Cũng theo anh Thành, để phục vụ du khách trong dịp này, từ ngày 27 tháng Chạp, BQL Khu di tích đã phân công nhân viên túc trực hàng ngày để hướng dẫn du khách vào tham quan và giới thiệu về lịch sử, văn hóa mảnh đất Tiên Điền, Nghi Xuân, thân thế, sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du...”.
Sáng mồng 5 Tết, chúng tôi có mặt tại Khu di tích Nguyễn Du, dòng người đổ về đây ngày càng đông đúc, nhộn nhịp. Già trẻ, gái trai ai cũng háo hức mang trên tay những bó hương hoa tươi thắm dâng lên các địa điểm thờ tự trong khuôn viên khu di tích rộng lớn. Trong đó, nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du và nhà Văn thánh nơi thờ tự Khổng Tử thu hút rất nhiều bạn trẻ.
Du khách tham quan phòng truyền thống
Em Nguyễn Hoàng Lâm Phương (Học sinh Trường THPT Nguyễn Du) chia sẻ: “Hôm nay em cùng các bạn về đây để hiểu thêm về cuộc đời, con người, sự nghiệp của một Đại thi hào nổi tiếng khắp năm châu”.
Đầu xuân, du khách đến thắp hương xin lộc và vãn cảnh, du xuân khá đông. Nhiều nhất vẫn các em học sinh, sinh viên đến xin lộc học giỏi, thi xử đỗ đạt.
Anh Cao Sỹ Kiên (TP. Vinh – Nghệ An) chia sẻ: “Hàng năm, cứ dịp đầu xuân, năm mới, gia đình tôi lại tới dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Du, cầu mong bậc tiền nhân phù hộ năm mới nhiều tài lộc, con cái học giỏi, ngoan ngoãn."
Cùng con thắp hương tại nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du, chị Lê Thị Hiền (thị trấn Xuân An – Nghi Xuân) cho biết: “Tôi muốn đưa con tới đây để cháu hiểu thêm về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Du, từ đó cháu sẽ biết trân trọng, tự hào về nhân cách, tài năng của những người đi trước và cố gắng học tập, tu dưỡng tốt hơn”.
Cùng con vãn cảnh Khu di tích Nguyễn Du
Miếu Ao cũng là một trong những điểm thu hút khá đông du khách thập phương. Miếu Ao, tên gọi khác là Đền thờ Tam lang Long vương nằm cạnh một cái ao khá rộng ở thôn Đồng Khánh, xã Thạch Trị (Thạch Hà), là nơi linh thiêng, được đông đảo người dân tìm đến mỗi dịp lễ, tết.
Đến với Miếu Ao, người dân cảm giác đang thả hồn mình yên ả nơi chốn thâm nghiêm với cảnh quan thiên nhiên được giữ gìn từ nhiều đời. Khung cảnh cùng với các huyền tích về khu miếu đã làm cho miếu lung linh các vẻ đẹp ẩn giấu.
Đầu năm Ất Mùi, với quan niệm “đầu năm tìm nơi thanh tịnh”, “đầu năm gửi lễ”, người dân đã tấp nập đổ về Miếu Ao...
Đầu năm Ất Mùi, với quan niệm “đầu năm tìm nơi thanh tịnh”, “đầu năm gửi lễ”, người dân đã tấp nập đổ về Miếu Ao. Không chỉ có cư dân vùng bãi ngang huyện Thạch Hà, miếu còn thu hút người dân các huyện, thành khác như Cẩm Xuyên, Lộc Hà, TP. Hà Tĩnh, Can Lộc. Theo BQL di tích, miếu còn thu hút khách là con em xa quê ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, cũng như các doanh nhân đến từ nhiều nơi khác.
... cầu tài, cầu lộc, cầu cho sức khỏe an khang...
Bà Nguyễn Thị Nhung ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Tôi thường đến dâng hương tại Miếu Ao vì ngoài cảnh quan tự nhiên, sự linh thiêng còn vì sự quản lý chặt chẽ của chính quyền”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thạch Trị Nguyễn Hồng Loan cho hay: “Từ cuối năm đến nay, hàng ngày đều có tới hàng ngàn lượt khách tìm đến miếu. Trước tết Nguyên Đán, BQL di tích và Ban Lễ nghi đã họp, thống nhất nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý miếu. Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra, kiểm soát các loại giá cả.”
Theo báo hà tĩnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn