Một góc nhìn về phẩm giá nàng Kiều

Thứ ba - 08/03/2022 11:17
Trên 200 năm qua, Truyện Kiều đã đi vào đời sống mọi tầng lớp nhân dân, từ vua, chúa, quí tộc cho đến người bình dân; từ các bậc thức giả cho đến những người không biết chữ; từ trẻ đến già, từ thành thị cho đến vùng xa xôi hẻo lánh, đâu đâu Truyện Kiều cũng có mặt.

Cuối thế kỷ XIX, Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ đã viết: “Ngày nay nào khách văn chương, bạn thoa quần, cho đến kẻ buôn bán, người thôn hào, không ai không có một cuốn Kiều cầm tay để thưởng thức. Ngay như cả những người không biết lấy một chữ mà cũng học thuộc được một vài câu, cũng thường khi nằm, khi ngồi đem ra ngâm ngợi. Ôi sao mà có văn hay làm say lòng người đến thế? Có một điều, tôi thấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần, mà xem tựa linh kinh Quỉ Cốc, là bởi làm sao?”. Năm 1924, trong Bài diễn thuyết về quốc văn, nhân lễ giỗ lần thứ 104 của Nguyễn Du, học giả Phạm Quỳnh đã phát biểu: “Hiện nay suốt quốc dân ta, từ trên hàng thượng lưu học thức, dưới đến kẻ lam lũ làm ăn, bất cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết Truyện Kiều, ai ai cũng thuộc Truyện Kiều, ai ai cũng kể Truyện Kiều, ai ai cũng ngâm Truyện Kiều…”. Hàng trăm năm nay, Truyện Kiều đã tạo ra một đời sống văn hoá gọi là văn hoá Kiều, với nhiều thể loại phong phú như: bình Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, ngâm Kiều, đố Kiều, bói Kiều... thành sinh hoạt văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là ở quê hương Hà Tĩnh. Câu hỏi vì sao Truyện Kiều lại có sức lan toả kỳ diệu như vậy gần như đã được trả lời một cách thống nhất rằng: Đọc Truyện Kiều, nghiên cứu Truyện Kiều người ta thấy có phần mình trong đó, tâm trạng, tính cách, hoàn cảnh, duyên phận, mong ước... “Hồn ta ơi! Hôm nay ngươi thanh bình mà ngày mai giông bão. Trong câu Kiều xưa, ta tìm ra Nguyễn Du mà tìm cả chính mình” (Chế Lan Viên). Không những thế, Truyện Kiều còn khám phá những điều sâu kín bí ẩn nhất của lòng người, giúp con người ta hiểu hơn về chính mình, hiểu người và hiểu về dân tộc của mình.

2022 02 0780213 hinh anh vnb

Truyện Kiều đi vào đời sống dân tộc và nhân loại trước hết bằng các giá trị tư tưởng và triết lý lớn trong đó có những các giá trị mang tính nhân loại như bà Katherine Muller Marin đại diện UNESCO phát biểu tại lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào, đó là giá trị hoà bình, nhân văn, gia đình, văn hoá và bình đẳng giới… Giá trị của Truyện Kiều là xuyên quốc gia, xuyên thời đại đã được rất nhiều thức giả luận bàn suốt trên 200 năm qua. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ xin bàn thêm về một số giá trị được tỏa sáng từ Thuý Kiều ở 4 góc độ, đó là: Lòng hiếu thảo, tình yêu chung thuỷ, đức tính khiêm tốn biết mình biết ta và lẽ sống vì nước vì dân.

1. Lòng hiếu thảo

Người xưa có câu “Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên” (trong tất cả nết tốt của con người thì hiếu thảo đứng hàng đầu). Khi gia đình bị vu oan mắc nạn, cha và em bị quan lại sai nha tra tấn đánh đập tàn nhẫn “Giường cao rút ngược dây oan/ Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người!”. Với trí thông minh “vốn sẵn tính trời” Kiều đã suy nghĩ cân nhắc: “Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,/ Trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao?/Duyên hội ngộ, đức cù lao,/ Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn”. Chữ hiếu chỉ có thể cân nhắc với chữ tình, chữ hiếu là cứu cha chữ tình là tình yêu. Nàng với Kim Trọng vừa có trong tay một mối tình đầu trong sáng thuỷ chung, niềm hạnh phúc thiêng liêng của đời người con gái và của chàng Kim. Nàng đã phải lựa chọn giữa hạnh phúc riêng cho mình với hy sinh để cứu cha. Nàng suy nghĩ rạch ròi, đi đến quyết định một cách mau lẹ: “Để lời thệ hải minh sơn,/Làm con, trước phải đền ơn sinh thành/Quyết tình, nàng mới hạ tình/Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”. Lòng hiếu thảo của Kiều qua hành động bán mình cứu cha không phải là một tình cảm bất chợt, bột phát trước cảnh tan cửa nát nhà mà là một tình cảm sâu nặng đã có trong tấm lòng của nàng. Thế nên suốt cả đoạn trường 15 năm chịu bao đau khổ, tủi nhục nàng vẫn không nguôi tấm lòng thương nhớ mẹ cha. Không chỉ trong đau khổ cô đơn mà cả khi nàng có niềm vui được làm một mệnh phụ phu nhân, niềm mong ước sâu lắng của nàng được Từ Hải thấu hiểu và chia sẻ: “Xót nàng còn chút song thân/Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa/ Sao cho muôn dặm một nhà/Cho người thấy mặt, là ta cam lòng.”

Rồi không có niềm vui nào hơn ngày đoàn tụ nàng được gặp lại cha mẹ, hai em và Kim Trọng, chỉ có ngòi bút thiên tài Nguyễn Du mới tả nổi nỗi niềm ấy: “Tưởng bây giờ, là bao giờ/Rõ ràng mở mắt, còn ngờ chiêm bao!”. Phải chăng hiếu tâm là cốt cách là một nguồn sống là niềm hạnh phúc lớn nhất của nàng. Thuý Kiều là tấm gương về lòng hiếu thảo cho muôn đời dân Việt.

2. Tình yêu chung thủy

Khi nói đến vẻ đẹp, giá trị của người phụ nữ không thể không nói đến lòng chung thủy trong tình yêu; chung thủy là bảo bối của tình yêu. Lòng chung thủy trong Truyện Kiều cũng như quan niệm về chữ trinh đã vượt lên khỏi quan niệm thông thường, truyền thống mang nặng lễ giáo phong kiến. Tình yêu và lòng chung thủy của Kiều không phải là “Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi” với Mã Giám Sinh, người làm nhục Kiều đầu tiên; chưa phải là “Đôi ta chút nghĩa đèo bồng” với chàng Thúc Sinh rồi khi tạm xa nhau thì “Vầng trăng ai xẻ làm đôi? Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Cũng chưa phải là “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng/Nửa năm hương lửa đương nồng” với Từ Hải. Mà tình yêu và lòng chung thủy đó phải đến từ một trạng thái tự do, nguyên thủy hoàn toàn của hai trái tim không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì bên ngoài, từ thủa “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, lần đầu biết tương tư của một người con gái “Một mình lặng ngắm bóng Nga/ Rộn đường gần với nổi xa bời bời”, cho đến “Ba sinh đã phỉ mười nguyền” với Kim Trọng. Tình yêu đó theo suốt cuộc đời chìm nổi của nàng Kiều từ khi gặp gỡ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, khi phải xa nhau “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai” cho dẫu phải về thế giới bên kia thì vẫn không thay đổi “Tái sinh chưa dứt hương thề... Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!”.

Suốt 15 năm đoạn trường nàng không dứt thương nhớ người yêu, mỗi khi nhớ cha mẹ là nàng nhớ đến người yêu của mình, nàng vẫn giữ lời thề, vẫn giữ lòng trinh cho Kim Trọng “Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng”. Khi được đoàn tụ, trong đêm động phòng nàng đã nói với người yêu “Chữ trinh còn một chút này,/Chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan!”. Kim Trọng hiểu lòng nàng: “Như nàng lấy hiếu làm trinh,/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”. Rõ ràng không ai hiểu nàng, thương nàng, vì nàng như Kim Trọng: “Tương tri đường ấy, mới là tương tri!”“Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay”, còn các mối tình khác cũng chỉ là “Chở che đùm bọc thiếu gì” mà thôi. Và họ tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình yêu hạnh phúc, “Thêm nối giá, nối hương bình,/Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan”. Nếu có tình yêu chung thủy, hiến dâng cho nhau tấm lòng chân thật sẽ có niềm hạnh phúc như được lên cõi tiên: “Xăn tay mở khoá động đào/ Vén mây trông tỏ lôi vào thiên thai”. Nguyễn Du cho ta hiểu cái đích thực, một tầm cao của tình yêu và lòng chung thủy. Quan niệm về tình yêu, lòng chung thủy là một điểm sáng của Truyện Kiều, vượt xa thời đại của nhà thơ, là một cuộc giải phóng phụ nữ mà bây giờ còn phải tiếp tục.

3. Đức tính khiêm tốn biết mình biết ta

Kiều đẹp nghiêng nước nghiêng thành, “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” lại “Thông minh vốn sẵn tính trời”, đã thành quốc sắc thiên hương làm bao người mê đắm. Từ những tên như: Mã Giám Sinh, Sở Khanh, đến quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”, cho đến những người yêu nàng say đắm: Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải đều “xiêu quán, đổ đình” vì nàng. Và như thế Kiều có quyền kiêu hãnh, tự cao lắm chứ. Nhưng chúng ta không hề nhận thấy một chút thái độ kiêu căng, tự mãn xem thường người khác của nàng. Ngược lại nàng luôn tôn trọng, khiêm nhường, biết mình biết ta đặc biệt là trong tình yêu: Kim Trọng gặp được nàng đã cảm thấy mình may mắn và chưa xứng đáng với nàng “Kiếp tu xưa ví chưa dày./ Phúc nào nhắc được giá này cho ngang!”. Thì nàng lại thấy “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,/ “Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. Rồi nàng băn khoăn: “Trông người lại ngẫm đến ta,/ Một dầy, một mỏng, biết là có nên?”... Khi Thúc Sinh gặp nàng “Sinh càng một tỉnh mười mê,/ Ngày xuân, lắm lúc đi về với xuân” thì nàng lại “Vẻ chi chút phận bèo mây,/ Làm cho bể ái, khi đầy khi vơi.”

Đối với Từ Hải “Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”, nàng lại nhận mình “Thân này còn giám coi ai là thường”. Khi đoán Từ Hải sau nay sẽ làm lớn thì Kiều lại thấy:”Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”. Đức tính khiêm tốn đã là bản tính của nàng có lẽ vì thế mà nàng đẹp hơn, nàng được yêu nến hơn trong lòng dân tộc.

4. Lẽ sống vì nước, vì dân

Kiều đã sống và hy sinh cho gia đình, cho người yêu và điều đó đã được bàn luận nhiều. Không chỉ vậy lẽ sống của nàng còn cao đẹp hơn nữa. Cái tinh tế của Nguyễn Du là lẽ sống cao đẹp, lý tưởng cao đẹp đó ông không gửi gắm vào nhân vật nào mà lại gửi gắm vào nàng Kiều, một người con gái bị vùi dập, đã từng “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Đến cả anh hùng Từ Hải “Phong trần mài một lưỡi gươm,/ Những loài giá áo, túi cơm sá gì!” thì cũng chỉ dẹp loạn mà thôi, còn nàng Kiều thì: “Trên vì nước, dưới vì nhà,/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung”, nàng khuyên Từ Hải đầu hàng cũng vì thương dân “Ngẫm từ dấy nghiệp binh đao/ Đống xương vô định đã cao bằng đầu”. Trước khi nhảy xuống sông Tiền Đường nàng đã bút tích để lại: “Xót vì việc nước mà ra phụ lòng”. Vì việc nước mà Kiều đã dẫn Từ Hải đến cái chết. Trước đó Sư Tam Hợp đã tiên đoán như vậy “Hại một người, cứu muôn người”, và về sau Đạm Tiên lại khẳng định thêm một lần nữa “Tâm thành đã thấu đến Trời/ Bán mình là hiếu, cứu người là nhân/ Một niềm vì nước vì dân”. Đến đây ta đã rõ, cách đây hơn 200 năm lẽ sống cao đẹp của Thúy Kiều, của người con gái Việt Nam ấy là “Một niềm vì nước vì dân”. Và chúng ta cũng không còn phải nghi ngờ gì nữa, đó chính là lẽ sống là lý tưởng của nhà yêu nước vĩ đại – Đại thi hào Nguyễn Du.
Tấm lòng vì nước, vì dân là bài học lịch sử lớn của tất cả các triều đại trước và sau Nguyễn Du, là lẽ sống của biết bao thế hệ. Các giá trị của Truyện Kiều nói chung, từ nàng Kiều nói riêng được hun đúc từ truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc và được Nguyễn Du tiếp tục đúc kết, thể hiện một cách sinh động bằng bút pháp tài tình của mình qua kiệt tác Truyện Kiều, rồi từ Truyện Kiều lại thấm đẫm vào đời sống nhân dân thành sức mạnh văn hoá - một nguồn nội lực của sức mạnh dân tộc: “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra”. Chỉ có trong lòng nhân dân, Truyện Kiều mới trở thành sức mạnh và đó cũng là lý do để ta hiểu và tin Nguyễn Du và Truyện Kiều đã và sẽ trường tồn cùng dân tộc: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” (Phạm Quỳnh). Sứ mệnh của chúng ta là phải làm cho Truyện Kiều, Nguyễn Du luôn trở về với đời sống hôm nay và mai sau để những giá trị vô giá đó luôn được bảo tồn và phát huy đúng như tinh thần thông điệp mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ III, 24/11/ 2021: “Văn hoá còn thì dân tộc còn”. Quỹ bảo tồn phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều của Hà Tĩnh ra đời cũng không ngoài mục đích đó./.

 Hà Tĩnh, Xuân Nhâm Dần 2022
Hà Văn Thạch 

Nguồn tin: Tạp chí Hồng Lĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay13,217
  • Tháng hiện tại289,720
  • Tổng lượt truy cập10,386,302
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây