.
Hai là, có tinh thần khát khao giải phóng dân tộc và kiên trì thực hiện mục tiêu ấy. Từ khi còn hoạt động trong tổ chức Hội Phục Việt rồi Hưng Nam, đồng chí đã khát khao mong muốn vươn ra tìm chân lý cách mạng. Từ khi được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng, được truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, được kết nạp vào Đảng, trở thành người chiến sỹ cộng sản, được cử đi học ở Trường Đại học Phương Đông, sự thỏa nguyện hoài bão tìm đến chân lý, được tắm mình trong biển cả mênh mông tình hữu ái cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân loại trên toàn thế giới.
Ba là, có tố chất của một nhà hoạt động cách mạng có tư duy khoa học độc lập. Với trí tuệ thông minh, có khả năng nắm bắt, tổng hợp, khái quát những vất đề lớn của thực tiễn thành lý luận, khả năng hoạt động lăn lộn với thực tiễn, vận dụng những kiến thức đã học được ở trường học lý luận để giải quyết, tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi ở nước mình và với tác phong làm việc khoa học độc lập, đồng chí đã hoàn thành bản Luận cương chính trị của Đảng. Luận cương Tháng 10.1930 đã thể hiện rõ ràng những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam và những nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của Đảng vào lúc đó, bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh “Chánh cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” trong Hội nghị thành lập Đảng tháng 2.1930. Đây là thành quả của sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm của đồng chí Trần Phú.
Bốn là, có nhân cách, tư chất và khả năng của một Lãnh tụ cách mạng.
Trong thời gian từ khóa học ở Quảng Châu đến Trường đại học Phương Đông, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặc biệt chú ý đào tạo, bồi dưỡng Trần Phú vì nhận thấy rõ ở Trần Phú phẩm chất và khả năng của một nhà lãnh đạo. Nhận thấy Trần Phú là một thanh niên thông minh, giàu nhiệt tình và tinh thần cách mạng lại thông thạo tiếng Pháp, nên Người đã quyết định cử Trần Phú đi học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva (Liên Xô). Đây là trường đại học đào tạo những cán bộ lãnh đạo cho các nước Phương Đông.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông (11-1929), Trần Phú về nước theo quyết định của Quốc tế Cộng sản vào tháng 2-1930, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu với Ban Chấp ủy lâm thời của Đảng. Trần Phú về nước tháng 4-1930 ở Hải Phòng rồi đi vùng mỏ Hòn Gai. Tháng 7-1930 tới Nam Định và tìm hiểu phong trào nông dân Thái Bình. Tháng 7-1930 được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Vừa mới trở về nước hoạt động, đồng chí đã phải đảm đương một nhiệm vụ rất nặng nề với nhiều công việc bộn bề ở một giai đoạn hết sức cam go, thử thách, khắc nghiệt của Đảng khi vừa mới được thành lập: Bắt tay vào nghiên cứu thực tế, viết Luận cương chính trị của Đảng, chuẩn bị và tổ chức Hội Nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương. Thời điểm cao trào nhất là lúc đồng chí được bầu là Tổng Bí thư của Đảng, khi đó đồng chí mới 26 tuổi, mọi công việc của Đảng đều dồn lên đôi vai gầy của đồng chí. Đồng chí đã lăn lộn cùng với Trung ương Đảng ra sức xây dựng các tổ chức cơ sở của Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, và lãnh đạo làm nên một cao trào cách mạng rộng rãi trong khắp cả nước với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mặc dù thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng rất ngắn nhưng đồng chí đã đảm trách một khối lượng công việc rất lớn của Đảng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi đánh giá công lao của Trần Phú trong giai đoạn cách mạng này đã nói: “Đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều công việc cho Đảng”.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” - câu nói bất hủ, lời nhắn nhủ cuối cùng trước khi đi xa, thể hiện đã thể hiện khí phách hiên ngang của người cộng sản - lãnh tụ của Đảng, thể hiện niềm tin bất diệt ở tương lai tất thắng của cách mạng, cổ vũ, khích lệ, động viên tinh thần đồng chí, anh em noi theo, tiếp tục đấu tranh cho ngày toàn thắng. Đó không chỉ là lời nhắn nhủ những người cộng sản trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, vì độc lập tự do của Tổ quốc mà còn là lời nhắn nhủ mỗi đảng viên của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tỏa sáng một nhân cách lớn, một tấm gương của người chiến sỹ cộng sản, cống hiến và hy sinh trọn đời vì đất nước và nhân dân với ý chí cách mạng kiên cường, kiên trì bền bỉ chịu đựng gian khổ, không hề nao núng, vượt qua mọi khó khăn để đảm đương nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng vô cùng khó khăn, thử thách. Đồng chí đã để lại nhiều bài học cho cán bộ, đảng viên chúng ta hiện nay học tập như: Tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, ý chí tự lập, kiên trì, chịu khó, không quản ngại khó khăn dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng vượt qua để đảm đương tốt mọi công việc được giao; kiên quyết theo đuổi mục tiêu cách mạng đến cùng dù phải hy sinh; đối với kẻ thù thì phải kiên quyêt, không khoan nhượng, dũng cảm đấu tranh tới cùng. Tấm gương đó mãi mãi xứng đáng để các thế hệ cán bộ cách mạng sau này, hiện nay và mai sau học tập.
Tác giả: Th.S. Lê Đình Hùng - Phó Trưởng phòng TC, HC,TT,TL